Cơ hội 'tỷ đô' cho ngành công nghiệp bán dẫn
Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang trên đà phát triển với nhiều tiềm năng và lợi thế, thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ. Tuy nhiên đây là lĩnh vực còn rất mới ở Việt Nam, phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đón nhận cơ hội và phát triển một cách hiệu quả.
Tương lai của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đang rộng mở với nhiều sự kiện chưa từng có đã và đang diễn ra sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ Ðối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững với ba trụ cột mới, gồm công nghệ, đổi mới sáng tạo và đầu tư. Nhiều biên bản ghi nhớ đã được ký kết giữa doanh nghiệp hai nước trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden đến Việt Nam và trong chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hoa Kỳ.
Những dự án “mở đường”
Cụ thể, Trung tâm Ðổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã ký kết biên bản ghi nhớ với ba đối tác lớn gồm Synopsys, Tập đoàn Cadence Design Systems và Ðại học bang Arizona. Trong đó, hợp tác của NIC với Synopsys và Ðại học bang Arizona thuộc lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, trong khi hợp tác với Tập đoàn Cadence Design Systems liên quan đến việc thúc đẩy năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm chip bán dẫn tại Việt Nam.
Synopsys không phải đối tác xa lạ với Việt Nam vì doanh nghiệp này đã chính thức tham gia vào thị trường vi mạch Việt Nam qua việc mua lại một phần của eSilicon Corporation năm 2020. Theo biên bản ký kết với NIC ngày 18/9/2023, Synopsys sẽ hỗ trợ NIC thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip.
Synopsys nổi tiếng với các giải pháp phần mềm thiết kế bán dẫn, IP và bảo mật phần mềm. Việc hợp tác thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế vi mạch tại Việt Nam có thể nhận được những lợi ích từ công nghệ thiết kế tầm cỡ thế giới của Synopsys bằng cách đào tạo các nhà thiết kế chip tương lai của NIC theo những xu hướng mới nhất và có thể giúp tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành bán dẫn Việt Nam.
Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Ðổi mới sáng tạo quốc gia (NIC )
Cùng ngày, Synopsys và Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng ký kết biên bản ghi nhớ về hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam. Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông hiện là đơn vị chủ trì tham mưu xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn 2035. Vì vậy, chương trình hợp tác của Synopsys với hai đối tác mới nằm trong kế hoạch mở rộng nghiên cứu đầu tư của doanh nghiệp này tại Việt Nam, đồng thời cũng nhằm hỗ trợ chiến lược của Chính phủ Việt Nam với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch và thúc đẩy cộng đồng khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Ðào tạo cũng ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Intel về việc phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghệ cao với nội dung hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống giáo dục bền vững bằng cách mở rộng khả năng sẵn sàng kỹ thuật số và tiếp cận các giải pháp lớp học thông minh cho cán bộ quản lý trường học, giáo viên và học sinh.
Về phía các doanh nghiệp tư nhân có thế mạnh trong lĩnh vực này, Công ty cổ phần Bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) đã ký kết và trao đổi biên bản thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty Silvaco để phát triển nguồn nhân lực bán dẫn và phát triển kinh doanh ở lĩnh vực này.
Theo đó, hai bên cam kết hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho các công ty bán dẫn tại Hoa Kỳ, đồng thời hợp tác để thành lập Trung tâm đào tạo bán dẫn Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực theo chương trình của Chính phủ. Về lâu dài, Silvaco trở thành nhà đầu tư chiến lược của FPT Semiconductor, còn FPT Semiconductor cũng là đại diện và nhà phân phối độc quyền phần mềm của Silvaco trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam.
Cấp bách phát triển nguồn nhân lực
Không chỉ có Hoa Kỳ, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Những dự án được khởi động từ 2-3 năm trước, đến nay đã cung cấp những lô hàng đầu tiên ra thị trường thế giới. Ðơn cử, ngày 11/10/2023, Tập đoàn Amkor (Hàn Quốc) đã khánh thành Nhà máy Amkor Technology Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C, tỉnh Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư đến năm 2035 đạt 1,6 tỷ USD.
Ðây là một trong những nhà máy tiên tiến nhất của Tập đoàn Amkor đi vào hoạt động, khởi đầu cho xu hướng thu hút đầu tư mới của tỉnh Bắc Ninh trong lĩnh vực công nghệ cao và tạo thuận lợi cho việc hình thành, phát triển hệ sinh thái bán dẫn ở Việt Nam.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam diễn ra mới đây, bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Ðông Nam Á (SEMI SEA) nhận định ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang trên đà phát triển với nhiều tiềm năng và lợi thế, thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hàn Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ. Thông tin tại hội nghị cho biết thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ tăng trưởng hai con số trong những năm tới và đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Trong dòng chảy đó, Việt Nam có nhiều dư địa để tham gia vào các hoạt động của chuỗi giá trị, thu hút đầu tư, phát triển hệ sinh thái bền vững.
Nắm bắt cơ hội mới, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Ðầu tư khẩn trương xây dựng Ðề án phát triển nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn đến năm 2030. Qua sơ bộ nghiên cứu, Bộ đề xuất ba trụ cột chính nhằm đào tạo nhân lực phục vụ cho công nghiệp bán dẫn. Trụ cột đầu tiên mang tính lâu dài là đào tạo đại học cho nguồn nhân lực chất lượng cao, gồm kỹ sư, tiến sĩ, thạc sĩ giỏi với sự hợp tác giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các trường đại học. Trụ cột thứ hai là đào tạo kỹ thuật viên và trụ cột thứ ba là thu hút nhân tài làm việc trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Thứ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Trần Quốc Phương
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Việt Nam đang đón đầu để cố gắng vươn lên, dẫn trước trong ngành công nghiệp đang chiếm ưu thế này. Công nghiệp chip bán dẫn là ngành hết sức mới ở Việt Nam, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng để đón nhận các cơ hội và phát triển một cách hiệu quả, trong đó đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề mang tính chất nền tảng.
Về nguyên tắc, việc nâng cấp quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ không tự động thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư nhưng chắc chắn sẽ tạo ra nhiều cơ hội và xung lực mới cho sự hợp tác phát triển giữa các doanh nghiệp của hai quốc gia. Ðể nắm bắt cơ hội, Việt Nam phải chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để có thể đáp ứng nhanh yêu cầu của đối tác. Hiện nay, thị trường chip toàn cầu đang thiếu hụt, do đó, nếu không nắm bắt cơ hội đón dòng đầu tư tại thời điểm này sẽ lỡ nhịp vì có thể tình hình sẽ chuyển biến rất nhanh.
Tiến sĩ Nguyễn Ðình Cung
Nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/co-hoi-ty-do-cho-nganh-cong-nghiep-ban-dan-post778898.html