'Cơ hội vàng' thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ở Hà Tĩnh

Nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, phục vụ tiêu dùng dịp tết Nguyên đán là cơ hội để các ngân hàng ở Hà Tĩnh tăng trưởng dư nợ, tạo đà phát triển trong năm mới 2025.

Hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình và kinh doanh vật liệu xây dựng nên cận tết Nguyên đán là giai đoạn gia đình chị Dư Thị Minh Nguyệt (xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà) cần nguồn vốn đầu tư lớn. Để có thêm tiềm lực đầu tư, dịp này, chị quyết định vay thêm hàng tỷ đồng tại Agribank Thạch Hà (thuộc Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II).

 Chị Dư Thị Minh Nguyệt, trú tại xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà (bên phải) vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh dịp Tết.

Chị Dư Thị Minh Nguyệt, trú tại xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà (bên phải) vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh dịp Tết.

Chị Dư Thị Minh Nguyệt chia sẻ: “Cận tết Nguyên đán Ất Tỵ, công ty của gia đình cần nguồn vốn lớn để tập trung hoàn thiện các công trình xây dựng. Ngoài ra, thị trường vật liệu xây dựng thời gian qua cũng “ấm lên” nên chúng tôi quyết định vay ngân hàng để nhập thêm hàng hóa kinh doanh. Thủ tục cho vay khá nhanh chóng, lãi suất cho vay tại Agribank hiện cũng ổn định nên chúng tôi yên tâm kinh doanh”.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn – Giám đốc Agribank Thạch Hà cho biết: “Trước tết Nguyên đán, nhu cầu vay vốn đầu tư của khách hàng để tích trữ hàng hóa phục vụ thị trường Tết tăng cao. Cùng với đó, nhu cầu vay vốn tiêu dùng, sửa sang nhà cửa, đầu tư phương tiện đi lại của người dân cũng gia tăng đã kéo theo tín dụng của chi nhánh tăng trưởng. Đồng hành cùng khách hàng, Agribank Thạch Hà tiếp tục triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 4,5%/năm trở lên (áp dụng cho khách hàng mới). Nhờ vậy, tín dụng tăng trưởng tốt, tính đến đầu tháng 1/2025, tổng dư nợ của chi nhánh đạt 2.666 tỷ đồng, tăng trên 400 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Tại BIDV Nam Hà Tĩnh, từ tháng 12/2024 lại nay, dư nợ tín dụng tăng trưởng khá mạnh, trong đó nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng dịp tết là nguyên nhân căn bản thúc đẩy tín dụng.

 Khách hàng đến giao dịch dịp cận tết tại BIDV Cẩm Xuyên (thuộc BIDV Nam Hà Tĩnh).

Khách hàng đến giao dịch dịp cận tết tại BIDV Cẩm Xuyên (thuộc BIDV Nam Hà Tĩnh).

Theo ông Bùi Đại Thắng – Giám đốc BIDV Nam Hà Tĩnh: Tính đến đầu tháng 1/2025, tổng dư nợ toàn chi nhánh đạt trên 6.800 tỷ đồng, tăng 1.500 tỷ đồng so với kế hoạch đã xây dựng, tỷ lệ nợ xấu rất thấp (0,16%/tổng dư nợ).

Nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng dư nợ bán lẻ, từ 1/1/2025 – 31/5/2025, BIDV triển khai gói tín dụng ngắn hạn cạnh tranh cho vay sản xuất, kinh doanh đối với khách hàng cá nhân với quy mô nguồn vốn tối đa 200.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 4,5 – 6%/tùy theo kỳ hạn. Ngoài ra, BIDV “chạy” gói tín dụng cạnh tranh trung dài hạn cho vay khách hàng cá nhân với quy mô tối đa 150.000 tỷ đồng (áp dụng đến 30/6/2025) với lãi suất chỉ từ 6%/năm. BIDV còn có chương trình tín dụng dành cho khách hàng chi trả lương qua BIDV, cán bộ - nhân viên ngành y tế, giáo dục với lãi suất ưu đãi…

Vietcombank Hà Tĩnh đang triển khai các gói tín dụng ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh như: “An tâm kinh doanh”, “An tâm lãi suất”… với lãi suất cho vay chỉ từ 5%/năm. Ngoài ra, chi nhánh đang áp dụng các gói tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống (mua đất, mua nhà ở, xây mới - sửa chữa nhà ở, mua ô tô…) với lãi suất chỉ từ 5,5%/năm dành cho kỳ vay trung, dài hạn.

Bà Nguyễn Thị Hạnh – Trưởng phòng Khách hàng bán lẻ, Vietcombank Hà Tĩnh thông tin: “Từ tháng 12/2024 lại nay, nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, vay vốn tiêu dùng tăng mạnh; bởi vậy chi nhánh đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn “giá rẻ”, qua đó góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế. Đến 31/12/2024, tổng dư nợ của Vietcombank Hà Tĩnh đạt trên 15.810 tỷ đồng và phấn đấu tín dụng năm 2025 sẽ tăng trưởng 13% so với năm 2024”.

 Nhu cầu vay vốn của người dân đầu tư hoa, cây cảnh dịp tết tại Hà Tĩnh tăng khá mạnh (ảnh minh họa).

Nhu cầu vay vốn của người dân đầu tư hoa, cây cảnh dịp tết tại Hà Tĩnh tăng khá mạnh (ảnh minh họa).

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành công văn số 9774/NHNN-CSTT về việc ổn định lãi suất tiền gửi, phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Theo đó, NHNN Việt Nam yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài duy trì mặt bằng lãi suất tiền gửi ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay... để phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng…

NHNN cũng yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt các TCTD trên địa bàn duy trì ổn định lãi suất tiền gửi và triển khai các biện pháp để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2025.

 Đến 31/12/2024, dư nợ cho vay toàn ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đạt 109.550 tỷ đồng.

Đến 31/12/2024, dư nợ cho vay toàn ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đạt 109.550 tỷ đồng.

NHNN tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục đồng hành, nỗ lực đưa nguồn vốn “giá rẻ” phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Đến 31/12/2024, dư nợ cho vay toàn ngành đạt 109.550 tỷ đồng, tăng 14,05% so với cuối năm 2023.

Thu Phương

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/co-hoi-vang-thuc-day-tang-truong-tin-dung-o-ha-tinh-post281597.html