Cơ hội vàng từ hoạt động xúc tiến thương mại vùng Đông Nam bộ
Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa và Hội chợ Công thương vùng Đông Nam bộ - Bình Dương năm 2023 đã mở ra nhiều cơ hội vàng khẳng định vai trò trong thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và các địa phương. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam bộ trở thành vùng năng động, có tốc độ tăng trưởng cao theo Nghị quyết số 24-NQ/ TW của Bộ Chính trị.
Các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, cơ khí chính xác được chú ý tại Hội chợ Công thương vùng Đông Nam bộ - Bình Dương năm 2023
Quảng bá, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu
Sau 5 ngày diễn ra, Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa và Hội chợ Công thương vùng Đông Nam bộ - Bình Dương năm 2023 được đánh giá là cơ hội quảng bá, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, có thế mạnh của Bình Dương và các tỉnh vùng Đông Nam bộ. Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh, xuất nhập khẩu, các nhà phân phối tìm kiếm các nhà cung ứng, nguồn hàng tin cậy, chất lượng.
Theo đánh giá của ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), đây là hoạt động xúc tiến thương mại có tính liên kết vùng quan trọng nằm trong Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2023 do Bộ Công thương và UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo thực hiện với mục tiêu tạo cơ hội để DN, hợp tác xã, đơn vị sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối… gặp gỡ trực tiếp, trao đổi, tìm hiểu sản phẩm, liên kết, hợp tác giao thương, mở rộng thị trường và chia sẻ kinh nghiệm giữa DN trong nước với nhau và với DN, tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài. Đồng thời cũng là cơ hội để các địa phương vùng Đông Nam bộ nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng hỗ trợ các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực, giới thiệu và quảng bá các thương hiệu, sản phẩm, hàng hóa dịch vụ tiêu biểu, thế mạnh phát triển thị trường trong nước và quốc tế.
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, mục tiêu của Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa và Hội chợ Công thương vùng Đông Nam bộ - Bình Dương 2023 nhằm giới thiệu những sản phẩm OCOP, những sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đạt chuẩn OCOP của Việt Nam với nhóm các nhà phân phối, các nhà bán lẻ tại thị trường Việt Nam. Từ đó, các nhà cung cấp và nhà phân phối, nhà bán lẻ có thể trao đổi, giao lưu và đưa những sản phẩm này vào trong hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng của những nhà bán lẻ tại Việt Nam. Hội nghị còn là cơ hội để kết nối giao thương tiếp tục vươn xa, đưa các sản phẩm của Bình Dương, vùng Đông Nam bộ và của Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài, tạo điều kiện cho DN phát triển.
Các hội nghị, hội thảo được tổ chức tại hội nghị và hội chợ lần này nhằm đánh giá thực chất kết quả, hiệu quả mà hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư mang lại cùng những hạn chế, tồn tại, bài học kinh nghiệm trong những năm qua, từ đó đề ra các giải pháp căn cơ, thiết thực để khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả, chất lượng của hoạt động xúc tiến trong thời gian tới. Cụ thể, có 3 vấn đề chính: Kết nối giao thương, nhằm tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc trong quá trình kết nối giao thương giữa các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ để mở lối cho các sản phẩm của tỉnh đi vào các thị trường tỉnh bạn, hệ thống siêu thị lớn, hiện đại. Đồng thời, thúc đẩy kết nối hỗ trợ đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế các tỉnh, thành và khu vực hơn nữa trong thời gian tới. Các tỉnh, thành cũng mong muốn được nghe các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của các địa phương, DN, hợp tác xã… đối với các nhà phân phối lớn cũng liên quan đến đầu ra cho sản phẩm, kết nối giao thương và đầu tư.
Nỗ lực kết nối
Theo ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc siêu thị Từ Sơn (tỉnh An Giang): “Để được đưa vào hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng của những nhà bán lẻ, nhà cung cấp cần biết rõ quy định cũng như có giải pháp hỗ trợ để sản phẩm đạt yêu cầu. Và ở đó giá trị thật của sản phẩm phải được chú trọng hàng đầu. Làm sao để chất lượng đó luôn được duy trì ổn định, không phải phụ thuộc vào các yếu tố khách quan, cũng như thời tiết, con người… Thứ đến là phải giữ vũng được tính địa phương, từ nhận dạng địa lý, tính riêng biệt của sản phẩm đến màu sắc, logo…”.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại AEON Việt Nam, đa số các nhà cung cấp thường gặp chung một số vấn đề dẫn đến sản phẩm không đạt yêu cầu của các hệ thống bán lẻ hiện đại, như: Thiếu thông tin dự báo nhu cầu thị trường, sản phẩm được chọn phụ thuộc vào nhu cầu và lựa chọn của khách hàng, do khách hàng quyết định. Do đó, nhà cung cấp cần phải nắm nhu cầu thị trường để sản xuất sản phẩm phù hợp. Bên cạnh đó, việc chưa nắm rõ các quy định và kỹ thuật sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đã ảnh hưởng đến chất lượng và bảo đảm an toàn thực phẩm. Cùng với đó là việc vận chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng chưa thuận lợi, hạn chế tầm bao phủ của sản phẩm ra thị trường.
Ông Phạm Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), để tháo gỡ những khó khăn trên, DN cần phải chủ động hơn trong quảng bá sản phẩm, tham gia các sàn giao dịch điện tử… Chính quyền các địa phương cần tham gia vào công tác đào tạo cho DN về kiến thức thị trường, quản lý… giúp các đơn vị, DN có được kiến thức mới nhất để đáp ứng tiêu chí của thị trường hiện nay.
• Ông Phạm Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương): “Mỗi địa phương cần có một địa điểm, gian hàng để bán, trưng bày các sản phẩm đạt chất lượng OCOP, hàng Việt Nam chất lượng cao… của các DN, hợp tác xã địa phương; đồng thời tạo sàn giao dịch, địa chỉ kết nối cho các nhà sản xuất liên kết để phát triển lớn mạnh hơn. Sản phẩm của các địa phương phải bảo đảm đủ chất và lượng, thời gian… để không ảnh hưởng đến sản phẩm kinh doanh, thương hiệu của DN, hợp tác xã…”.
•Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại AEON Việt Nam: “Do chưa tối ưu hóa chi phí vận chuyển và bảo quản đã dẫn đến giá thành không ổn định, ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng. Đồng thời, việc chưa ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc sản phẩm ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm. Việc chưa chú trọng xây dựng hình ảnh sản phẩm đặc trưng vùng, miền cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu sản phẩm”.