Cơ hội tạo đột phá trong hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam - Indonesia
Quan hệ giữa Việt Nam - Indonesia đang đứng trước những cơ hội lớn để nâng cao hiệu quả, đưa các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại đi vào chiều sâu.
Lạc quan với mục tiêu 15 tỷ USD
Từ ngày 11 đến ngày 13/1/2024, nhận lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Tổng thống nước Cộng hòa Indonesia Joko Widodo sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Đây là lần thứ hai Tổng thống Joko Widodo thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam (sau chuyến thăm tháng 9/2018) và là dịp để hai bên tiếp tục trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hợp tác, làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác chiến lược, qua đó thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống đã được vun đắp gần 70 năm qua.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1955 đến nay, quan hệ giữa Việt Nam - Indonesia vẫn luôn phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực.
Về thương mại song phương, những năm gần đây, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước ghi nhận tăng trưởng tích cực. Tốc độ tăng trưởng thương mại bình quân Việt Nam - Indonesia giai đoạn 2010-2022 đạt trung bình 12% mỗi năm. Năm 2022, thương mại song phương Việt Nam - Indonesia đạt trên 14,1 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2021, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia đạt 4,5 tỷ USD (tăng 15,7%), nhập khẩu từ Indonesia đạt 9,6 tỷ USD (tăng 26,8%).
Tính đến hết tháng 11/2023, kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 12,6 tỷ USD (xuất khẩu khoảng 4,7 tỷ USD; nhập khẩu khoảng 7,9 tỷ USD). Hai nước đặt mục tiêu đạt kim ngạch thương mại song phương 15 tỷ USD, theo hướng cân bằng hơn vào năm 2028.
Bên cạnh đó, lĩnh vực hợp tác đầu tư giữa hai nước cũng có nhiều khởi sắc. Tính đến hết tháng 11/2023 tổng vốn đầu tư của Indonesia vào Việt Nam đạt 651,21 triệu USD, với 120 dự án còn hiệu lực (tăng thêm 2 dự án với số vốn tăng thêm 4,71 triệu USD trong năm 2023) và xếp thứ 29/143 vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam.
Nhiều tập đoàn, công ty của Indonesia đang đầu tư và kinh doanh thành công tại Việt Nam như: Ciputra, Traveloka, Gojek, PT Vietmindo Energitama, Jafpa Comfeed Vietnam, Semen Indonesia Group…
Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam đã có mặt tại Indonesia như: FPT, Điện máy xanh... và các doanh nghiệp khác cũng đang hoàn thiện thủ tục đầu tư tại Indonesia như Taxi Xanh (Vingroup), Tập đoàn Việt Thái, Thái Bình Shoes, Cổ phần Thuận Hải...
Có thể nói, trong các nước ASEAN, doanh nghiệp Indonesia là những nhà đầu tư có mặt tại Việt Nam sớm nhất, ngay sau khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa đón các nhà đầu tư nước ngoài. Đến nay, Việt Nam vẫn luôn là một lựa chọn trong các điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn cho các doanh nghiệp Indonesia.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã quan tâm, tìm hiểu các cơ hội đầu tư tại Indonesia trong lĩnh vực viễn thông, sản xuất thiết bị gia dụng, máy phát điện, chế biến thủy sản...
Chia sẻ quan điểm về mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 15 tỷ USD, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Indonesia Tạ Văn Thông cho rằng, mục tiêu này được đặt ra dựa trên quyết tâm của chính phủ hai nước và tiềm năng của hai bên. Indonesia có nền kinh tế lớn thứ 17 trên thế giới, lớn thứ nhất trong ASEAN với khoảng 270 triệu người tiêu dùng, trong đó tầng lớp trung lưu có quy mô ngày càng tăng, là thị trường còn nhiều dư địa cho các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam.
Thêm nữa, các hiệp định như CPTPP, EVFTA, cùng với một loạt các hiệp định FTA song phương khác mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, đặt ra nhiều cơ hội lớn cho các nhà đầu tư Indonesia sang thiết lập cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam để mở rộng thị trường xuất khẩu.
“Trong bối cảnh kinh tế thương mại toàn cầu gặp nhiều khó khăn, thương mại hai nước tiếp tục là điểm sáng với tốc độ tăng trưởng khoảng 10% năm. Do đó khả năng đạt mục tiêu 15 tỷ USD là triển vọng rất thực tế trong vài năm tới” - Đại sứ Tạ Văn Thông nhận định.
Dư địa hợp tác còn rất lớn
Hiện nay, Indonesia là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong ASEAN, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Indonesia trong khu vực. Tuy có những tương đồng trong cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu, nhưng hai nước vẫn có những mặt hàng có thể bổ trợ tốt cho nhau.
Việt Nam là nhà cung cấp có uy tín, chất lượng nhiều sản phẩm cho thị trường Indonesia như: Gạo, cà phê, cao su, thủy sản, hàng dệt may, giày dép, điện thoại di động và linh kiện, sắt thép, vật liệu xậy dựng, sản phẩm nhựa... Mặt khác, nhiều mặt hàng thế mạnh của Indonesia như than đá, linh kiện phụ tùng ô tô, dầu cọ, chất dẻo nguyên liệu, thức ăn gia súc và nguyên liệu, hóa chất, kim loại thường… cũng được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, nhập khẩu để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trước đó, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 55 (AEM 55) diễn ra từ ngày 17 đến 22/8/2023 tại thành phố Semarang, Indonesia, trong buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan, Bộ trưởng Zulkifli Hasan nhận định, Việt Nam và Indonesia còn có rất nhiều tiềm năng hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực thủy sản và công nghiệp ô tô điện.
Đối với lĩnh vực thủy sản, Bộ trưởng Zulkifli Hasan cho rằng, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm về nuôi trồng, sản xuất, xuất khẩu thủy sản, hoạt động trong lĩnh vực ngư nghiệp và Indonesia mong muốn học hỏi kinh nghiệm từ Việt Nam.
Đối với lĩnh vực sản xuất xe điện, Bộ trưởng Zulkifli Hasan chia sẻ hiện nay có rất nhiều hãng sản xuất ô tô lớn của nước ngoài gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… đã và đang đầu tư và sản xuất xe điện tại Indonesia.
“Indonesia được biết đã có một số doanh nghiệp Việt Nam mở nhà máy sản xuất ô tô tại Mỹ, do đó với tiềm năng, thế mạnh sẵn có của mình, Indonesia mong muốn và kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp Indonesia trong thời gian tới để phát triển ngành công nghiệp ô tô điện tại Indonesia” – Bộ trưởng Zulkifli Hasan kỳ vọng.
Ghi nhận các đề xuất của Bộ trưởng Hasan về việc hợp tác trong lĩnh vực thủy sản và sản xuất xe ô tô điện giữa hai nước Việt Nam – Indonesia, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác với phía Indonesia phát triển hợp tác trong lĩnh vực thủy sản cũng như ngành công nghiệp ô tô điện. Để thúc đẩy hợp tác các lĩnh vực này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, Bộ trưởng Zulkifli Hasan trao đổi, vận động và mời các doanh nghiệp thủy sản của Indonesia tham dự các hoạt động hội chợ, xúc tiến thương mại, diễn đàn doanh nghiệp tổ chức tại Việt Nam để kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Về hợp tác trong ngành công nghiệp ô tô điện, Việt Nam được biết Indonesia có nguồn tài nguyên nikel rất dồi dào, còn Việt Nam là một trong những quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm lớn nhất trên thế giới. Dựa trên những tiềm năng và tiềm lực sẵn có của mỗi nước, Việt Nam và Indonesia có thể cùng nhau hợp tác, phát triển ngành công nghiệp ô tô điện tại khu vực trong thời gian tới.
Như vậy, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và khu vực đang tiếp tục có nhiều thay đổi sâu sắc, cả Việt Nam và Indonesia đều đang đứng trước những cơ hội lớn để nâng cao hiệu quả, đưa các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại đi vào chiều sâu.