Cơ hội và rào cản với phụ nữ dân tộc thiểu số khi tham gia làm kinh tế

Bên cạnh những rào cản khi tham gia làm kinh tế, phụ nữ dân tộc thiểu số cũng có nhiều cơ hội để tăng cường quyền năng kinh tế như lợi thế về văn hóa dân tộc, đức tính chăm chỉ, sáng tạo… và đặc biệt là nguồn lực đầu tư của Chính phủ Việt Nam cũng như sự hỗ trợ của các Tổ chức Quốc tế.

 Phụ nữ dân tộc thiểu số đang nỗ lực phát huy sản phẩm, đặc sản vùng miền

Phụ nữ dân tộc thiểu số đang nỗ lực phát huy sản phẩm, đặc sản vùng miền

Ông Đoàn Hữu Minh, Cán bộ Phòng Phát triển Bao trùm, Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) đã chia sẻ với Báo Phụ nữ Việt Nam về những nghiên cứu, nhận định của UNDP về cơ hội và rào cản với phụ nữ dân tộc thiểu số khi tham gia làm kinh tế.

Ông Đoàn Hữu Minh, Cán bộ UNDP trả lời phỏng vấn Báo Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Minh Công

Ông Đoàn Hữu Minh, Cán bộ UNDP trả lời phỏng vấn Báo Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Minh Công

3 rào cản và những "cái túi nghèo"

Có 3 rào cản chính liên quan đến việc phát triển kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số.

Thứ nhất, mức độ phát triển kinh tế ở các vùng dân tộc thiểu số bao giờ cũng thấp hơn so với các vùng khác. Cơ sở hạ tầng thiếu thốn, điện, đường, trường trạm vẫn còn yếu kém.

Dân tộc thiểu số chỉ chiếm có 14,6% dân số nhưng tỷ lệ nghèo của họ đang chiếm 61,3% so với tỉ lệ nghèo chung của cả nước. Các vùng dân tộc thiểu số hiện nay đang được coi là những "cái túi nghèo" của cả nước.

Đặc biệt, phụ nữ là đối tượng phải dành nhiều thời gian cho những công việc không được trả lương (chăm sóc con cái, việc nhà - PV) nên có nhiều hạn chế trong việc tham gia làm kinh tế.

Thứ hai, về văn hóa xã hội, các hủ tục như tảo hôn, sinh con nhiều, đinh kiến giới, các tệ nạn về nghiện hút… là rào cản rất lớn cho phụ nữ cũng như trẻ em gái ở miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong việc phát triển kinh tế - xã hội.

Phụ nữ dân tộc thiểu số đang nỗ lực vượt qua những rào cản để tham gia làm kinh tế

Phụ nữ dân tộc thiểu số đang nỗ lực vượt qua những rào cản để tham gia làm kinh tế

Tiếp đó là rào cản về ngôn ngữ. Chúng tôi đánh giá đây là rào cản rất lớn bởi ngôn ngữ chính là công cụ cũng như là phương tiện duy nhất để chúng ta có thể giao tiếp với nhau, có thể hòa nhập với sự phát triển kinh tế chung của toàn xã hội.

Trình độ văn hóa học vấn của phụ nữ dân tộc thiểu số cũng còn nhiều hạn chế, dẫn đến thu nhập của họ, việc làm của họ bị hạn chế.

Thứ ba, về điều kiện địa lý, ở các vùng miền xa xôi hẻo lánh, giao thông đi lại khó khăn khiến việc tham gia vào thị trường, vào bán hàng, vào sản xuất gặp rất nhiều khó khăn với phụ nữ dân tộc thiểu số.

Phụ nữ dân tộc thiểu số tận dụng cơ hội, tăng cường quyền năng kinh tế

Tuy nhiên, bên cạnh những rào cản vừa kể trên, theo phân tích của UNDP, phụ nữ dân tộc thiểu số cũng có rất nhiều cơ hội để tham gia vào các hoạt động kinh tế, tăng cường quyền năng kinh tế.

Thứ nhất, phụ nữ dân tộc thiểu số là những người rất chăm chỉ, bền bỉ, khéo tay và sáng tạo. Họ đã sản xuất ra những sản phẩm, những đặc sản được ưa chuộng trên thị trường và đây chính là những mặt hàng có thể thu hút du lịch và hứa hẹn nhiều tiềm năng trong tương lai.

Thứ hai, ở các vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt đối với phụ nữ, họ có nhiều lợi thế về văn hóa, đặc sản văn hóa của dân tộc, sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đây là những điểm nhấn có thể thu hút khách du lịch và chính phủ cũng có nhiều chính sách đầu tư về giáo dục, phát triển nguồn nhân lực và duy trì bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là cơ hội để phụ nữ dân tộc thiểu số có thể phát triển kinh tế.

Thứ ba, công nghệ thông tin cũng như chuyển đổi số hiện nay đang là công cụ rất lớn giúp phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển, cải thiện và đây là kênh để họ có thể tiếp cận được với những thông tin, thị trường để bán những sản phẩm đặc sản của họ.

Thứ tư,về nguồn lực đầu tư, liên quan đến cơ sở hạ tầng địa lý, chính phủ cũng đã có những chương trình, chính sách đầu tư để ưu đãi phát triển điện đường trường trạm, nâng cấp rất nhiều trong thời gian qua.

Chuyển đổi số đang là công cụ giúp phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin, thị trường để bán những sản phẩm đặc sản của họ. Ảnh minh họa

Chuyển đổi số đang là công cụ giúp phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin, thị trường để bán những sản phẩm đặc sản của họ. Ảnh minh họa

Ngoài ra, từ phía nhà nước cũng đã đầu tư nhiều cho các vùng dân tộc thiểu số trong đó có phụ nữ dân tộc thiểu số. Chúng ta có các đề án để hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp và đặc biệt là gần đây, chúng ta đang có chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, trong đó có những hợp phần giúp cho phụ nữ dân tộc thiểu số có thể tham gia vào các chuỗi thị trường, tham gia vào các mô hình sản xuất để có thể tăng quyền năng kinh tế.

Đặc biệt, liên quan đến phát triển kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số, không thể không kể đến những đóng góp của các đối tác phát triển như UNDP hay các tổ chức phi chính phủ… họ đã mang đến nhiều mô hình và giải pháp hay để giúp phụ nữ dân tộc thiểu số cải thiện được đời sống kinh tế.

Vũ Vũ (ghi)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/co-hoi-va-rao-can-voi-phu-nu-dan-toc-thieu-so-khi-tham-gia-lam-kinh-te-20240819125555847.htm