Cơ hội vào 'tuyến cao tốc' EVFTA

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Liên hiệp châu Âu (EU) đang tận dụng khá tốt Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA). Với DNNVV của Việt Nam thì sao? Việt Nam cần làm thế nào để khối DN này có cơ hội và có thể tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA?

Cơ hội vào “tuyến cao tốc” EVFTA

DƯƠNG THÙY

Chủ Nhật, 04-04-2021, 22:27

+ | Print

Doanh nghiệp Việt Nam cần có nhiều nỗ lực để tham gia các FTA.

Doanh nghiệp Việt Nam cần có nhiều nỗ lực để tham gia các FTA.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Liên hiệp châu Âu (EU) đang tận dụng khá tốt Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA). Với DNNVV của Việt Nam thì sao? Việt Nam cần làm thế nào để khối DN này có cơ hội và có thể tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA?

Đó là những vấn đề đã được đặt ra và thảo luận chuyên sâu tại Hội nghị bàn tròn “Khu vực DNNVV với Hiệp định EVFTA” do Phái đoàn EU tại Việt Nam (EUD) phối hợp Hiệp hội DNNVV và Hiệp hội DN EU ở Việt Nam (EuroCham) tổ chức mới đây ở Hà Nội. Hội nghị đã thu hút hơn 100 đại biểu đến từ các bộ, cơ quan Chính phủ, các quốc gia thành viên EU, các hiệp hội DN và đặc biệt là hơn 50 DNNVV tại Việt Nam.

Thực tế, trong gần ba thập kỷ qua, khối DNNVV tại Việt Nam đã phát triển theo cấp số nhân và trở thành yếu tố chính đóng góp vào nền tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây. Sự gia tăng về số lượng của các DNNVV đã dẫn đến tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về vốn của các DN khu vực tư nhân. Các DNNVV tại Việt Nam cũng đóng góp đáng kể vào xuất khẩu (XK) ước tính 246,2 tỷ USD và nhập khẩu hàng hóa 253 tỷ USD vào năm 2019. Quá trình quốc tế hóa của các DNNVV Việt Nam, đặc biệt là thông qua thương mại quốc tế và liên kết với chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng đã được hỗ trợ bởi các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Trong bối cảnh đó, Hội nghị bàn tròn được tổ chức nhằm tăng cường hiểu biết của các DN Việt Nam, hiệp hội DN, các nhà hoạch định chính sách về EVFTA và đóng góp của hiệp định đối với khu vực DNNVV tại Việt Nam. Hội thảo tập trung bàn luận về thực trạng tăng trưởng, các cơ hội và thách thức của các DNNVV hiện nay, những đóng góp của EVFTA và các cách thức phát triển bền vững để thúc đẩy các DNNVV. Đặc biệt trong phiên thảo luận, các cơ hội và thách thức của DNNVV trong khuôn khổ EVFTA cũng được phân tích dưới các góc nhìn đa chiều đến từ Chính phủ, Phái đoàn EU tại Việt Nam, VINASME, VCCI và EuroCham.

Tại Hội nghị, TS Carsten Schittek, Tham tán Công sứ, Trưởng ban Kinh tế và Thương mại của Phái đoàn EU tại Việt Nam chia sẻ, EU có nhiều “nhà vô địch” về sản xuất, XK là những DNNVV. Thí dụ như có những DNNVV của EU hoạt động trong lĩnh vực thiết bị y tế đã XK sản phẩm ra toàn thế giới, từ Mỹ, Nhật Bản... cho tới Việt Nam. DNNVV đóng vai trò là “xương sống” của nền kinh tế. Họ cực kỳ sáng tạo và cũng chính họ là tương lai của EU.

Theo ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham, khảo sát cho thấy, 70% DNNVV của EU được hưởng lợi ngay lập tức khi EVFTA có hiệu lực. Đây là một tín hiệu rất tốt.

Về phía Việt Nam, thống kê chỉ ra, các DNNVV đóng góp đáng kể vào XK. Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh (MTKD) và năng lực cạnh tranh của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho biết, DNNVV Việt Nam hiện nay chiếm gần 98% số lượng DN và đóng góp 40% GDP cả nước. Với sự đóng góp không nhỏ, DNNVV hiện càng có nhiều cơ hội phát triển hơn khi có sự tham gia của các FTA hay cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới. Tuy nhiên, hầu hết các DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, dẫn đến hiệu quả kinh doanh và năng suất lao động thấp.

Đến nay, chưa có số liệu thống kê chính thức có bao nhiêu phần trăm DNNVV tận dụng tốt EVFTA. Song, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhìn nhận, Hiệp định EVFTA dù có nhiều cơ hội để DN Việt Nam được hưởng, nhưng nếu không thể XK vào chuỗi giá trị toàn cầu thì DNNVV Việt Nam vẫn khó vào được “tuyến cao tốc” EVFTA. Do đó, cần phải đẩy mạnh cải cách thể chế, gỡ bỏ rào cản về chính sách để hỗ trợ nhiều hơn cho cộng đồng DNNVV, từ đó đáp ứng các điều kiện từ phía thị trường EU.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam đánh giá, cơ hội rất lớn, luôn sẵn sàng cho DN, nhưng DN Việt Nam phải có “tâm thế” đổi mới, sáng tạo, hợp tác và thành công. Việt Nam đã thực hiện 14 FTA nhưng tận dụng cơ hội còn hạn chế, nguyên nhân là do hàng rào phi thuế quan, thủ tục hành chính (TTHC) tương đối phức tạp. Các bộ, ngành cần đẩy mạnh cải cách TTHC, triển khai cơ chế Một cửa quốc gia, nhằm tạo thông thoáng cho DN.

Qua quá trình tiếp xúc với cộng đồng DN, bà Nguyễn Minh Thảo cho biết, nhiều DN than rằng họ đang thiếu các thông tin về chính sách, thị trường, nguồn lao động. Các địa phương có tổ chức khóa đào tạo cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho DN, nhưng nhiều khi lại không đúng nhu cầu mà họ cần. Không chỉ DN Việt Nam, mà việc đẩy mạnh cải cách TTHC cũng sẽ giúp Việt Nam tận dụng tốt cơ hội đón vốn từ EU.

Ông Carsten Schittek chia sẻ, mối quan tâm của DN EU là làm sao có được MTKD thông thoáng, bình đẳng bởi giải quyết các TTHC không chỉ nằm ở khâu cửa khẩu - chỉ là một phần trong quan hệ thương mại. Cơ quan quản lý nhà nước có thể cho phép DN tự công bố tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm của mình. Điều này cũng giúp cơ quan quản lý giảm gánh nặng và làm tốt hơn vai trò của mình. Làm sao để nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào Việt Nam thấy rằng các bạn có MTKD thuận lợi. Nhà đầu tư không chỉ muốn đem tiền đầu tư vào, mà còn rủ thêm bạn bè quốc tế tới đầu tư tại Việt Nam. Điều này giúp cho Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai.

Ở góc độ nhà quản lý, theo Thứ trưởng KH&ĐT Trần Duy Đông, EVFTA đem tới cơ hội nhưng cũng đi kèm thách thức, DN cần huy động mọi nguồn lực để nắm bắt cơ hội. DN EU cần liên kết với DN Việt Nam, DN Việt Nam cần thực hiện tốt cam kết để trở thành đối tác tin cậy của DN EU. Và, nhiệm vụ của Chính phủ là hoàn thiện MTKD bình đẳng, tạo thuận lợi cho DN.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/baothoinay-kinhte/co-hoi-vao-tuyen-cao-toc-evfta-640905/