'Cơ hội vàng' cho cá rô phi Việt Nam trên bản đồ thủy sản toàn cầu
Trước sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và nhu cầu ngày càng gia tăng đối với thực phẩm thủy sản có giá trị dinh dưỡng cao, cá rô phi (loài cá nước ngọt phổ biến) đang dần khẳng định vai trò như một 'ứng cử viên sáng giá' để trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Nắm bắt cơ hội
Hiện nay, bối cảnh quốc tế đang mở ra một giai đoạn thuận lợi cho ngành cá rô phi Việt Nam. Trung Quốc - quốc gia sản xuất và xuất khẩu cá rô phi lớn nhất thế giới đang đối mặt với hàng loạt rào cản như thuế quan cao từ Hoa Kỳ (dự báo lên tới 245%), kiểm soát chất lượng chặt chẽ của các thị trường nhập khẩu. Điều này tạo ra khoảng trống lớn trên thị trường mà Việt Nam có thể khai thác.
Một chuyên gia nhận định: "Hàng loạt nhà nhập khẩu Mỹ đã tạm ngưng đơn hàng từ Trung Quốc vì chi phí thuế quá cao. Đây là cơ hội vàng cho Việt Nam nếu chúng ta đầu tư bài bản vào chất lượng và chuỗi giá trị”. Bên cạnh đó, dịch bệnh trên cá rô phi như virus TiLV đang khiến nhiều nước sản xuất lớn gặp khó, càng gia tăng lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam - quốc gia có khả năng kiểm soát dịch bệnh tốt nhờ vào điều kiện tự nhiên, trình độ kỹ thuật và hệ thống kiểm soát ngày càng hiện đại.

Năng lực chế biến mặt hàng cá rô phi của các doanh nghiệp tại ĐBSCL là rất lớn
Theo số liệu, năm 2024, sản lượng cá rô phi toàn cầu đạt 7 triệu tấn, khoảng 10,6 tỷ USD. Dự kiến đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên 14,5 tỷ USD. Việt Nam hiện có khoảng 30.000ha diện tích nuôi cá rô phi, sản lượng khoảng 300.000 tấn/năm. Riêng sản xuất giống đạt khoảng 1,09 tỷ con/năm, đây là nền tảng quan trọng để mở rộng sản xuất cá thương phẩm.
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cá rô phi Việt Nam vượt 41 triệu USD, tăng gần 140% so với năm trước. Thị trường xuất khẩu chính gồm: Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản... Trong đó, Mỹ đang là thị trường tiêu thụ lớn nhất. Chỉ riêng quý I/2025, cá rô phi và điêu hồng Việt Nam chiếm 46% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ, minh chứng sống động cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của mặt hàng này.
Không chỉ Hoa Kỳ, nhiều thị trường khác như: EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mexico... đang bày tỏ nhu cầu lớn đối với các sản phẩm thủy sản "xanh - sạch - an toàn", trong đó cá rô phi Việt Nam là lựa chọn đầy tiềm năng, điều này có được là nhờ chất lượng và khả năng truy xuất nguồn gốc.
Tại An Giang, một trong những "thủ phủ” thủy sản của cả nước, nghề nuôi cá rô phi đang phát triển mạnh ở các địa phương như: Cù Lao Giêng, Hội An, Bình Hòa, Vĩnh Xương... Mô hình nuôi lồng bè, nuôi ao đất kết hợp quy trình VietGAP, GlobalGAP đã được ngư dân thực hiện và nhân rộng.
Bà Trương Thị Lài, ngư dân xã Cù Lao Giêng, một trong những hộ tiên phong chuyển đổi từ nuôi cá tra sang cá rô phi trên sông Tiền, chia sẻ: "Nuôi cá rô phi thấy rõ hiệu quả: ít bệnh, đỡ tốn thức ăn, chi phí giảm nhiều mà giá bán thì ổn định". Bà bày tỏ mong muốn, tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ vay vốn ưu đãi để cải tạo lồng bè, đồng thời học hỏi thêm kỹ thuật để tăng năng suất, bảo đảm cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Còn ông Nguyễn Văn Luân, hộ nuôi tại xã Vĩnh Xương, cho biết: "Nhờ có doanh nghiệp hợp tác, thu mua tận nơi, bà con chúng tôi không còn lo đầu ra như trước đây nữa, nuôi theo phương thức bao tiêu, tôi rất yên tâm".

ĐBSCL rất thích hợp cho việc phát triển ngành hàng cá rô phi
Giải pháp toàn diện
Để cá rô phi thực sự trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực, cần có một chiến lược phát triển toàn diện, dài hơi. Ông Dương Nghĩa Quốc (Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam) cho rằng, cá rô phi có thể trở thành "cánh tay nối dài" cho chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam nếu biết phát triển sản phẩm này đúng hướng.
"Ngành cá tra đã đi trước một bước và cho thấy sức mạnh của việc đầu tư bài bản, chuyên nghiệp và liên kết chặt chẽ từ các khâu: giống - nuôi - chế biến - thị trường. Cá rô phi hoàn toàn có thể đi con đường tương tự, nhưng chúng ta cần rút ra bài học để không đi theo mô hình "tăng trưởng nóng", thiếu bền vững như giai đoạn đầu của cá tra", ông Quốc nhấn mạnh.
Còn ông Lê Chí Bình (Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh An Giang) phân tích rằng: Muốn cá rô phi trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực, điều kiện tiên quyết là phải bảo đảm chất lượng và ổn định đầu ra. Nếu chúng ta chỉ tập trung mở rộng diện tích nuôi mà thiếu đi khâu chế biến sâu, thiếu liên kết chuỗi thì sẽ "khó trụ vững". Điều quan trọng là mỗi mắt xích, từ con giống, kỹ thuật nuôi, thức ăn, thu hoạch cho đến chế biến đều phải đạt chuẩn, có sự kết nối và đồng bộ.
Theo ông Bình, để ngành hàng cá rô phi phát triển bền vững, Nhà nước cần có định hướng quy hoạch tốt nhất, rõ ràng, tiếp tục hỗ trợ nông dân tiếp cận vốn, kỹ thuật và kêu gọi thêm các doanh nghiệp đầu tàu tham gia. Cần bắt tay vào phát triển giống chất lượng cao, bởi con giống là nền tảng của ngành nuôi. Đẩy mạnh phối hợp giữa địa phương và các viện nghiên cứu như: Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II, Đại học Cần Thơ, Đại học An Giang... để lai tạo dòng cá rô phi có tốc độ tăng trưởng nhanh, tỷ lệ phi lê cao, khả năng kháng virus TiLV, thích nghi với điều kiện nước mặn - lợ, tận dụng lại các vùng nuôi cá khác kém hiệu quả.
Ngoài ra, cần đầu tư xây dựng trại giống đạt chuẩn quốc tế và áp dụng quy trình quản lý nghiêm ngặt, đây là điều kiện bắt buộc. Mặt khác, cần đẩy mạnh ứng dụng mô hình nuôi tiên tiến và bền vững như hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS), dù chi phí đầu tư cao nhưng giúp kiểm soát tối ưu chất lượng nước, dịch bệnh, tiết kiệm tài nguyên. Nuôi ao bạt và nuôi trong vèo, điều này sẽ làm giảm ô nhiễm đáy ao, phù hợp cho mô hình thâm canh.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát môi trường và dịch bệnh như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ giám sát chất lượng nước, tiêm vắc-xin, dùng vi sinh và thực hiện phân vùng kiểm soát dịch. Áp dụng VietGAP, tiến tới chứng nhận ASC/BAP: giúp tăng giá trị thương phẩm và mở cửa vào các thị trường cao cấp.

Cá rô phi có chu kỳ nuôi ngắn, chi phí thấp
"Để ngành hàng cá rô phi phát triển bền vững, doanh nghiệp tập trung nâng cao năng lực chế biến và giá trị gia tăng để không bán sản phẩm thô với giá rẻ. Để làm được điều đó, cần đầu tư vào dây chuyền chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm như phi lê, cá cắt khúc, cá ướp gia vị, cá hấp chín... đẩy mạnh đổi mới công nghệ chế biến nhằm bảo đảm vệ sinh, kéo dài thời hạn sử dụng, phù hợp thị hiếu tiêu dùng hiện đại; đồng thời chú trọng đầu tư bao bì - nhãn mác - thương hiệu để tăng sức hút và nhận diện tại các siêu thị quốc tế", Ths.Trần Anh Dũng (nguyên Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh An Giang) đề xuất.
Từ một đối tượng nuôi phụ, cá rô phi đang dần phát triển như "ngôi sao đang lên" trong chiến lược đa dạng hóa sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Với lợi thế về tự nhiên, kỹ thuật, chi phí, cùng cơ hội từ thị trường và chính sách đồng bộ, cá rô phi hoàn toàn có thể nối tiếp thành công của cá tra, góp phần nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Việc phát triển cá rô phi không chỉ giúp tăng thu nhập cho nông dân mà còn là hướng đi bền vững để Việt Nam gia tăng giá trị thủy sản, ổn định sinh kế người dân và thể hiện năng lực thích ứng của ngành thủy sản trong bối cảnh biến động toàn cầu như hiện nay.