Cơ hội thu hẹp bất đồng
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden 'đồng ý về nguyên tắc' tiến hành một cuộc gặp thượng đỉnh để thảo luận về tình hình an ninh ở châu Âu, theo đề nghị của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho căng thẳng xung quanh Ukraine, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 20/2 đã có hai cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và một cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Sau các cuộc trao đổi, văn phòng Tổng thống Pháp phát thông cáo xác nhận ông Putin và ông Biden đã “đồng ý về nguyên tắc” với nhà lãnh đạo Pháp để tiến hành gặp thượng đỉnh về tình hình an ninh châu Âu. “Cuộc gặp sẽ diễn ra nếu Nga không xâm lược Ukraine”, Điện Elyseé nhấn mạnh và cho biết thêm, Tổng thống Pháp sẽ tham gia chuẩn bị nội dung cho hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ.
Ngay sau thông tin từ Paris, Nhà Trắng xác nhận Tổng thống Mỹ-Nga sẽ gặp nhau sau cuộc hội đàm ở châu Âu vào ngày 24/2 của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Hiện địa điểm và hình thức của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga chưa được xác định. Mỹ khẳng định họ muốn tham gia nỗ lực ngoại giao, nhưng cũng sẵn sàng cho tình huống Moscow động binh.
“Chúng tôi luôn sẵn sàng về mặt ngoại giao. Chúng tôi cũng sẵn sàng áp đặt những biện pháp nhanh chóng và nghiêm túc nếu Nga lựa chọn chiến tranh”, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki nói với báo giới. Trong khi đó, Ngoại trưởng Blinken thì khẳng định: “Tổng thống Biden sẵn sàng gặp Tổng thống Putin bất cứ lúc nào, dưới bất kỳ hình thức nào, nếu điều đó giúp ngăn chặn chiến tranh”.
Từ Điện Kremlin, các quan chức Nga khẳng định, các ông Putin, Macron đã điện đàm và nhất trí “cần thúc đẩy một giải pháp ngoại giao với cuộc khủng hoảng đang diễn ra và phải làm mọi thứ để đạt được giải pháp”. Phía Nga cho biết, Tổng thống Putin đã đổ lỗi cho Kiev về tình hình căng thẳng ở miền Đông Ukraine, song tin rằng ngoại giao vẫn là con đường phù hợp để tìm giải pháp.
Ông Putin đồng thời hối thúc “Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) xem xét một cách nghiêm túc các yêu cầu bảo đảm an ninh mà Nga đưa ra”, nhắc tới đề xuất cuối năm ngoái của Moscow về việc kí kết một thỏa thuận an ninh mới, trong đó NATO phải cam kết ngừng kết nạp Ukraine và các quốc gia gần biên giới Nga.
Theo New York Times, với vị thế Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Pháp Macron đã thể hiện vai trò trung gian hòa giải đáng kể khi ông những tuần gần đây liên tiếp có các cuộc gặp trực tiếp, điện đàm với lãnh đạo các quốc gia liên quan để “tháo ngòi” mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây xung quanh các đề xuất an ninh của Moscow; cũng như hạ nhiệt tình hình Ukraine, trong bối cảnh phương Tây cho rằng Nga tập hợp 130.000 binh sĩ ở biên giới phía Tây để sẵn sàng tấn công quốc gia láng giềng, cáo buộc mà Moscow cương quyết bác bỏ.
Giới quan sát đánh giá, một cuộc gặp giữa Tổng thống hai nước Nga – Mỹ là rất cần thiết lúc này, bởi phía Nga từ lâu cho rằng bất cứ thỏa thuận hạ nhiệt căng thẳng nào giữa nước này và phương Tây đều chỉ có thể đạt được khi Mỹ, quốc gia dẫn đầu khối NATO, là bên đứng ra trực tiếp thương lượng.
Để thu xếp hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ, Tổng thống Pháp Macron đã có ngày Chủ nhật (20/2) rất bận rộn. Sau cuộc trò chuyện đầu tiên kéo dài 40 phút với Tổng thống Putin, Tổng thống Pháp đã gọi điện cho Tổng thống Mỹ Biden, trước khi tiến hành cuộc điện đàm thứ hai kéo dài hơn 60 phút với ông chủ Điện Kremlin.
Ngoài cuộc gặp Putin-Biden, phía Pháp cũng đề xuất tiến hành một “phiên họp ở cấp cao nhất để xác định trật tự hòa bình và an ninh mới ở châu Âu”, điều mà Moscow rất trông đợi; cũng như các cuộc thảo luận giữa nhóm Bộ tứ Normandy (gồm Nga, Pháp, Đức và Ukraine) về việc thực thi lệnh ngừng bắn theo Thỏa thuận Minsk xung quanh cuộc xung đột ở Đông Ukraine.
Để hiện thực hóa những sáng kiến đó, ông Macron ngày 20/2 còn điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Cần lưu ý rằng, loạt động thái ngoại giao này diễn ra chỉ một tuần sau khi ông Macron trực tiếp bay đến Moscow và Kiev để gặp Tổng thống Nga, Ukraine.
Có thể nói, đến nay, không ai dám khẳng định liệu chiến tranh có nổ ra liên quan cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine hay không. Tuy vậy, một bầu không khí căng thẳng và hồi hộp lo lắng rõ ràng đã phủ kín châu Âu. Trước việc các nguồn tin phương Tây liên tục “thêm dầu vào lửa” với những thông tin khó kiểm chứng rằng Nga có thể tấn công Ukraine bất cứ lúc nào, giới quan sát đề cao quyết tâm của Pháp, đồng thời kêu gọi các bên tăng cường hơn nữa đối thoại, hạn chế tối đa lời nói, hành động có thể khiến tình hình vượt tầm kiểm soát.
Trong diễn biến liên quan, phát biểu bên lề Hội nghị An ninh Munich, hôm 19/2, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cảnh báo các bên cần ngừng phỏng đoán ý định của Nga với Ukraine. “Chúng ta vẫn chưa biết liệu một cuộc tấn công đã được quyết định hay chưa. Tôi kêu gọi các bên quan sát diễn biến thật trên thực địa”, bà Baerbock nói.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/co-hoi-thu-hep-bat-dong-i644723/