Cơ hội và thách thức đối với dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.262 cơ sở lưu trú, trong đó có 12 cơ sở là các khách sạn được xếp hạng 4 sao, 5 sao, như khách sạn Quốc tế Aristo, Đức Huy Grand, Sapaly (thành phố Lào Cai), Hotel De La Coupole Sa Pa, Silk Path Grand Resort & Spa, Victoria Sapa, Sapa Highland Resort & Spa... và hệ thống khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp Topas Ecologe, Laxsik Ecologe (thị xã Sa Pa).

Sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xu hướng trải nghiệm của khách du lịch ngày càng thay đổi, đó là ưu tiên những địa điểm hạn chế tiếp xúc, tập trung đông và thường chọn các điểm du lịch mang tính riêng tư, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng biệt lập. Nhu cầu của khách du lịch đối với việc trải nghiệm các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp tăng cao. Theo thống kê của Sở Du lịch Lào Cai, vào các dịp lễ, sự kiện du lịch, công suất phòng nghỉ của phân khúc cơ sở lưu trú nghỉ dưỡng cao cấp như Silk Path Grand Resort & Spa, Topas Ecologe, Laxsik Ecologe... luôn đạt từ 80% - 85%.

Topas Ecolodge có 49 bungalow và villa cao cấp nằm trên 2 quả đồi riêng biệt. Nơi đây, du khách có những trải nghiệm độc đáo, được hòa mình vào thiên nhiên. Các bungalow được thiết kế theo phong cách tối giản, nhưng vô cùng tinh tế và sang trọng, tôn trọng không gian riêng tư của du khách. Thời gian qua, lượng khách quốc tế đến Topas Ecolodge đã tăng so với thời điểm mới mở cửa sau đại dịch Covid-19, tuy nhiên chưa phục hồi mạnh. Hiện khu nghỉ dưỡng đang vận hành quả đồi thứ nhất, gồm 8 căn deluxe Suite và 9 villa có bể bơi riêng. Toàn bộ các phòng nằm trên quả đồi thứ 2 đang đóng cửa để bảo dưỡng, dự kiến sẽ mở lại toàn bộ các hạng phòng vào dịp tết Nguyên đán 2023.

Sapaly - khách sạn 4 sao tại thành phố Lào Cai cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Khách chủ yếu của Sapaly là du khách nghỉ chân để tiếp tục hành trình du lịch qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai. Thời điểm này, công suất đặt phòng chỉ đạt khoảng 22%, cao điểm vào dịp lễ đạt 70%.

Ngoài ra, ông Nguyễn Duy Thanh cũng cho biết thêm: Đối với khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp đòi hỏi nhân lực chất lượng cao. Hiện tại, chúng tôi đang xây dựng thêm khách sạn 5 sao tại thị xã Sa Pa, dự kiến sẽ khánh thành và hoạt động vào năm 2023, đòi hỏi cần có hơn 260 nhân lực cho các vị trí. Đến nay, việc tìm kiếm, thu hút nhân lực làm việc cũng là một thách thức.

Nhu cầu du lịch ngày càng tăng cao, thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp là làm sao để hình thành các sản phẩm khác biệt, qua đó tạo sức hấp dẫn của điểm đến, kéo dài thời gian lưu trú cũng như chi tiêu của khách du lịch.

Lưu trú nghỉ dưỡng cao cấp là một trong các nhóm sản phẩm chính, không thể tách rời trong các định hướng chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch chung của tỉnh.

Thời gian tới, Lào Cai sẽ tiếp tục duy trì, bảo dưỡng các sản phẩm lưu trú hiện có; phát triển hệ thống sản phẩm lưu trú nghỉ dưỡng cao cấp song song với các sản phẩm trải nghiệm thiên nhiên hoang sơ vùng núi cao; xây dựng Khu du lịch quốc gia Sa Pa, khu vui chơi giải trí sinh thái cao cấp có quy mô, chất lượng tầm cỡ khu vực và quốc tế; có chính sách khuyến khích thu hút đầu tư từ doanh nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng của ngành du lịch.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/361758-co-hoi-va-thach-thuc-doi-voi-dich-vu-nghi-duong-cao-cap