Cơ hội và rủi ro cùng tồn tại từ sự trỗi dậy của mã NFT (Phần 2)
Đối với các nhà kinh doanh, NFT cung cấp nhiều cơ hội mới. Tuy nhiên, các chuyên gia thị trường vẫn có thái độ thận trọng đối với triển vọng của lĩnh vực NFT.
* Cần thận trọng với giao dịch NFT
Đối với các nhà kinh doanh, NFT cung cấp cơ hội mới cho công ty. Tuy nhiên, các chuyên gia thị trường vẫn có thái độ thận trọng đối với triển vọng của lĩnh vực NFT.
Chuyên gia phân tích thuộc bộ phận nghiên cứu và quản lý danh mục đầu tư của FSMOne.com Kha Lạc Y nói rằng: “Chúng tôi thận trọng đánh giá những công ty niêm yết tiến quân vào lĩnh vực NFT, bởi vì các nhà kinh doanh có thể không đảm bảo tính bền vững về giá trị của một số bộ sưu tập, cộng thêm khả năng có thể có nhiều NFT được ra mắt trong tương lai, nguồn cung gia tăng sẽ khiến cho giá cả từng bước sụt giảm”.
Chuyên gia Kha Lạc Y cho rằng lĩnh vực NFT có không ít hoạt động đầu cơ làm giá, giá trị của NFT có thể bị thổi phồng. Sau khi hiện tượng đầu cơ làm giá nguội lạnh, giá trị của nhiều NFT có thể sẽ lao dốc.
Theo Chủ tịch Hiệp hội blockchain Singapore Chia Hock Lai, triển vọng của NFT và thị trường tiền điện tử có mối liên quan rất lớn, nghĩa là nó sẽ trải qua biến động tương tự như việc định giá tiền điện tử, thậm chí có thể nghiêm trọng hơn, nguyên nhân chủ yếu là thị trường này thiếu tính thanh khoản và quy trình hình thành giá (price discovery) không đầy đủ.
Phó Giáo sư tài chính Hồ Kiếm Phong của Viện kinh doanh Lee Kong Chian thuộc Đại học Quản lý Singapore nhấn mạnh, mặc dù có một số người đưa ra NFT để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng đến nay NFT chủ yếu vẫn được sử dụng để thể hiện cá tính và khoe khoang sự giàu có. Nếu không có kịch bản sử dụng cụ thể, bong bóng của NFT có thể sẽ sớm nổ tung.
NFT quả thực có thể cung cấp một số cơ hội làm giàu nhanh chóng, nhưng cũng có thể khiến người sở hữu bị lỗ. Giá trị của NFT được quyết định bởi quan điểm của nhà đầu tư, chứ không phải dòng tiền của tài sản. Giá trị cơ bản của NFT vẫn chưa chịu thử thách của thời gian.
Ngay cả khi NFT chịu sự giám sát, Phó Giáo sư Hồ Kiếm Phong vẫn không đánh giá tích cực lĩnh vực NFT khi cho rằng đây vẫn là một trò chơi đầu cơ. Tính khan hiếm của NFT có thể sẽ làm cho mọi người có niềm tin giá cả sẽ gia tăng, tuy nhiên nó có thể không liên quan gì đến các quy tắc cơ bản của NFT.
* Nguy cơ "mua ảo bán ảo"
Mặc dù lĩnh vực NFT tiếp tục mở rộng, nhưng môi trường sinh thái vẫn chưa hoàn thiện, thiếu sự quản lý giám sát, tồn tại nhiều rủi ro như lừa đảo và rửa tiền…
Chainalysis thông qua phân tích blockchain và theo dõi giao dịch NFT Ethereum, NFT WETH phát hiện có 262 khách hàng bán đi bán lại cùng một NFT ít nhất 25 lần, khả năng giao dịch thao túng giá (wash trade) để "mua ảo bán ảo" rất cao.
Thông qua biện pháp giao dịch thao túng giá này, một người nắm giữ NFT có thể bán đi bán lại NFT thông qua hai hoặc nhiều ví tiền của mình, mục đích là nhằm nâng cao giá trị tài sản và tính thanh khoản, tạo ra ảo giác giao dịch bùng nổ để lôi kéo các nhà đầu tư nhập cuộc.
Kimberly Grauer, trưởng bộ phận nghiên cứu của Chainalysis nhấn mạnh, đặc trưng của giao dịch thao túng giá là khách hàng mua NFT cũng chính là khách hàng bán NFT, hoặc khách hàng mua NFT từng chuyển tiền mã hóa hoặc tiền pháp định cho bên bán.
Đương nhiên, cũng có người không thể kiếm được tiền, thậm chí thua lỗ sau khi tiến hành giao dịch thao túng giá. Nguyên nhân do cần phải trả khoản phí cần thiết khi giao dịch trên nền tảng blockchain khi tiến hành mỗi giao dịch, chính là phí xử lý trả cho "thợ đào".
Đối với việc nhà đầu tư cần phòng ngừa những hành vi bất hợp pháp này như thế nào, Chủ tịch hiệp hội blockchain Singapore Chia Hock Lai cho rằng, họ có thể kiểm tra các giao dịch được ghi lại trên blockchain, nhưng quá trình này rất tốn thời gian và phức tạp, hầu hết mọi người sẽ không làm như vậy do không có kinh nghiệm về phương diện này.
Ông Chia Hock Lai nhấn mạnh, một số công ty khởi nghiệp đang thông qua tổng hợp và xử lý dữ liệu để giải quyết những vấn đề này, nhằm phân biệt giao dịch thao túng giá và các hoạt động có ý đồ xấu khác dễ dàng hơn. Chẳng hạn, công cụ tìm kiếm NFT Ludo chủ yếu tổng hợp dữ liệu các blockchain và nền tảng NFT khác nhau, giống như Google của NFT. Thông qua công cụ tìm kiếm Ludo, các nghệ sĩ, nhà sưu tập và người chơi có thể theo dõi các vật phẩm mà họ giao dịch trong các trò chơi và bộ sưu tập ảo trên tất cả các nền tảng blockchain.
* NFT không chịu sự quản lý giám sát của Đạo luật dịch vụ thanh toán
NFT thường không được sử dụng cho chức năng thanh toán, do đó không chịu sự quản lý giám sát của Đạo luật dịch vụ thanh toán Singapore. Theo người phát ngôn của Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS), biện pháp quản lý giám sát mà các cơ quan chức năng áp dụng đối với sản phẩm NFT được quyết định bởi cấu trúc và đặc trưng của NFT.
Những NFT được nhìn thấy hiện nay chủ yếu chuyển hóa từ văn bản, ảnh, video, tác phẩm nghệ thuật và bộ sưu tập ảo… Tuy nhiên tài sản thực cũng có thể chuyển hóa thành NFT. Những NFT này thường không sử dụng để thanh toán hàng hóa và dịch vụ, hoặc thanh toán các khoản nợ, do đó không chịu sự quản lý giám sát của Đạo luật dịch vụ thanh toán.
Tuy nhiên, nếu NFT có đặc trưng của các sản phẩm thị trường vốn như chứng khoán, đơn vị đầu tư tập thể, hợp đồng phái sinh và hợp đồng ngoại hối giao ngay…, thì có thể sẽ chịu sự quản lý giám sát của Đạo luật chứng khoán và hợp đồng tương lai.
Đối với thuế thu nhập giao dịch NFT, người phát ngôn Cục thuế nội địa Singapore (IRAS) cho biết, điều này sẽ được quyết định bởi tính chất và mục đích sử dụng của NFT. Nhìn chung, thu nhập từ giao dịch NFT đều phải đóng thuế. Tuy nhiên, Singapore không thu thuế lợi tức vốn, do đó lợi nhuận vốn từ việc mua và bán NFT không phải chịu thuế.
Người phát ngôn của IRAS thông tin thêm, Bộ Tài chính và Cục thuế định kỳ xem xét chính sách thuế để đảm bảo chính sách phù hợp và duy trì sự bền vững. Cục thuế sẽ tiếp tục quan tâm sự phát triển của lĩnh vực NFT và cung cấp thêm hướng dẫn khi cần thiết./.