Cơ hội tiếp cận nguồn lực để phát triển nền kinh tế thịnh vượng
Những quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng và khoáng sản không chỉ mở ra những không gian phát triển mới trong tương lai, mà việc theo đuổi chiến lược phát triển carbon thấp còn là cơ hội tiếp cận các nguồn lực để phát triển nền kinh tế thịnh vượng mới trong thế kỷ 21.
Bảo đảm an ninh năng lượng
Mùa hè 2023 thật đặc biệt khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 4 quy hoạch ngành quốc gia, gồm Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (thường gọi là Quy hoạch điện VIII); Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản; Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia.
4 quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng và khoáng sản có tầm quan trọng đặc biệt. Đây là một trong những công cụ để cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trên thực tế, thời gian qua, khi chưa có quy hoạch, một số dự án bị chậm so với kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng gặp nhiều thách thức. Công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng chưa chặt chẽ, hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng chưa cao, chưa tương xứng với nhu cầu phát triển của nền kinh tế.
Cả 4 quy hoạch có chung mục tiêu là “hướng tới bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Đảm bảo nguồn năng lượng dự trữ, cung cấp đầy đủ, an toàn, liên tục cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.”
Và có một mục tiêu chung, được nêu cả trong 4 quy hoạch được phê duyệt, đó là “hướng tới mục tiêu đạt trung hòa carbon, bảo vệ môi trường”. Điều này thể hiện một chiến lược nhất quán của Việt Nam trong xu thế chung của thế giới nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, một chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ đảm bảo sự phát triển bền vững và hợp lý cho ngành năng lượng.
Với chiến lược nhất quán trong các quy hoạch này, một quá trình chuyển dịch năng lượng gắn với phát triển hạ tầng năng lượng, sẽ thúc đẩy Việt Nam đạt được đồng bộ các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội và môi trường, đáp ứng được tầm nhìn dài hạn của đất nước.
Cơ hội tiếp cận nguồn lực
Qua đánh giá và các nghiên cứu đã được công bố, các nước theo đuổi chiến lược phát triển carbon thấp sẽ có cơ hội cao hơn trong việc tiếp cận các nguồn lực để phát triển nền kinh tế thịnh vượng mới trong thế kỷ 21. Do đó, các chính sách bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia của Việt Nam đã gắn kết chặt chẽ với chiến lược hạn chế tối đa phát thải carbon song song với xây dựng hạ tầng năng lượng sạch và tái tạo, từng bước thực hiện có hiệu quả mục tiêu trung hòa về carbon vào năm 2050 và sau đó.
Các quy hoạch này, đặc biệt là các quy hoạch năng lượng và quy hoạch điện, mặc dù kế thừa mục tiêu các quy hoạch trước, đã dự báo được các thay đổi công nghệ, từ đó đề ra một kịch bản điều hành tối ưu có tính đến một số yếu tố rủi ro trong tương lai.
4 quy hoạch ngành về năng lượng và khoáng sản không những bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mà còn góp phần thể chế hóa thị trường hiện đại theo hướng nâng cao hiệu quả phân bổ và huy động nguồn lực, từ đó, thúc đẩy việc hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết trong các ngành năng lượng và khoáng sản, đưa “Ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội” như Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Thường trực Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam
Đây thực sự là những tầm nhìn dài hạn, nền tảng cho sự thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Việc thông qua những quy hoạch này, ta có thể thấy rõ những không gian mới mở ra trong tương lai: Không gian biển, không gian công nghiệp phụ trợ nội địa hóa, không gian logistics dịch vụ, không gian chuyển đổi cơ cấu kinh tế cho vùng khó khăn nhưng giàu tiềm năng năng lượng tái tạo.