Cơ hội và thách thức trong việc duy trì mức sinh thay thế
Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 của Chính phủ nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế là cần thiết, nhưng cũng là một nhiệm vụ khó khăn và nhiều thách thức.
Dân số là yếu tố hàng đầu quan trọng
Trong những thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. …
Từ chủ trương của Đảng , năm 2019, Chính phủ ban hành Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 với 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp nhằm đạt được mục tiêu tổng quát là “duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững”.
Triển khai thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg, ngày 28-4-2020, phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030” với mục tiêu cụ thể là tăng 10% mức sinh ở tỉnh/thành có mức sinh thấp, giảm 10% mức sinh ở tỉnh/thành có mức sinh cao và duy trì kết quả ở tỉnh/thành mức sinh thay thế. Sau hơn 4 thập kỷ nỗ lực giảm sinh thành công về mức thay thế và khoảng hơn một thập kỷ “chuyển tiếp”, Việt Nam đã chính thức triển khai chính sách cùng các giải pháp duy trì mức sinh thay thế.
Các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu của Chương trình bao gồm:
1- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền;
2- Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi;
3- Điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích sinh đủ 2 con;
4- Mở rộng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình và các dịch vụ có liên quan;
5- Các nhiệm vụ và giải pháp khác (đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng; nghiên cứu khoa học và hệ thống thông tin quản lý; hợp tác quốc tế; kiểm tra, giám sát, đánh giá.
Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức
Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng công tác dân số và kiên trì, quyết tâm chỉ đạo thực hiện các mục tiêu dân số đề ra. Tuy nhiên, mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đó là:
Thứ nhất, mức sinh ở Việt Nam vẫn khác biệt đáng kể giữa các vùng, miền, tỉnh/thành, dân tộc và các nhóm xã hội. Nếu như trước kia mục tiêu chủ yếu là giảm sinh nên tuyên truyền, vận động “mỗi cặp vợ chồng có từ 1 đến 2 con” cùng tăng cường dịch vụ phòng, tránh thai là giải pháp chủ đạo, thống nhất trên toàn quốc thì thực trạng hiện nay đòi hỏi có sự linh hoạt, đa dạng và đa chiều hơn trong ban hành và thực thi chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Mục tiêu tiếp tục giảm sinh 10% ở những vùng và tỉnh/thành còn có mức sinh cao cũng không dễ nếu không có chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao mức sống và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Thứ hai, mức sinh thấp là hiện tượng khá mới tại một số địa phương ở Việt Nam và chúng ta chưa có kinh nghiệm trong việc ban hành và thực thi chính sách ứng phó. Sự phát triển kinh tế - xã hội dưới tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa là yếu tố rất thuận lợi đối với mục tiêu giảm sinh khi mức sinh còn cao, nhưng cũng làm cho mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trở thành bài toán khá nan giải. Để tránh mức sinh giảm thấp cần có những chính sách an sinh xã hội vĩ mô phù hợp, không chỉ chủ yếu dựa vào tuyên truyền, vận động và cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình như khi nỗ lực giảm sinh.
Thứ ba, Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 xác định Bộ Y tế (với cơ quan chuyên trách là Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình - vốn có vị trí, chức năng, nguồn lực và cơ cấu tổ chức hạn chế hơn so với Ủy ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình trước kia) là cơ quan chủ trì xây dựng kế hoạch và triển khai các nội dung của Chương trình cùng với sự tham gia, phối hợp của các bộ, ngành, tỉnh/thành và các tổ chức chính trị - xã hội. Điều này là hợp lý và cần thiết, nhưng việc thiếu một cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách thực sự phù hợp và hiệu quả, hoặc một cơ chế với nguồn lực tương xứng sẽ là trở ngại đáng kể đối với việc thực hiện mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế trong thời gian tới.
Thứ tư, các chương trình dân số của Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới vẫn cần tới sự hợp tác, hỗ trợ của quốc tế, nhưng sẽ rất khó có được hỗ trợ lớn về kinh phí, phương tiện, kỹ thuật và chuyên gia như thời kỳ nỗ lực giảm sinh. Nguyên nhân chủ yếu là Việt Nam đã thoát nghèo, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Hơn nữa, bản thân các nước phát triển đều không đặt ra mục tiêu hoặc không thể duy trì vững chắc mức sinh thay thế nên các chính phủ và tổ chức quốc tế sẽ không tích cực hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu này và cũng ít có những kinh nghiệm thành công để chúng ta học hỏi.
Thứ năm, Việt Nam tuy đã là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, nhưng nguồn lực kinh tế tính theo đầu người vẫn còn kém xa các nước công nghiệp phát triển. Trong khi nhiều quốc gia đã đầu tư đáng kể cho chính sách khuyến sinh thông qua an sinh xã hội mà vẫn không thành công thì có lẽ Việt Nam cần phải tự tìm kiếm giải pháp phù hợp và hiệu quả hơn.
Thứ sáu, kinh nghiệm thời kỳ nỗ lực giảm sinh mấy thập kỷ qua cho thấy, thông tin, số liệu thống kê và các nghiên cứu khoa học, nhất là dân số học và xã hội học đóng vai trò rất quan trọng trong việc đề xuất, hiệu chỉnh chính sách và triển khai các chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình. Số liệu thống kê và các kết quả nghiên cứu nếu ước lượng chính xác mức sinh, xu hướng biến đổi và các yếu tố tác động sẽ giúp điều chỉnh các chính sách kịp thời và hiệu quả. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sau khi Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu giảm sinh, số lượng nghiên cứu xã hội học về mức sinh cũng như về dân số nói chung có chiều hướng giảm rõ rệt. Đội ngũ chuyên gia nghiên cứu dân số ở Việt Nam cũng ngày càng giảm.
Ngoài ra, số liệu thống kê về dân số hiện nay cũng chưa thật phù hợp cho nghiên cứu dân số có mức chết thấp, mức sinh thấp và mục tiêu duy trì mức sinh thay thế. Điều này sẽ dẫn đến những khó khăn trong tương lai khi chúng ta phải có căn cứ khoa học và thực tiễn để xây dựng các chính sách mới phù hợp với bối cảnh mới.
Gỉai pháp cần thực hiện
Một là, Đảng đã xác định dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài. Cho dù Việt Nam duy trì được mức sinh thay thế đến năm 2030 thì sau đó vẫn cần được tiếp tục duy trì để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững. Vì vậy, Chính phủ nên xem xét xây dựng chiến lược dân số với tầm nhìn dài hạn hơn, ít nhất là đến năm 2045.
Hai là, để giải quyết vấn đề hạn chế về nguồn lực, nhất là kinh phí, cần có chiến lược tổng thể lồng ghép chặt chẽ và đồng bộ chương trình dân số và điều chỉnh mức sinh với các mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế và an sinh xã hội khác.
Ba là, xem xét xây dựng cơ chế hoặc cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách thực sự phù hợp và hiệu quả, như ban chỉ đạo quốc gia hoặc ủy ban quốc gia về lĩnh vực dân số và phát triển.
Bốn là, có chính sách tiếp tục đẩy mạnh đào tạo và nghiên cứu về dân số ở Việt Nam. Các khảo sát quốc gia và hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và các tỉnh/thành về dân số nên được tăng cường đầu tư, đổi mới và nâng cấp cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh mới. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà Bộ Công an đang xây dựng nên được xem xét tích hợp đủ chức năng thống kê dân số và khả năng chia sẻ dữ liệu cập nhật cho công tác thống kê, quy hoạch, chương trình dân số và điều chỉnh mức sinh, cũng như cho nghiên cứu khoa học về dân số ở Việt Nam.
Năm là, chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, vừa để thu hút các nguồn tài trợ quốc tế, vừa thúc đẩy trao đổi thông tin, đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực dân số.