Cơ hội thu hút đầu tư vào ngành công nghệ thông tin và truyền thông
Chiều 21/10, tại Hà Nội, trong khuôn khổ hội nghị và triển lãm thế giới số 2020 (ITU Digital World 2020), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức tọa đàm trực tuyến Diễn đàn đầu tư ICT Việt Nam 2020 (Vietnam ICT Investment Forum 2020) với chủ đề 'Tại sao Việt Nam' (Why Vietnam).
Theo Bộ TT&TT, hiệnViệt Nam đã thu hút hơn 26.000 dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN) với tổng vốn đăng ký gần 350 tỷ USD. Khu vực FDI đã có tác động lan tỏa đến sự phát triển của mọi thành phần của nền kinh tế, trong đó có sự đóng góp quan trọng của các tập đoàn công nghệ thông tin đa quốc gia.
Tuy nhiên, thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực ĐTNN chưa đạt hiệu quả, ĐTNN từ các tập đoàn đa quốc gia vào nghiên cứu và phát triển và công nghệ số còn hạn chế. Trong khi đó, kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ, đổi mới sáng tạo. Do vậy, Việt Nam sẽ có chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong giai đoạn chuyển đổi số.
Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ TT&TT), trong 5 năm gần đây, ngành công nghệ thông tin, điện tử viễn thông đã trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam, đóng góp lớn cho doanh thu, xuất khẩu và nộp ngân sách nhà nước, với doanh thu 112 tỷ USD năm 2019, với trên một triệu lao động.
Trong dự thảo Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển 70.000 doanh nghiệp công nghệ số và cón 1,2 triệu nhân lực công nghệ số; giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tăng trưởng bình quân từ 10-20%/năm; doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đóng góp 10% tăng trưởng GDP; xếp hạng chỉ số công nghệ và đổi mới của Việt Nam nằm trong top 3 khu vực ASEAN và top 70 trên thế giới.
Mục tiêu đến năm 2030: Phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số; phát triển 1,5 triệu nhân lực công nghệ số; doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đóng góp 20% tăng trưởng GDP; xếp hạng chỉ số công nghệ và đổi mới của Việt Nam nằm trong top 2 khu vực ASEAN và top 50 trên thế giới.
Do vậy, các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài có thể tham gia vào Chương trình Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Doanh nghiệp FDI có thể đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp nhà máy sản xuất sản phẩm, thiết bị số, phục vụ chuyển đổi số của Việt Nam và Thế giới,
Hơn nữa, Việt Nam mong muốn phát triển các công nghệ 4.0 như AI, IOT, Big Data,… xây dựng Việt Nam là điểm đến an toàn cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số; hỗ trợ thiết lập hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các doanh nghiệp có vốn FDI trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông (doanh nghiệp đầu, cuối chuỗi, thông tin về nhu cầu sản phẩm, linh kiện...).
Theo ông Nguyễn Hùng Cường, Giám đốc điều hành Công ty NashTech Việt Nam, đây là thời điểm rất phù hợp để các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Việt Nam có quy mô dân số 100 triệu dân, số dân trẻ rất lớn, khoảng 70% dưới 50 tuổi. Việt Nam cũng có lực lượng lao động làm trong lĩnh vực công nghệ rất tốt. Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã thử nghiệm mạng 5G.
Còn ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar Campuchia và Lào cho rằng, Việt Nam trong tương lai lâu dài sẽ là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư. Việt Nam đã thành lập được Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và đây là điều đáng khích lệ.
Ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, nhất là từ khi có dịch COVID-19 với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến. Trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số tại Việt Nam thì trong thời gian qua đã diễn ra sự chuyển đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực y tế, giáo dục, năng lượng và gần đây là lĩnh vực nông nghiệp thông minh. Đây là những dư địa lớn để các đối tác nước ngoài tham gia đầu tư.