Cơ hội và thách thức với chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam
Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí góp phần hiện đại hoạt động sản xuất và phân phối thông tin, làm phong phú thêm hệ sinh thái truyền thông số với những tính năng mới, ưu việt hơn, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông tới công chúng.
Ngày 7/12, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN”, với sự tham dự của 7 đoàn đại biểu quốc tế đến từ Liên đoàn các nhà báo ASEAN, gồm: Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore; các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí, cơ sở đào tạo báo chí tại Việt Nam.
Báo chí số tạo siêu dữ liệu thông tin
Chuyển đổi số trong truyền thông thực chất là việc ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động báo chí, làm phong phú thêm hệ sinh thái truyền thông số với những tính năng mới, ưu việt, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông tới người tiêu dùng thông tin. Việc các nước ASEAN cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết về chiến lược, cách làm hay trong việc thúc đẩy và định hướng các cơ quan báo chí truyền thông trong nước chuyển đổi số một cách bền vững là rất cần thiết.
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, báo chí số thúc đẩy tương tác xã hội mạnh mẽ, tương tác giữa các tờ báo với nhau, giữa tờ báo với công chúng, giữa tờ báo với mạng xã hội, giữa công chúng với nhau, giữa công chúng với cơ quan chức năng, giữa cơ quan báo chí với các cơ quan hoạch định và điều hành chính sách…
Báo chí số tạo siêu dữ liệu thông tin trên môi trường mạng, kết nối và huy động công chúng cùng giải quyết các vấn đề xã hội ở phạm vi cộng đồng, quốc gia, quốc tế…Cùng với đó, chuyển đổi số cũng mang lại những thách thức không nhỏ, mà lớn nhất là sự cạnh tranh quyết liệt của mạng xã hội với đặc điểm dễ tiếp cận, dễ chia sẻ, thông tin nhanh nhạy, đa dạng…
Những cơ hội và thách thức đó buộc mọi cơ quan báo chí trên thế giới trong đó có các cơ quan báo chí ở các nước ASEAN phải nhanh chóng thích ứng, đẩy mạnh, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Xét cho cùng, mục tiêu của chuyển đổi số chính là nhằm xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn và phụng sự xã hội.
“Trong bối cảnh chuyển đổi số toàn diện xã hội, ngành truyền thông không thể đứng ngoài cuộc. Việc chuyển đổi số của các phương tiện truyền thông không chỉ đơn thuần là vấn đề sống còn; nó là điều cần thiết cho sức sống của ngành. Thói quen tiêu dùng của người dùng phương tiện truyền thông cũng như quá trình sáng tạo và phổ biến nội dung đã trải qua một sự chuyển đổi nhanh chóng và chưa từng có. Một thế hệ người tiêu dùng mới trong kỷ nguyên số đã đặt ra tốc độ thích ứng và mọi thứ đều sẵn sàng: thị phần, quảng cáo, mô hình kinh doanh, sở hữu trí tuệ, phương pháp kể chuyện, nhưng quan trọng nhất là khả năng thông tin, giáo dục, trao quyền cho người dân, bảo tồn và truyền lại di sản của chúng ta cho các thế hệ tương lai”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhận định.
Đồng tình với nhận định này, ông Atal S Depari - Chủ tịch Liên đoàn báo chí ASEAN cho rằng, công nghệ số đã cách mạng hóa việc phổ biến và tiêu thụ thông tin: "Ngày nay, điều quan trọng hơn bao giờ hết là những nhà báo phải hợp nhất lại. Sự đoàn kết sẽ khuyến khích trao đổi ý kiến, chiến lược và thực hành tốt nhất trong nền báo chí. Điều này không chỉ là về việc đưa tin; đó là về việc giữ vững đạo đức nghề báo, sự thật và tính chính trực trong mỗi bài báo. Sự đoàn kết này giúp báo chí đối mặt với tình trạng tin giả, thao túng thông tin và những thách thức khác đang hiện diện rộng rãi trong thế giới số".
Mô hình quản trị "Tòa soạn hội tụ"
Với hai phiên thảo luận về “Lý luận chung về quản trị tòa soạn số” và “Thực tiễn, kinh nghiệm và giải pháp quản trị tòa soạn báo chí số ở khu vực ASEAN” các nhà quản lý báo chí, đại diện các hiệp hội báo chí truyền thông đã chia sẻ kinh nghiệm về công cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí của thành viên trong Liên đoàn báo chí ASEAN; về chính sách, giải pháp của các nước trong việc hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số báo chí, truyền thông; về những mô hình thành công của chuyển đổi số báo chí, truyền thông...
Tại phiên thảo luận thứ 2 về “Thực tiễn, kinh nghiệm và giải pháp quản trị tòa soạn báo chí số ở khu vực ASEAN”, nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus (TTXVN) đã giới thiệu về xu hướng báo chí truyền thông mới như: Đồ họa tương tác, Mega Story, RapNewsPlus, Chatbot, Podcast….
“Để có những sản phẩm báo chí số đáp ứng nhu cầu đa dạng của công chúng, cần không ngừng nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và hệ thống quản trị nội dung (CMS) để nâng cao tốc độ biên tập, sản xuất tin, bài; đồng thời, phân phối thông tin hiệu quả và tiếp cận trực tiếp với độc giả”, ông Duẩn nhấn mạnh.
Với, Báo Quân đội nhân dân Điện tử, Đại tá, nhà báo Nguyễn Hồng Hải, Phó Tổng biên tập nhấn mạnh việc tập trung phát triển nội dung một cách toàn diện cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, hướng tập trung chính vào phát triển nội dung chính luận, đa phương tiện và báo chí dữ liệu, đồng thời phát huy thế mạnh, tính độc quyền về lĩnh vực quân sự quốc phòng.
Về quản trị tòa soạn số, ông Hải nhấn mạnh vào nhiệm vụ xây dựng hệ thống phần mềm tòa soạn hội tụ; xây dựng bộ chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động đối với phóng viên, biên tập viên.
Tại hội thảo, các đồng nghiệp quốc tế đến từ ASEAN nhấn mạnh xu hướng chuyển đổi số là tất yếu; đồng thời đánh giá cao các xu hướng chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam ngày càng nhanh, toàn diện; quản trị tòa soạn số ở Việt Nam hiện đại. Qua đó, nâng cao chất lượng nội dung, sức cuốn hút, hấp dẫn của các sản phẩm báo chí.
Từ các ý kiến tham luận, thảo luận, hội thảo bước đầu làm sáng tỏ các vấn đề: Tiếp tục đề cao nội dung; nâng cao năng lực của người làm báo; sử dụng công cụ đo đếm, phân tích công chúng; lựa chọn công nghệ phù hợp với thực tiễn cơ quan báo chí; không nên quá lạm dụng, trông chờ vào quá nhiều ứng dụng được cung cấp tràn lan mà cần nghiên cứu lựa chọn và tốt nhất là tự phát triển ứng dụng…