Cơ hội và thách thức trong chuyển dịch năng lượng sạch và bền vững

Sáng ngày 20-4, Diễn đàn phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, TP Hà Nội.

Diễn đàn do Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức, nhằm kiến nghị các giải pháp liên quan tới chính sách phát triển năng lượng bền vững và hướng đi trong ngành năng lượng tái tạo trong thời điểm Việt Nam có cơ hội tiếp cận nguồn FDI dồi dào. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Diễn đàn được tổ chức ngày 20-4 tại Hà Nội (Ảnh: Hoàng Linh)

Diễn đàn được tổ chức ngày 20-4 tại Hà Nội (Ảnh: Hoàng Linh)

Tham dự có ông Nguyễn Đức Hiển – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; ông Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ; bà Ngụy Thị Khanh – GĐ Điều hành Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (QreenID); ông Lê Việt Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường – Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Đại diện Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại Việt Nam… cùng các chuyên gia kinh tế và đại diện các doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Diễn đàn là nơi để các đại diện Bộ, ban, ngành, chuyên gia và nhà đầu tư chia sẻ các nội dung liên quan đến chính sách phát triển nguồn năng lượng hóa thạch cũng như nguồn năng lượng tái tạo, chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển bền vững. Xu hướng công nghệ trong lĩnh vực năng lượng trên thế giới và khả năng ứng dụng tại Việt Nam. Từ đó có những giải pháp xử lý các vấn đề sẽ gặp phải khi Việt Nam đón nhận ngày càng nhiều các nguồn đầu tư nước ngoài.

Biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, gây ra những tác động tiêu cực trên toàn cầu và Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề. Từ đó, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

 Bà Ngụy Thị Khanh - GĐ Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (Ảnh: BTC)

Bà Ngụy Thị Khanh - GĐ Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (Ảnh: BTC)

Đối với dự án Điện mặt trời kết hợp với Nông nghiệp sạch, bà Ngụy Thị Khanh – GĐ Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh cho biết: “Cần có chính sách riêng để vẫn canh tác nông nghiệp được và phải là nông nghiệp sạch. Thời gian tới, khi ban hành chính sách mới cần có giải pháp kết hợp giữa phát triển năng lượng tái tạo với sản xuất nông nghiệp. Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, thống kê số lượng trang trại nông nghiệp hiện nay rất lớn, nếu diện tích ấy được khai thác có thể đóng góp một sản lượng điện sạch rất lớn và rải rác khắp cả nước. Điều đó có thể giải tỏa áp lực cho truyền tải điện quốc gia”.

Thông qua diễn đàn, các chủ doanh nghiệp cũng bày tỏ nguyện vọng của mình. Ông Đào Du Dương – GĐ Công ty CP Bảo Long Energy chia sẻ: “Bộ Công thương cần có chính sách dài hơi và có hỗ trợ về lãi suất để doanh nghiệp có đủ thời gian phát triển một cách bền vững. Như trong quá trình tổ chức thi công, nếu phát triển quá nóng dẫn đến làm nhanh, ẩu thì hậu quả rất khó lường”.

Ông Đào Du Dương – GĐ Công ty CP Bảo Long Energy nêu ý kiến: Cần có chính sách dài hơi và có hỗ trợ về lãi suất để doanh nghiệp có đủ thời gian phát triển một cách bền vững (Ảnh: Hoàng Linh)

Ông Đào Du Dương – GĐ Công ty CP Bảo Long Energy nêu ý kiến: Cần có chính sách dài hơi và có hỗ trợ về lãi suất để doanh nghiệp có đủ thời gian phát triển một cách bền vững (Ảnh: Hoàng Linh)

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phòng Kinh tế Năng lượng – Viện Năng lượng – Bộ Công thương đề xuất, cần giám sát nghiêm ngặt đối với các cơ sở khai thác và sản xuất năng lượng có phát thải ô nhiễm môi trường. Từ đó có các chế tài nghiêm ngặt đối với các cơ sở năng lượng vi phạm quy định để phát thải ô nhiễm ra môi trường vượt mức cho phép. Đồng thời, nghiên cứu áp dụng các công cụ tài chính (thuế, phí, chứng chỉ…) nhằm điều chỉnh hành vi sản xuất và tiêu thụ năng lượng. Tạo nguồn thu cho hoạt động đầu tư vào các giải pháp năng lượng sạch.

Theo Bộ Công thương, giai đoạn 2021-2030, mức tiết kiệm năng lượng trung bình có thể giúp đạt các mục tiêu chính sách tốt với mức tăng chi phí vừa phải. Tuy nhiên giai đoạn sau 2030, nếu các hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả được đẩy mạnh hơn nữa thì hiệu quả kinh tế đối với quốc gia sẽ cao hơn rất nhiều.

Có thể thấy, năng lượng tái tạo và khí tự nhiên sẽ là trụ cột cho việc chuyển dịch năng lượng nhằm phát thải và tăng cường an ninh năng lượng trong dài hạn thông qua giảm tỷ trọng nặng lượng nhập khẩu và đa dạng hóa cung cấp năng lượng.

Hoàng Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/co-hoi-va-thach-thuc-trong-chuyen-dich-nang-luong-sach-va-ben-vung-235792.html