Cơ hội vàng cho quản trị địa phương

Chuyển đổi số không còn là 'chuyện của tương lai' mà đang là 'nhiệm vụ của hiện tại'. Đối với Thanh Hóa, chuyển đổi số chính là 'cơ hội vàng' để tái định hình mô hình quản trị địa phương - một chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, minh bạch và lấy người dân làm trung tâm phục vụ.

Đoàn viên, thanh niên xã Hoằng Lộc hướng dẫn người dân cập nhật phần mềm VNeID trên điện thoại di động để giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: Minh Hiếu

Đoàn viên, thanh niên xã Hoằng Lộc hướng dẫn người dân cập nhật phần mềm VNeID trên điện thoại di động để giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: Minh Hiếu

Trong kỷ nguyên số, khi cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi sâu sắc mọi mặt của đời sống, thì chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ. Đó là một sự thay đổi toàn diện về tư duy, phương thức lãnh đạo, điều hành, sản xuất, kinh doanh và phục vụ người dân. Hiện Thanh Hóa đang triển khai mạnh mẽ hoạt động chính quyền địa phương cấp xã trên môi trường số hóa, nhằm hiện thực hóa một nền hành chính hiện đại, công khai, minh bạch và phục vụ người dân.

Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia có nêu: “Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh”. Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương và thực hiện chủ trương sáp nhập, tinh gọn kết thúc hoạt động cấp xã, thực hiện hoạt động chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7/2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã xác định bộ máy hành chính cấp xã là nơi tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên nhất với người dân và doanh nghiệp, do đó cần được “số hóa” đồng bộ, toàn diện. Từ nhận thức đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh tập trung lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ triển khai nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin (CNTT), đường truyền internet tốc độ cao, trang thiết bị kỹ thuật và ứng dụng phần mềm dùng chung cho các xã, phường.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa Trần Duy Bình cho biết: Từ chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ, các xã trên địa bàn tỉnh đã triển khai việc rà soát, đầu tư và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật CNTT tại các đơn vị hành chính mới. Mỗi xã đều phải đảm bảo có mạng LAN nội bộ 100%, có kết nối Internet tốc độ cao, có hệ thống hội nghị trực tuyến kết nối với cấp tỉnh, có phần mềm quản lý văn bản, chữ ký số dùng chung và có bộ phận một cửa hoạt động hiệu quả. Quan trọng hơn, việc chuẩn hóa dữ liệu, kết nối liên thông giữa các phần mềm, hệ thống đang được thực hiện một cách đồng bộ. Thông tin từ Trung tâm Dữ liệu tỉnh được chia sẻ đến từng xã; hệ thống quản lý văn bản điều hành, quản lý công việc, báo cáo cấp tỉnh đều được triển khai đến cấp xã; mọi văn bản được chuyển trên nền tảng số, đảm bảo không gián đoạn khi có thay đổi tổ chức, nhân sự.

Đặc biệt, Sở Khoa học và Công nghệ đã yêu cầu các địa phương đảm bảo “không gián đoạn trong suốt quá trình tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính tại xã, kể cả trong thời gian chuyển đổi mô hình tổ chức hoặc sáp nhập đơn vị hành chính”. Đây là chỉ đạo thể hiện quyết tâm cao của tỉnh trong việc duy trì tính liên tục, ổn định và nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân ngay cả khi bộ máy có biến động.

Một trong những nội dung quan trọng của hoạt động chính quyền địa phương 2 cấp là việc triển khai hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tại cấp xã được chuyển đổi từ tiếp nhận thủ tục hành chính bằng giấy sang tiếp nhận thủ tục trên môi trường số. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, tất cả các thủ tục hành chính cấp xã, từ đăng ký khai sinh, khai tử, hộ khẩu, đất đai, chứng thực, bảo trợ xã hội... đều phải được xử lý theo mô hình điện tử. Những thủ tục liên thông giữa các cấp được thực hiện qua nền tảng số, dữ liệu đồng bộ, hạn chế tối đa việc công dân phải đi lại. Hệ thống trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã được trang bị thiết bị đánh giá sự hài lòng của người dân, góp phần tạo áp lực tích cực buộc cán bộ, công chức cấp xã thay đổi phong cách làm việc, tăng năng suất, giảm phiền hà.

Đáng chú ý, để đảm bảo “quá trình chuyển đổi số thông suốt”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng ở cơ sở, huy động lực lượng cán bộ trẻ, đoàn viên, hội viên... tham gia hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nhất là người cao tuổi, người dân tộc thiểu số và nhóm yếu thế.

Thực tiễn triển khai tại Thanh Hóa cho thấy: Muốn chính quyền địa phương 2 cấp vận hành hiệu quả thì cấp xã - nơi gần dân nhất, phải đủ năng lực, đủ điều kiện hạ tầng và nhất là đủ quyết tâm chính trị để đổi mới. Khi mỗi xã trở thành một “trung tâm dữ liệu đầu mối”, một “điểm chạm số” của người dân, thì chính quyền số không còn là khái niệm, mà là hiện thực sống động trong từng giao dịch hành chính hằng ngày. Chuyển đổi số giờ đây không còn là cơ hội, mà là giải pháp sống còn cho một nền hành chính hiện đại, công khai và phục vụ.

Minh Hiếu

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/co-hoi-vang-cho-quan-tri-dia-phuong-255126.htm