Cơ hội thu nhập tiền tỉ mỗi năm cho người lao động làm việc ở nước ngoài

Theo các chuyên gia, đây là cơ hội cho người lao động làm việc ở nước ngoài tại Úc, Hàn Quốc...khi những nơi này đang thiếu lao động có trình độ.

Chiều 5-12, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM và Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) TP.HCM tổ chức hội nghị “Đối thoại về công tác đối với Người Việt Nam ở nước ngoài có liên quan đến TP.HCM thuộc diện chuyên gia, tu nghiệp và xuất khẩu lao động”.

 Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: B.P

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: B.P

Người lao động ở nước ngoài phần lớn chưa qua đào tạo

Phát biểu tại hội nghị, bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH TP.HCM, cho biết hiện nay trên địa bàn TP.HCM có 70 doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động làm việc ở nước ngoài.

Trước năm 2020, bình quân mỗi năm các doanh nghiệp đã đưa từ 10.000 - 14.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Từ năm 2020 cho đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lượng lao động sang nước ngoài làm việc giảm mạnh.

 Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TBXH TP.HCM và bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM chủ trì hội nghị. Ảnh: P.Đ

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TBXH TP.HCM và bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM chủ trì hội nghị. Ảnh: P.Đ

Thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động ở nước ngoài khoảng từ 15 - 28 triệu đồng. Người lao động đi làm việc chủ yếu là lao động chưa qua đào tạo, phần lớn là lao động phổ thông, làm những công việc giản đơn. Số lao động có trình độ từ trung cấp trở lên chiếm tỷ lệ chưa cao.

Theo ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao, nhiệm vụ nâng cao chất lượng người lao động làm việc ở nước ngoài không chỉ phục vụ mục tiêu tăng thu nhập, đem lại nguồn lực mà còn tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lâu dài cho đất nước.

“Đây là một trong ba khâu đột phá quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển đất nước từ nay đến năm 2045”- ông Đông khẳng định.

Rộng mở cơ hội tại thị trường lao động nước ngoài

Nêu ý kiến tại hội nghị, bà Nguyễn Lê Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Đầu tư Văn hóa Giáo dục Úc Việt, cho biết năm 2023, có 36% số ngành nghề của Úc thiếu lao động có trình độ.

Do đó, Chính phủ Úc đã thực hiện nhiều chương trình, giải pháp thu hút lao động có tay nghề từ nước ngoài như tăng mức lương trần lên khoảng 70.000 AUD (khoảng 1,1 tỉ).

 Bà Nguyễn Lê Vân cho rằng có nhiều cơ hội rộng mở cho người lao động làm việc ở nước ngoài. Ảnh: B.P

Bà Nguyễn Lê Vân cho rằng có nhiều cơ hội rộng mở cho người lao động làm việc ở nước ngoài. Ảnh: B.P

Bà Vân cũng cho rằng, có nhiều cơ hội cho người lao động Việt đến Úc khi hiện tại nhiều lĩnh vực, ngành nghề tại đất nước này đang thiếu hụt dài hạn. Đặc biệt là những ngành nghề về an sinh xã hội, điều dưỡng, nông nghiệp...

Tuy nhiên, để mở rộng cơ hội đến thị trường Úc, bà Vân kiến nghị cần có chính sách hạn chế các chương trình đi Úc bất hợp pháp, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, đào tạo đội ngũ lao động có trình độ phù hợp với thực tiễn...

Bà Tạ Thị Thanh Thúy, Bí thư thứ nhất, Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc thông tin, Hàn Quốc hiện có 230.000 vị trí việc làm đang trống, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp.

 Các chuyên gia nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: B.P

Các chuyên gia nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: B.P

Ngoài ra, ngành vận tải biển và hàng hải của Hàn Quốc dự kiến cần khoảng 135.000 lao động vào năm 2027. Theo đó, trong vòng 5 năm tới, ngành này cần thêm 43.000 lao động gia nhập nhằm duy trì khả năng cạnh tranh.

Theo bà Thúy, Việt Nam với gần 74 triệu người trong lực lượng lao động, trong đó 40% có thể đi làm việc ở nước ngoài thì nhu cầu xuất khẩu lao động có thể kéo dài ít nhất tới năm 2040. Bà khẳng định, thị trường lao động Hàn Quốc rất rộng mở với người lao động Việt.

Mở rộng cơ hội cho người lao động Việt

Tháng 9-2023, quan hệ Việt Nam - Mỹ đã nâng lên thành Đối tác chiến lược toàn diện. Việc này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu lao động sang thị trường Mỹ.

Tôi biết nhiều doanh nghiệp Mỹ cũng đang muốn đưa lao động Việt Nam sang Mỹ, đặc biệt là về các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp... Do đó, tôi kỳ vọng các sở, ngành sẽ xây dựng chương trình xuất khẩu lao động bài bản cho thị trường Mỹ như đào tạo tiếng Anh, đào tạo nghề... để mở rộng cơ hội cho người lao động Việt.

GS NGUYỄN ĐÌNH PHÚ, Hội Doanh nhân người Việt tại Mỹ.

TP.HCM cần gắn chiến lược gửi chuyên gia tu nghiệp và lao động Việt Nam ra nước ngoài với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đồng thời, có chiến lược đầu ra ngay từ đầu đối với các nguồn lực này.

Để làm được điều này, cần có các công cụ điều tiết kết nối mạnh mẽ, trực tiếp hoặc thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao, đại sứ quán,... Qua đó, TP nắm được nguồn lực chuyên gia lao động gửi ra nước nào, mạnh ở đâu và họ có thể được sử dụng như thế nào...

Ngoài ra, cần để mỗi chuyên gia, mỗi người lao động khi đi tu nghiệp ở nước ngoài phải biết được TP, đất nước cần gì, sẽ đi theo hướng phát triển như thế nào và sau đó trở về sẽ biết được vai trò của bản thân là gì trong công cuộc phát triển của đất nước.

Bà LÊ VÕ PHƯƠNG NGA, Ngân hàng đầu tư quốc tế Credit Agricole (Pháp).

BẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/co-hoi-thu-nhap-tien-ti-moi-nam-cho-nguoi-lao-dong-lam-viec-o-nuoc-ngoai-post765172.html