Cơ hội và thách thức của đồng tiền kỹ thuật số do nhà nước phát hành
Những đồng tiền điện tử của chính phủ là một dạng tiền tệ mới, hứa hẹn làm cho lĩnh vực tài chính hoạt động tốt hơn, nhưng cũng sẽ làm thay đổi địa chính trị và thay đổi cách phân bổ nguồn vốn.
Những biến đổi về công nghệ đang gây ra nhiều lo lắng cho lĩnh vực tài chính. Bitcoin đã chuyển từ nỗi ám ảnh của "chủ nghĩa vô chính phủ" thành một loại tài sản trị giá 1.000 tỷ USD mà các nhà quản lý quỹ có thể xếp vào bất kỳ danh mục đầu tư cân bằng nào.
Rất nhiều nhà giao dịch kỹ thuật số đã trở thành một thế lực ở Phố Wall. PayPal có 392 triệu người dùng, một dấu hiệu cho thấy Mỹ đang bắt kịp những "gã khổng lồ" về thanh toán kỹ thuật số của Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo The Economist (Anh), tình trạng chia rẽ ít được chú ý nhất ở biên giới giữa công nghệ và tài chính có thể biến thành yếu tố mang tính cách mạng nhất: Việc tạo ra các loại tiền kỹ thuật số của chính phủ, cho phép người dân gửi tiền trực tiếp vào ngân hàng trung ương và bỏ qua các ngân hàng truyền thống.
Những đồng tiền điện tử của chính phủ (govcoin) này là một dạng tiền tệ mới, hứa hẹn sẽ làm cho lĩnh vực tài chính hoạt động tốt hơn, nhưng cũng sẽ chuyển quyền lực từ cá nhân sang cho nhà nước, làm thay đổi địa chính trị và thay đổi cách phân bổ nguồn vốn.
Cách đây khoảng một thập kỷ, trong bối cảnh ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ, ông Paul Volcker, cựu lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã than phiền rằng phát kiến hữu ích cuối cùng của lĩnh vực ngân hàng là máy ATM. Kể từ cuộc khủng hoảng đó, ngành công nghiệp này đã nâng tầm cuộc chơi của mình.
Các ngân hàng đã hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, còn giới doanh nhân xây dựng một thế giới thử nghiệm của "tài chính phi tập trung". Trong thế giới đó, Bitcoin là phần nổi tiếng nhất bên cạnh một mớ hỗn độn các loạt các loại tiền token, cơ sở dữ liệu và đường dẫn tương tác ở các mức độ khác nhau so với tài chính truyền thống.
Cùng với đó, các công ty nền tảng tài chính trực tuyến hiện có hơn 3 tỷ khách hàng sử dụng những loại ví điện tử và ứng dụng thanh toán của họ. Cùng với PayPal, Ant Group, Grab và Mercado Pago, các công ty có uy tín như Visa và những công ty ở Thung lũng Silicon như Facebook cũng tham gia vào cuộc chơi này.
Tiền tệ kỹ thuật số của Chính phủ hay ngân hàng trung ương là bước đi tiếp theo, nhưng mang đến sự thay đổi bước ngoặt vì những động tiền kỹ thuật số này sẽ tập trung quyền lực vào tay nhà nước, thay vì lan tỏa quyền lực đó qua các mạng lưới hoặc trao quyền lực đó cho các công ty độc quyền tư nhân.
Ý tưởng đằng sau các đồng tiền điện tử của chính phủ rất đơn giản. Thay vì mở tài khoản ở một ngân hàng bán lẻ, người dùng sẽ trực tiếp mở với ngân hàng trung ương thông qua giao diện giống với các ứng dụng Alipay hay Venmo.
Thay vì viết séc hoặc thanh toán trực tuyến bằng thẻ, người dùng có thể sử dụng hệ thống của ngân hàng trung ương. Và tiền của họ sẽ được bảo đảm với sự cam kết từ ngân hàng trung ương - vốn không phải là một bên dễ lung lay.
Việc biến đổi các ngân hàng trung ương từ "giới quý tộc" của lĩnh vực tài chính thành "những người lao động" nghe có vẻ xa vời, nhưng điều đó đang diễn ra. Hơn 50 cơ quan quản lý tiền tệ đang nghiên cứu các loại tiền kỹ thuật số. Bahamas đã phát hành tiền kỹ thuật số.
Trung Quốc đã triển khai thí điểm đồng nhân dân tệ điện tử của mình cho hơn 500.000 người. EU muốn có một đồng euro kỹ thuật số vào năm 2025. Vương quốc Anh đã thành lập một lực lượng đặc biệt cho vấn đề này. Và Mỹ, nước dẫn đầu lĩnh vực tài chính của thế giới, đang xây dựng một đồng USD điện tử giả định.
Một động lực thúc đẩy các chính phủ và ngân hàng trung ương là nỗi lo bị mất quyền kiểm soát. Ngày nay, các ngân hàng trung ương sử dụng hệ thống ngân hàng để thực hiện chính sách tiền tệ.
Nếu các khoản thanh toán, tiền gửi và cho vay chuyển từ các ngân hàng sang thế giới số do tư nhân điều hành, các ngân hàng trung ương sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý chu kỳ kinh tế và bơm tiền ra trong thời kỳ khủng hoảng. Các mạng lưới tư nhân không bị giám sát có thể trở thành miền đất cho những hành vi gian lận và lạm dụng quyền riêng tư.
Bên cạnh đó, một động lực khác là triển vọng về một hệ thống tài chính tốt hơn. Trong môi trường lý tưởng, các đồng tiền cung cấp phương tiện lưu trữ giá trị tin cậy, một đơn vị kế toán ổn định và một phương tiện thanh toán hiệu quả.
Song tình hình hiện tại có nhiều vấn đề khác nhau. Những người gửi tiền không có bảo hiểm có thể bị thiệt hại nếu ngân hàng sụp đổ, Bitcoin không được chấp nhận rộng rãi và thẻ tín dụng lại khá đắt đỏ để duy trì.
Trong môi trường đó, các loại tiền điện tử của chính phủ sẽ ghi điểm cao vì được nhà nước bảo đảm và sử dụng một trung tâm thanh toán tập trung, có chi phí thấp.
Do đó, các govcoin có thể cắt giảm chi phí hoạt động của ngành tài chính toàn cầu, vốn lên tới hơn 350 USD/năm cho mỗi người trên Trái đất. Điều đó có thể làm cho 1,7 tỷ người chưa có tài khoản ngân hàng có thể tiếp cận được hệ thống tài chính.
Các đồng tiền kỹ thuật số của chính phủ cũng có thể mở rộng bộ công cụ của chính phủ bằng cách cho phép họ thực hiện các thanh toán tức thì cho người dân và cắt giảm lãi suất xuống dưới 0. Đối với người dùng thông thường, sự hấp dẫn của một phương tiện thanh toán phổ thông, miễn phí, an toàn và tức thì là điều hiển nhiên.
Tuy nhiên, chính sự hấp dẫn này lại tạo ra những mối nguy hiểm. Không bị giới hạn, govcoin có thể nhanh chóng trở thành một lực lượng thống trị lĩnh vực tài chính, đặc biệt nếu hiệu ứng mạng khiến mọi người khó từ chối.
Govcoin có thể gây bất ổn cho các ngân hàng, bởi vì nếu hầu hết người dân và các công ty cất giữ tiền mặt của mình tại các ngân hàng trung ương, các ngân hàng sẽ phải tìm các nguồn tài chính khác để thực hiện các khoản cho vay của mình.
Nếu các ngân hàng bán lẻ bị cạn kiệt nguồn vốn, cần phải thực hiện việc cho vay để thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Điều này khiến viễn cảnh khó chịu của việc các quan chức nhà nước tác động đến hoạt động phân bổ tín dụng ngày một tăng.
Trong một cuộc khủng hoảng, việc những người tiết kiệm chuyển tiền kỹ thuật số sang ngân hàng trung ương có thể gây ra tình trạng sụp đổ nhanh chóng của các ngân hàng.
Khi đã có ưu thế, các govcoin có thể trở thành công cụ để nhà nước kiểm soát các công dân. Các govcoin cũng có thể làm thay đổi tình hình địa chính trị bằng cách cung cấp đường đi cho các khoản thanh toán xuyên biên giới và các lựa chọn thay thế cho đồng USD, đồng tiền dự trữ của thế giới và là trụ cột cho ảnh hưởng của Mỹ.
Uy quyền của đồng bạc xanh một phần dựa vào các thị trường vốn mở và quyền sở hữu của Mỹ, những điều Trung Quốc khó có thể cạnh tranh được. Nhưng đồng USD cũng dựa vào các hệ thống thanh toán cũ kĩ, các quy tắc lập hóa đơn và tính trì trệ không chịu thay đổi khiến chúng dễ bị phá vỡ.
Trong khi đó, các quốc gia nhỏ lo ngại rằng thay vì sử dụng tiền địa phương, người dân có thể chuyển sang sử dụng tiền điện tử nước ngoài, gây ra sự hỗn loạn trong nước.
Một loạt cơ hội và mối nguy hiểm như vậy đang làm nản lòng nhiều Chính phủ. Có thông tin rằng các nhà quản lý Trung Quốc, những người coi trọng quyền kiểm soát hơn tất cả, đang hạn chế quy mô của đồng nhân dân tệ điện tử và kìm chế các nền tảng tư nhân như Ant. Các xã hội mở nhiều khả năng cũng sẽ tiến hành triển khai đồng govcoin một cách thận trọng bằng cách giới hạn các tài khoản tiền kỹ thuật số.
Các chính phủ và các công ty tài chính cần chuẩn bị cho một sự thay đổi lâu dài về cách thức hoạt động của tiền tệ, vốn cũng quan trọng như bước nhảy vọt sang tiền kim loại hay thẻ thanh toán. Điều đó đồng nghĩa là tăng cường các luật về quyền riêng tư, cải cách việc điều hành của các ngân hàng trung ương và chuẩn bị cho các ngân hàng bán lẻ đảm nhận một vai trò mang tính ngoại vi hơn.
Tiền tệ kỹ thuật số của nhà nước là thử nghiệm tuyệt vời tiếp theo trong lĩnh vực tài chính và hứa hẹn mang lại nhiều hiệu quả hơn so với chiếc máy ATM./.