Cơ hội sửa sai của ông Biden
Cách Tổng thống Mỹ Joe Biden phản ứng trước tình hình tại Ukraine giúp ông có thêm sự tin tưởng của cả các đồng minh châu Âu lẫn giới chính trị trong nước.
Chính quyền Mỹ dưới thời ông Biden từng nhận nhiều chỉ trích của đồng minh trong cách xử lý vụ rút quân khỏi Afghanistan và thành lập liên minh AUKUS. Khủng hoảng Ukraine mang đến cơ hội cho Mỹ để củng cố quan hệ với các đồng minh châu Âu chủ chốt.
Khi căng thẳng tại Ukraine bùng phát, ông Biden nhanh chóng điều binh sĩ Mỹ tới châu Âu để tăng cường khả năng phòng thủ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng như tăng cường chia sẻ tin tình báo với các đồng minh.
Giới chức Mỹ ở các cấp cũng tham vấn giới chức châu Âu trên cả kênh song phương lẫn đa phương. Cách tiếp cận này nhận được sự hoan nghênh từ “lục địa già”, sau nhiều thất vọng nhằm vào Washington trong năm 2021.
“Họ đã nhận ra bài học từ vụ Taliban chiếm lại Kabul”, ông Ivo Daalder, cựu Đại sứ Mỹ tại NATO, nhận định, theo New York Times. “Chính quyền Mỹ hiện nay đang tỏ ra đặc biệt hiệu quả - theo cách chúng ta chưa từng thấy trong thời gian dài - trong tương tác với đồng minh”.
Sửa chữa sai lầm
Tháng 1/2021, ông Biden bước vào Nhà Trắng với lời hứa “hồi sinh” quan hệ với các đồng minh chủ chốt, trong đó có các nước châu Âu, vốn chịu tổn hại từ nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump.
Tuy vậy, ngoại giao Mỹ trong năm đầu tiên cầm quyền của ông Biden được đánh dấu bởi hai sự kiện khiến châu Âu không mấy hài lòng: Xử lý khủng hoảng Afghanistan và thành lập liên minh AUKUS.
Một số đồng minh như Anh phản đối quyết định đơn phương rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan. Cuộc rút quân vội vã sau đó còn gây nhiều bất bình hơn, khi Washington bị chỉ trích vì không chia sẻ thông tin tình báo, cũng như không lùi thời hạn di tản bất chấp sức ép từ đồng minh.
Chỉ ba tháng sau, Mỹ cùng Anh và Australia tuyên bố thành lập liên minh quân sự AUKUS. Động thái này khiến Pháp - nước bị Australia hủy bản “hợp đồng tàu ngầm thế kỷ” trị giá hàng chục tỷ USD mà không được báo trước - tức giận. Các nước EU thể hiện sự thống nhất với quan điểm của Paris trong vụ việc.
Giờ đây, khi tình hình Ukraine nóng lên, chính quyền của Tổng thống Biden tích cực chia sẻ tin tức tình báo và các thông tin khác cho đối tác qua hàng loạt cuộc gặp từ cấp cao tới cấp chuyên viên. Theo hai nguồn tin của Wall Street Journal, ông Biden nhấn mạnh yêu cầu này với các quan chức Nhà Trắng.
Trong những ngày qua, bản thân ông Biden cũng điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Đức Olaf Scholz để thảo luận về vấn đề Ukraine và cách đối phó chung của phương Tây.
Bà Andrea Kendall-Taylor, cựu quan chức phụ trách Nga trong Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ (NIC), gọi đây là nỗ lực “xây dựng bức tranh chung về mối đe dọa”.
Washington cũng tìm cách bảo vệ châu Âu về mặt kinh tế trong trường hợp xung đột nổ ra, đặc biệt trong vấn đề khí đốt. Đối với nhiều nước châu Âu, Nga vẫn là nhà cung cấp khí đốt quan trọng hàng đầu. Nguồn cung này có thể bị ngắt trong trường hợp chiến tranh.
Tháng 1 vừa qua, giới chức Mỹ thảo luận với nhiều công ty dầu khí quốc tế về kế hoạch cung ứng khẩn cấp khí tự nhiên cho châu Âu. Washington tuyên bố “tự tin” rằng châu Âu sẽ không thiếu năng lượng để sưởi ấm giữa mùa đông lạnh giá.
Những nỗ lực của Washington đã đem lại hiệu quả. Tính đến nay, phản ứng của phương Tây về Ukraine về cơ bản khá thống nhất - tuy vẫn còn những bất đồng.
“Sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau đã rơi xuống đáy vào mùa hè năm ngoái do thất bại tại Afghanistan”, ông Wolfgang Ischinger, cựu Đại sứ Đức tại Mỹ, nhận định. “Giờ đây, không ai có thể phàn nàn rằng nước Mỹ đang không lãnh đạo theo cách thức mới”.
Uy tín nội bộ
Ngoài uy tín trên trường quốc tế, ông Biden còn có cơ hội nhận thêm tín nhiệm ở cả trong nội bộ về cách xử lý vấn đề Ukraine.
Các thượng nghị sĩ Mỹ hôm 17/2 thông qua một nghị quyết kêu gọi sự đoàn kết bên trong NATO và ủng hộ áp đặt “cái giá đáng kể” lên Nga nếu tấn công Ukraine. Đây là sự ủng hộ lớn về chính trị đối với ông Biden.
“Nghị quyết gửi thông điệp mạnh mẽ cho ông Putin rằng Thượng viện Mỹ - các đảng viên Dân chủ cũng như Cộng hòa với ý thức hệ khác nhau - đoàn kết trong bảo vệ Ukraine bằng mọi cách mà chính quyền thấy thích hợp”, ông Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số, tuyên bố.
Tổng thống Biden vẫn đang hứng chịu sự chỉ trích của một số chính trị gia Cộng hòa. Tuy vậy, tiếng nói từ đảng Cộng hòa là không thống nhất. Một số chính trị gia "diều hâu" như Thượng nghị sĩ Tom Cotton kêu gọi cứng rắn hơn với Nga, trong khi nhà bình luận chính trị Tucker Carlson của Fox News gọi Ukraine “không phải vấn đề của nước Mỹ”.
Trong khi đó, phe cấp tiến của đảng Dân chủ cũng lên tiếng ủng hộ ông Biden. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders hoan nghênh chính phủ “làm hết sức có thể khi phải đối mặt với tình thế khó xử”.
Khác với vấn đề Afghanistan, ông Biden gần như không gặp phải chỉ trích từ trong giới chính trị Mỹ khi giải quyết vấn đề Ukraine.
“Tôi nghĩ họ gặp phải một số sai lầm ban đầu trong phân tích khi nghĩ rằng có thể giữ quan hệ ổn định với Nga để tập trung vào Trung Quốc. Nhưng, về tổng thể, tôi rất ấn tượng”, cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul nhận xét.
“Ông Trump sẽ không làm được như vậy”, ông Daniel Fried, cựu chuyên gia về Nga của Bộ Ngoại giao Mỹ, khẳng định.
Dù vậy, lịch sử Mỹ cho thấy các cuộc khủng hoảng bên ngoài có thể tác động tới quan điểm của công chúng về tổng thống chỉ trong ngắn hạn. Sau khi tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, mức độ tín nhiệm của cựu Tổng thống Barack Obama tăng vọt, nhưng chỉ kéo dài trong một tháng.
Ông David Axelrod, cựu cố vấn cấp cao của ông Obama, gọi cách ông Biden xử lý vấn đề Ukraine là “thông minh, mạnh mẽ và cẩn trọng”.
“Dù đa số người Mỹ tập trung vào vấn đề gần gũi, ‘thông minh, mạnh mẽ và cẩn trọng’ là những tính từ đáng khích lệ để miêu tả về Tổng thống Biden trong 6 tháng đầy thách thức vừa qua”, ông Axelrod nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-hoi-sua-sai-cua-ong-biden-post1297008.html