Cơ hội và thách thức của Ấn Độ khi cầm lái G20

Từ ngày 1-12-2022 đến 30-11-2023, Ấn Độ sẽ đảm nhận chức Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Giới quan sát nhận định, nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của quốc gia Nam Á dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức khi thế giới đang đối mặt với hàng loạt cuộc khủng hoảng. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Từ ngày 1-12-2022 đến 30-11-2023, Ấn Độ sẽ đảm nhận chức Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Giới quan sát nhận định, nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của quốc gia Nam Á dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức khi thế giới đang đối mặt với hàng loạt cuộc khủng hoảng.

 Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại lễ bàn giao chức Chủ tịch G20 ở đảo Bali hôm 16-11-2022. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại lễ bàn giao chức Chủ tịch G20 ở đảo Bali hôm 16-11-2022. Ảnh: Reuters

Đây là lần đầu tiên Ấn Độ giữ chức Chủ tịch G20. Theo The Indian Express, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhận định, việc Ấn Độ đảm nhận cương vị Chủ tịch G20 là niềm tự hào của mỗi người dân nước này.

Lựa chọn chủ đề “Một trái đất, một gia đình, một tương lai” cho Năm Chủ tịch G20, Ấn Độ mong muốn nhóm này phải truyền đi thông điệp mạnh mẽ ủng hộ hòa bình và hòa hợp. Quốc gia Nam Á cũng sẽ nỗ lực vì mục tiêu tăng trưởng công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người trên thế giới.

Thủ tướng Modi tuyên bố: “Tôi muốn bảo đảm rằng nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ sẽ mang tính bao trùm, tham vọng, quyết đoán và hướng vào các hành động cụ thể. Cùng với nỗ lực của mọi quốc gia, chúng ta có thể biến Hội nghị thượng đỉnh G20 thành chất xúc tác cho tăng trưởng toàn cầu”. Theo kế hoạch, Ấn Độ sẽ tổ chức hơn 200 cuộc họp của G20 ở các thành phố khác nhau.

Được thành lập vào năm 1999 sau cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á năm 1997-1998, G20 bao gồm 20 nền kinh tế thành viên: Argentina, Australia, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Hiện nay, G20 chiếm hơn 80% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 75% kim ngạch thương mại và 60% dân số toàn cầu. Do đó, mọi động thái của G20 đều có tác động đáng kể đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

The Indian Express nhận định, Ấn Độ đảm nhận chức Chủ tịch G20 giữa lúc nền kinh tế Nam Á ghi nhận tăng trưởng cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đang chờ đợi New Delhi. Nhà lãnh đạo Modi thẳng thắn thừa nhận, Ấn Độ nhận trọng trách chèo lái G20 vào thời điểm khó khăn khi thế giới đang vật lộn với căng thẳng địa chính trị, suy thoái kinh tế, giá lương thực và năng lượng tăng cao cũng như những tác động tiêu cực kéo dài của đại dịch COVID-19.

Nhiệm kỳ Chủ tịch G20 vừa qua của Indonesia đã chứng kiến sự chia rẽ giữa các nền kinh tế thành viên xung quanh cuộc xung đột ở Ukraine. Các rạn nứt đã được thể hiện rõ ràng trong Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 17 ở đảo Bali. Theo The Diplomat, bước vào Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 18 vào năm 2023, Ấn Độ sẽ phải ưu tiên giải quyết vấn đề này. Chỉ có như thế, các vấn đề quan trọng như an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, chống khủng bố và chuỗi cung ứng... mới không bị lu mờ bởi sự khác biệt tồn tại trong nội bộ G20.

Trên thực tế, kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, Ấn Độ đã khéo léo cân bằng quan hệ của mình với cả Nga và phương Tây. Mặc dù chịu áp lực trực tiếp và gián tiếp phải đứng về phía phương Tây, song Ấn Độ vẫn giữ vững lập trường và tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Moscow. Trong khi hợp tác quốc phòng vẫn là nền tảng của quan hệ Ấn Độ - Nga, cung cấp năng lượng đã nổi lên như một lĩnh vực hợp tác chính giữa hai nước. Tháng 10 năm nay, Nga đã vượt qua Iraq và Saudi Arabia để trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Ấn Độ.

Thêm vào đó, chính sách ngoại giao chủ động của Ấn Độ với cả Nga và Ukraine đã tạo ra khả năng cho quốc gia Nam Á đóng một vai trò quan trọng, thậm chí là trung gian hòa giải xung đột giữa hai bên. Việc nhận được sự tin tưởng của cả Moscow và Kiev có thể tạo điều kiện thuận lợi giúp New Delhi tìm kiếm các giải pháp chấm dứt xung đột.

Theo CNN, ông Harsh V.Pant, Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học King’s College London, nhận định Ấn Độ là một trong số ít nước có thể quan hệ với tất cả các bên. Điều này giúp Ấn Độ kết nối những bên đối đầu nhau. “Đó là một trong những lý do khiến ảnh hưởng của New Delhi ngày càng tăng trong G20”, ông V.Pant lưu ý.

Việc đảm nhận chức Chủ tịch G20 chính là cơ hội để Ấn Độ tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín không chỉ trong G20 mà còn trên trường quốc tế. Đây cũng là dịp để quốc gia này quảng bá văn hóa và những thành tựu công nghệ của mình. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, giới quan sát và cộng đồng quốc tế hiện đang trông đợi xem cách Ấn Độ đoàn kết G20 để tập trung vào những thách thức toàn cầu trong thời gian tới./.

Theo QĐND

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5089/202211/co-hoi-va-thach-thuc-cua-an-do-khi-cam-lai-g20-2554365/