Nghề may về làng

Vốn là vùng quê thuần nông, nhưng những năm gần đây huyện Cẩm Khê phát triển mạnh mẽ các hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó nghề may gia công là điểm nhấn ấn tượng. Nghề may về làng đã giúp nhiều lao động địa phương tìm được việc làm phù hợp với trình độ, năng lực và có thu nhập ổn định. Diện mạo làng quê nhờ đó đã và đang có những chuyển biến đáng mừng...

Xưởng may Trần Phương ở xã Ngô Xá quan tâm đầy đủ các chế độ cho người lao động, giúp họ yên tâm, nhiệt tình cống hiến.

Cơ hội việc làm

Đúng 6h45 hằng ngày, chị Trần Thị Huệ (36 tuổi) - khu 5 xã Tiên Lương lại chạy xe máy xuống xưởng may Trần Phương, xã Ngô Xá để làm việc. Đây là công việc phù hợp, tạo nguồn thu nhập ổn định để chị Huệ không chỉ trang trải cuộc sống gia đình, mà còn biến giấc mơ được trở về quê hương làm việc trở thành hiện thực sau hơn 17 năm lao động xa xứ.

Tranh thủ giờ nghỉ giải lao, chị Trần Thị Huệ cho biết: “Trước kia, do tìm kiếm việc làm với thu nhập ổn định ở nông thôn là rất khó, vì vậy tôi đã khăn gói vào Nam làm công nhân may với mức lương cũng khá cao, trừ mọi chi phí sinh hoạt, cũng dành dụm được khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Năm 2011, tôi lập gia đình và sinh liền hai con. Thời điểm đó, vợ chồng tôi có tổng nguồn thu trên 20 triệu đồng/tháng nhưng nuôi con ăn học, chi phí thuê nhà, sinh hoạt gia đình và về quê ít nhất 1 lần/năm thì không còn khoản nào để tích cóp, lo việc lớn. Đến năm 2021, dịch bệnh COVID -19 bùng phát, chồng tôi do có bệnh nền nên khi nhiễm thì sức khỏe giảm sút rõ rệt, dẫn đến mất khả năng lao động. Vì vậy, gia đình tôi không bám trụ được nơi đất khách, quê người, đành trở về quê hương. Thất nghiệp hơn một năm, cho đến năm 2023, tôi được người quen giới thiệu và được tuyển dụng vào làm việc tại xưởng may Trần Phương thuộc Công ty CP may Sông Hồng. Đây là công việc không quá nặng nhọc, lại phù hợp với kinh nghiệm, năng lực và sức khỏe của tôi”.

Hiện nay, chị Huệ có mức lương 8 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, xưởng may còn trả cho chị tiền ăn ca với mức 20 nghìn đồng/bữa/ngày; xăng xe 10 nghìn đồng/ngày; nếu làm việc chuyên cần, chị Huệ còn được trả 500 nghìn đồng/tháng; thưởng lương sản phẩm từ 400-600 nghìn đồng/tháng; các chế độ BHYT, BHXH, BHTN đều được thực hiện đầy đủ. Ngày lễ, Tết, chị và các công nhân đều được xưởng tặng quà và được nghỉ làm vào ngày Chủ nhật. Cũng như chị Huệ, có việc làm, thu nhập ổn định ngay trên quê hương là niềm vui, hạnh phúc của rất nhiều lao động ở xưởng may Trần Phương đã từng có thời gian bôn ba mưu sinh nơi xứ lạ.

Chúng tôi đến thăm xưởng may Quý Mây ở khu Phai Chi, xã Thụy Liễu vào đầu giờ chiều, lúc này các lao động đang tất bật, mỗi người vào một công đoạn để may túi xách. Bà Trần Thị Mây - chủ xưởng cho biết: Xưởng hoạt động ổn định từ năm 2019 đến nay, chuyên may gia công túi xách cho một doanh nghiệp lớn tại Bắc Ninh, chủ yếu thuê lao động làm theo thời vụ, bình quân từ 20-30 người. Công việc cũng khá nhẹ nhàng, phù hợp với nhiều đối tượng, có cả người già, người chậm phát triển về trí tuệ... chủ yếu là lao động nữ với mức thu nhập bình quân khoảng gần 5 triệu đồng/người/tháng.

Cuộc sống khó khăn, lao động đồng ruộng cũng hạn chế vì lý do sức khỏe và tuổi tác nên bà Nguyễn Thị Học (74 tuổi) ở khu 1, xã Thụy Liễu đã xin vào làm tại xưởng may Quý Mây từ năm 2021. Phấn khởi vì đáp ứng được yêu cầu của công việc, bà Học chia sẻ: “Mặc dù có tuổi, nhưng chỗ làm gần nhà, công việc được chủ xưởng hướng dẫn tận tình, hằng ngày nhiệm vụ chính của tôi là cắt chỉ thừa và gấp túi, thu nhập được từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này của người già ở quê là khá tốt, đủ để lo cho cuộc sống”.

Gia đình chị Nguyễn Thị Vĩnh (gần 40 tuổi) ở khu Xóm Trong, xã Thụy Liễu trước đây thuộc danh sách hộ nghèo. Để lo cho cuộc sống, chị Vĩnh thường đi làm thuê làm mướn đủ nghề, ai thuê gì làm nấy nên công việc rất bấp bênh, thu nhập không ổn định. Từ khi có xưởng may Quý Mây, chị và nhiều lao động trong xã rất phấn khởi vì không còn phải vất vả đi tìm việc hay đi làm xa nhà nữa, vì đã có việc làm thường xuyên ngay tại địa phương với mức thu nhập khá cao.

Chị Nguyễn Thị Vĩnh bộc bạch: “Nếu đi làm ở khu công nghiệp trong huyện hoặc ở các tỉnh, thành phố lớn thì thu nhập sẽ cao hơn nhưng lại phải đi làm xa, đòi hỏi phải có sức khỏe hoặc trình độ tay nghề cao, tốn kém chi phí thuê trọ, sinh hoạt... Còn làm việc ở xưởng may tại xã vừa gần nhà, vẫn có thu nhập để lo cho cuộc sống. Tôi vẫn có thể tranh thủ thời gian lao động việc đồng áng, chăm sóc gia đình”...

Xưởng may Quý Mây ở xã Thụy Liễu tạo việc làm cho nhiều đối tượng lao động, trong đó có cả người cao tuổi.

Xưởng may Quý Mây ở xã Thụy Liễu tạo việc làm cho nhiều đối tượng lao động, trong đó có cả người cao tuổi.

Cách làm hiệu quả

Thời gian qua, nhiều xã trên địa bàn huyện Cẩm Khê phát triển mạnh các ngành nghề phi nông nghiệp, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho người lao động theo chủ trương “ly nông bất ly hương”. Với nhiều ưu điểm như dễ đào tạo tay nghề, yêu cầu công việc phù hợp với lao động ở nhiều độ tuổi khác nhau..., nghề may gia công đang có sự phát triển nhanh chóng tại nhiều địa phương trong huyện.

Đồng chí Trần Thành Trung - Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng, huyện Cẩm Khê cho biết: Theo thống kê sơ bộ, hiện nay toàn huyện có 12 xã/24 xã, thị trấn phát triển nghề may với tổng số 29 doanh nghiệp và cơ sở may gia công. Qua đó đã tạo việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động, bình quân thu nhập đạt trên 6 triệu đồng/người/tháng. Trong quá trình hoạt động, huyện và các địa phương đã phối hợp với cơ quan, đơn vị chức năng chú trọng thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tạo điều kiện về mặt bằng, giải quyết thủ tục hành chính để thu hút đầu tư. Các doanh nghiệp, xưởng may tích cực tìm kiếm đối tác, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để ký kết đơn hàng, tạo việc làm thường xuyên cho người lao động tại địa phương...

Vài năm trở lại đây, nghề may đã phát triển nở rộ ở xã Thụy Liễu giúp nhiều lao động địa phương có việc làm với thu nhập ổn định mà không cần phải xa quê. Đồng chí Phan Xuân Phương - Chủ tịch UBND xã Thụy liễu cho biết: Xã có trên 4.100 khẩu với 1.285 hộ. Số lao động trong độ tuổi hiện là 2.400 người, trong đó có khoảng 700 lao động đi làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài huyện; 47 người đi xuất khẩu lao động, số còn lại làm trên địa bàn xã. Vì vậy, để giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, xã đã và đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân.

Hằng năm, xã đều tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người dân để xây dựng kế hoạch, tổ chức dạy nghề phù hợp cũng như đáp ứng thực tế nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn. Trong đó, từ năm 2021, xã đã liên kết mở nhiều lớp học nghề may cho lao động nông thôn, chú trọng đến lao động là nữ, đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp, xưởng may.

Hiện nay, trên địa bàn xã có 3 công ty may thu hút được gần 400 lao động, 3 cơ sở may gia công, tạo việc làm từ 20-30 lao động/cơ sở; 40-50 nhóm hộ liên kết may gia công (3-5 hộ/nhóm), từ đó góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tại địa phương. Năm 2024, bình quân thu nhập đầu người của xã đạt 46 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,74%.

Do nghề may không quá khó nên đã thu hút được mọi lứa tuổi tham gia. Các công đoạn đòi hỏi kỹ thuật như cắt vải, vắt sổ, may những đường phức tạp thì cần những thợ có tay nghề cao, còn những công đoạn cắt chỉ, gấp, đóng gói sản phẩm thì cả người già, người có trí tuệ chậm phát triển đều có thể làm được. Từ sự phát triển của nghề may, đời sống của người dân trên địa bàn huyện Cẩm Khê từng bước được cải thiện.

Đa dạng hóa nghề nghiệp, giải quyết việc làm theo các mô hình sản xuất vừa và nhỏ đang là cách làm hiệu quả trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn tại các địa phương trong huyện, trong đó có nghề may gia công. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Anh Thơ

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nghe-may-ve-lang-222362.htm