Cơ hội thu hút vốn ngoại quy mô lớn khi thị trường được nâng hạng
Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thu hút được lượng lớn dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài khi nâng hạng thành công. Nâng hạng cũng sẽ tác động tích cực đến thanh khoản của thị trường, thanh khoản của cổ phiếu vốn hóa lớn khi các quỹ đầu tư nước ngoài giao dịch nhiều hơn.
Thu hút dòng vốn ngoại quy mô lớn
Theo thống kê, trong 10 năm qua (2014 - 2023), thị trường chứng khoán đã thực hiện huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế đạt 3,8 triệu tỷ đồng, bình quân mỗi năm đạt 380 nghìn tỷ đồng (15,4 tỷ USD), tăng gấp 4,35 lần so với giai đoạn trước. Trong khi đó, ước tính của Ngân hàng Thế giới, nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi, chứng khoán Việt Nam có thể thu hút 25 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp từ các nhà đầu tư quốc tế đổ vào cho tới năm 2030.
Nhận định về khả năng thu hút vốn sau khi thị trường được nâng hạng, ông Trương Hiền Phương – Giám đốc cao cấp Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, việc nâng hạng thể hiện mức độ hội nhập sâu rộng hơn của kinh tế, sự tiến bộ và uy tín được nâng cao của thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này giúp cải thiện năng lực thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư gián tiếp từ nước ngoài. Thị trường chứng khoán sẽ có thêm nhiều bước chuyển tích cực, mạnh mẽ, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước. Đây cũng sẽ là kênh thu hút vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.
“Bên cạnh đó, việc nâng hạng cũng giúp nhà đầu tư trong nước nâng cao kiến thức đầu tư khi ngày càng nhiều những nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư chuyên nghiệp đến với thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngoài ra, các sản phẩm của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ phát triển nhiều hơn, đa dạng hơn” - ông Phương nhận định.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Giám đốc Chi nhánh Hà Nội - Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt, nâng hạng thị trường chứng khoán là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ hướng tới. Sự ủng hộ quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước là điều rất cần thiết để thúc đẩy tiến độ và nhanh chóng giúp Việt Nam đạt được những điều kiện để nâng hạng thị trường.
Theo bà Hằng, thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng minh bạch và lành mạnh hơn khi nhiều sai phạm đều bị xử lý nghiêm. Tính minh bạch cũng được gắn liền với việc chủ động hội nhập với thế giới, quan tâm đến các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp đã chủ động trong việc công bố thông tin bằng tiếng Anh, trong đó, 100% các doanh nghiệp trong rổ VN30 đã công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Nói về cơ hội của thị trường chứng khoán Việt Nam khi được nâng hạng, bà Hằng cho rằng, cơ hội lớn nhất khi được nâng hạng đó chính là việc sẽ thu hút được dòng vốn ngoại với quy mô lớn. Với sự tham gia nhiều hơn của các tổ chức lớn có nguồn lực dồi dào, tầm nhìn dài hạn, chấp nhận đồng hành lâu dài với các doanh nghiệp sẽ giúp thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững hơn.
Dòng tiền đầu tư tìm đến các thị trường tăng trưởng tốt
Theo các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Họ theo dõi vị thế, vai trò của Việt Nam trong bức tranh kinh tế toàn cầu, cùng sự tăng trưởng và ổn định vĩ mô trong những năm gần đây. Do đó, giải quyết được bài toán nâng hạng thì dòng vốn nước ngoài sẽ quay trở lại mua ròng tại thị trường chứng Việt Nam. Đây sẽ là "cú huých" tích cực, mang đến lợi ích như huy động vốn rẻ và gia tăng quy mô tài sản, từ đó có thể tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp quyết định niêm yết.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục là địa chỉ tiềm năng và hấp dẫn thu hút dòng vốn gián tiếp bởi các yếu tố sau. Thứ nhất, môi trường lãi suất thấp tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng của các tài sản tài chính, đặc biệt là cổ phiếu. Với kỳ vọng FED sẽ sớm giảm lãi suất khi lạm phát của Mỹ phần nào đã được kiểm soát, dòng tiền đầu tư sẽ dần có sự dịch chuyển và tìm đến các thị trường có sự tăng trưởng tốt, đặc biệt là các thị trường cận biên như Việt Nam để có mực sinh lời cao hơn.
Cuối cùng, nền kinh tế của Việt Nam cũng được kỳ vọng phục hồi trong năm 2024 khi các hoạt động như sản xuất và xuất khẩu đã tạo đáy và từng bước cải thiện. Bên cạnh đó, các yếu tố lạm phát và tỷ giá cũng được Chính phủ kiểm soát ổn định.
“Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế, 70% quyết định phân bổ vốn đầu tư vào các thị trường chứng khoán của các nhà đầu tư quốc tế phụ thuộc vào việc xếp hạng và phân loại chỉ số của thị trường chứng khoán. Do đó việc được nâng hạng sẽ là cơ hội lớn để thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút được dòng vốn ngoại” - bà Hằng chia sẻ.
Hướng tới tăng tỷ trọng các nhà đầu tư tổ chức
Theo các chuyên gia, cần tăng tỷ trọng các nhà đầu tư tổ chức, đồng thời ưu tiên phát triển sản phẩm ETF để duy trì thanh khoản ổn định. Việc phát triển sản phẩm ETF tại Việt Nam có thể được xem là tất yếu và cần thiết để duy trì thanh khoản và giảm rủi ro biến động từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Ngoài ra, việc phát triển sản phẩm ETF cũng có thể cải thiện một phần yếu tố hỗ trợ nâng hạng thị trường lên nhóm mới nổi.