Cơ hội thảo luận và tăng cường mối quan hệ
Với chủ đề 'Hợp tác xây dựng một chương trình nghị sự linh hoạt, bền vững và toàn diện nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, công nghiệp hóa và tạo việc làm có chất lượng', Diễn đàn AGOA lần thứ 20 là nơi các quan chức thương mại thảo luận về tương lai của thỏa thuận này, trong bối cảnh các nước châu Phi kêu gọi gia hạn AGOA thêm 20 năm nữa.
Chính thức có hiệu lực từ năm 2000, AGOA là nền tảng trong chính sách kinh tế và thương mại của Mỹ ở châu Phi khi cho phép miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu từ các nước phía nam sa mạc Sahara của châu Phi đến nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nhấn mạnh, đạo luật này đóng vai trò then chốt trong hợp tác kinh tế giữa Mỹ và châu Phi, cũng như thúc đẩy tăng trưởng và phát triển trên khắp châu lục trong hơn 20 năm qua.
Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu từ châu Phi vào Mỹ theo AGOA đã phục hồi ở mức 10 tỷ USD trong năm 2022, so với 6,8 tỷ USD của năm 2021, và Nam Phi đã nổi lên là nước xuất khẩu hàng đầu, với kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 3,6 tỷ USD vào năm ngoái.
Trong bối cảnh AGOA sẽ hết hạn vào năm 2025, Tổng thống Nam Phi cho rằng, việc gia hạn thời gian dài hơn có thể sẽ thu hút các nhà đầu tư. Châu Phi mong muốn Mỹ xem xét khả năng gia hạn AGOA trong một khoảng thời gian đủ dài để AGOA đóng vai trò khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng nhà máy mới ở lục địa châu Phi. Ông tin rằng, Lục địa Đen có thể làm được nhiều hơn nếu cơ hội này được mở rộng và có thể xây dựng thêm năng lực chắc chắn hơn khi thời gian gia hạn dài hơn. Ủy viên Liên minh châu Phi (AU) phụ trách thương mại và công nghiệp Albert Manyanga bày tỏ mong muốn AGOA được kéo dài thêm từ 10 đến 20 năm.
Trong khi châu Phi kỳ vọng AGOA được gia hạn mà không có bất cứ sửa đổi nào, thì giới chức Mỹ cho rằng, đạo luật này cần được sửa đổi vì nó đã khá “lỗi thời” sau hơn 20 năm thực hiện. Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ chỉ ra một số bất cập trong việc triển khai AGOA. Theo đó, hơn 80% hàng hóa phi dầu mỏ của châu Phi được miễn thuế khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ trong những năm gần đây là đến từ năm nước Nam Phi, Kenya, Lesotho, Madagascar và Ethiopia. Trong khi lĩnh vực may mặc của châu Phi đạt bước tiến lớn nhờ tác động tích cực từ AGOA, thì nhiều lĩnh vực khác giậm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi. Hơn nữa các ngành mới có nhiều tiềm năng như công nghệ và dịch vụ kỹ thuật số chưa được cập nhật trong đạo luật.
Vì vậy, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken khẳng định, Chính quyền Tổng thống Joe Biden không chỉ muốn gia hạn AGOA, mà còn phối hợp Quốc hội Mỹ để tối ưu hóa đạo luật. Bên cạnh đó, Tổng thống Joe Biden cho biết sẽ loại các nước CH Trung Phi, Gabon, Niger và Uganda khỏi AGOA kể từ tháng 1.2024 do bất ổn chính trị và vấn đề dân chủ. Tuy nhiên, ngoài bốn quốc gia trên, Mauritania được tham gia trở lại AGOA sau khi bị đưa ra khỏi chương trình hồi năm 2019 do lo ngại về các quyền của người lao động tại nước này.
Trong bối cảnh tương lai của AGOA sau năm 2025 vẫn chưa được xác định, Tổng thống Mỹ khẳng định vị trí quan trọng của châu Phi trong chính sách đối ngoại của Mỹ, và việc gia hạn AGOA sẽ giúp quốc gia này tăng cường tiếng nói tại khu vực, cũng như mang lại lợi ích thiết thực cho nền kinh tế châu Phi.