Lebanon: Máy bộ đàm của Hezbollah lại phát nổ hàng loạt
Ngày 18/9, máy bộ đàm của Hezbollah lại phát nổ tại nhiều khu vực ở miền Nam Lebanon, ngoại ô Beirut và Thung lũng Bekaa, chỉ một ngày sau khi hàng loạt máy nhắn tin của nhóm này phát nổ trên khắp Lebanon.
Bộ Y tế Lebanon cho biết, đã có 14 người thiệt mạng và 450 người bị thương trong các vụ nổ ngày 18/9. Trước đó, số người chết từ vụ nổ ngày 17/9 tăng lên 12, trong đó có 2 trẻ em, với gần 3.000 người bị thương.
Một trong những vụ nổ ngày 18/9 xảy ra gần lễ tang của những nạn nhân đã thiệt mạng từ hôm trước. Các máy nhắn tin được sử dụng bởi Hezbollah, do Iran hậu thuẫn, đã phát nổ, khiến nhiều chiến binh bị thương. Một phóng viên của Reuters tại Beirut chứng kiến các thành viên Hezbollah gấp rút tháo pin ra khỏi những máy bộ đàm chưa phát nổ và vứt bỏ chúng.
Hội Chữ thập đỏ Lebanon đã điều động 30 đội xe cứu thương đến hiện trường tại nhiều khu vực khác nhau, bao gồm miền Nam Lebanon và Thung lũng Bekaa.
Leo thang căng thẳng quân sự
Hezbollah tuyên bố đã tấn công các vị trí pháo binh của Israel bằng tên lửa, đánh dấu đợt tấn công đầu tiên kể từ khi các vụ nổ xảy ra. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng nổ ra một cuộc chiến quy mô lớn tại Trung Đông.
Quân đội Israel xác nhận còi báo động vang lên nhiều lần ở miền Bắc nước này, nhưng không có báo cáo thiệt hại hay thương vong. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết, chiến sự đang tập trung về phía Bắc, khu vực giáp Lebanon và đã điều thêm lực lượng quân đội cùng nguồn lực đến đây.
Hình ảnh các máy bộ đàm bị nổ cho thấy những thiết bị này mang nhãn ICOM và được sản xuất tại Nhật Bản. Công ty ICOM, một nhà sản xuất thiết bị liên lạc, xác nhận đã ngừng sản xuất một số mẫu máy bộ đàm từ năm 2014, nhưng không đưa ra bình luận cụ thể.
Nguồn gốc của vụ nổ
Một nguồn tin an ninh cho biết, Hezbollah đã mua các máy bộ đàm này cách đây 5 tháng, cùng thời điểm họ mua máy nhắn tin. Theo các nguồn tin từ Lebanon, cơ quan tình báo Israel Mossad đã gài thuốc nổ bên trong các thiết bị này nhiều tháng trước. Hiện tại, quân đội Israel chưa có phản hồi nào về cáo buộc này.
Vụ tấn công hôm ngày 17/9 đã làm bị thương nhiều chiến binh Hezbollah và đặc phái viên của Iran tại Beirut. Các nhân viên y tế mô tả cảnh tượng hỗn loạn với nhiều nạn nhân bị thương nặng được đưa vào bệnh viện.
Phản ứng quốc tế
Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk đã kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về vụ việc này. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến sẽ họp vào ngày 20/9 để thảo luận về tình hình, theo yêu cầu từ Algeria, đại diện cho các quốc gia Ả Rập.
Trong khi đó, công ty Gold Apollo của Đài Loan (Trùn Quốc), nhà sản xuất máy nhắn tin mà Hezbollah sử dụng, phủ nhận việc sản xuất các thiết bị gây nổ. Họ cho biết thiết bị được sản xuất theo giấy phép bởi một công ty có tên BAC, có trụ sở tại Hungary. Chính phủ Hungary cũng bác bỏ bất kỳ sự liên quan nào, cho rằng BAC chỉ là một công ty trung gian thương mại và không hoạt động sản xuất tại nước này.
Khả năng bùng nổ chiến tranh
Hezbollah tuyên bố sẽ có hành động đáp trả Israel và tiếp tục hỗ trợ Hamas tại Gaza. Các nguồn tin cho biết, âm mưu gài thuốc nổ đã được lên kế hoạch nhiều tháng, sau một loạt vụ ám sát các chỉ huy của Hezbollah và Hamas được cho là do Israel thực hiện.
Một cuộc chiến tranh toàn diện với Israel có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho Lebanon, quốc gia đang phải đối mặt với nhiều khủng hoảng, bao gồm khủng hoảng tài chính năm 2019 và vụ nổ cảng Beirut năm 2020.
Bộ trưởng Ngoại giao Jordan Ayman Safadi cáo buộc Israel đẩy Trung Đông đến bờ vực của một cuộc chiến tranh khu vực với các hành động leo thang căng thẳng trên nhiều mặt trận.