Cơ hội việc làm Ngành tâm lý học ra sao?
Tâm lý học là ngành học nghiên cứu về các hiện tượng tinh thần nảy sinh trong bộ não con người và cách chúng tác động đến hành vi.
Bởi vậy, bộ môn này thường gắn với quan niệm nghề nghiệp có tính lâm sàng như chẩn đoán, hỗ trợ và phục hồi cho người gặp vấn đề tâm lý. Tuy nhiên, đánh giá trên chưa bao quát đủ về tính thực tiễn của tâm lý học. Bộ môn này không chỉ giải quyết vấn đề, mà còn thúc đẩy yếu tố con người ở nhiều lĩnh vực.
Không đi theo lối mòn
Là chủ một cửa hàng thời trang dành cho giới trẻ, ít ai biết chị Trần Thị Phương Thảo (28 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là cựu sinh viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Chị Phương Thảo chia sẻ, đa số mọi người xung quanh đều khá bất ngờ và thắc mắc vì sao tôi lựa chọn nghề nghiệp chẳng liên quan gì đến ngành học. Bởi trong suy nghĩ của số đông, sinh viên ngành tâm lý học sau khi tốt nghiệp sẽ theo đuổi con đường nghiên cứu hoặc một số nghề nghiệp mang tính chất chuyên ngành như: Tham vấn tâm lý, trị liệu tâm lý, giảng dạy tâm lý, giảng dạy kỹ năng sống…
“Theo chương trình đào tạo của Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), ngoài các môn đại cương, sinh viên sẽ được đào tạo chuyên sâu 4 chuyên ngành, bao gồm: Tham vấn, lâm sàng, quản lý - kinh doanh, xã hội. Vì vậy, những nghề nêu trên chỉ là một trong số các lựa chọn nghề nghiệp của sinh viên ngành tâm lý học”, chị Thảo chia sẻ.
Trong quá trình được đào tạo, chị Thảo đặc biệt tâm đắc với chuyên ngành tâm lý học quản lý - kinh doanh. Chị Thảo đánh giá, hành vi của người tiêu dùng không nằm ngoài phạm vi nghiên cứu của tâm lý học. Mọi quyết định của khách hàng ảnh hưởng lớn đến thương hiệu xung quanh, từ hình ảnh đến đường lối và doanh số. Vì vậy, việc hiểu tâm lý và hành vi người tiêu dùng góp phần đưa ra sản phẩm, quảng cáo hay chiến dịch hiệu quả.
“Những kỹ năng được đào tạo trong tâm lý học như thống kê, đánh giá dữ liệu, đo lường mẫu tâm lý có thể ứng dụng nhiều trong việc nghiên cứu thị trường, lên chiến dịch, sáng tạo nội dung và tối ưu hóa quảng cáo trên các nền tảng. Ví dụ thực tế, cửa hàng của tôi luôn cho nhập những sản phẩm mới nhất để đánh vào tâm lý người dùng thích đón đầu xu hướng.
Hay đơn giản là việc thuê những người có sức ảnh hưởng trên các nền tảng xã hội để quảng cáo sản phẩm. Tất cả đều là ứng dụng kiến thức từ bộ môn tâm lý học. Cụ thể là chuyên ngành tâm lý học quản lý - kinh doanh. Vì vậy, tôi đánh giá bộ môn này có tính ứng dụng thực tiễn cao trong các ngành nghề và cả trong cuộc sống”, chị Thảo khẳng định.
Chịu tác động từ trí tuệ nhân tạo
Trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT đang là xu hướng tương lai. Có một số dự đoán cho rằng, trong tương lai không xa AI sẽ gây ảnh hưởng tới một số ngành nghề hiện nay, bao gồm cả ngành tâm lý học. Đánh giá về vấn đề này, TS Lê Thị Mai Liên, Trưởng nhóm nghiên cứu tâm lý ứng dụng, Phó Trưởng khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, cần nhìn nhận từ hai mặt để tận dụng những cơ hội và đối phó với những thách thức mà AI mang lại.
Về mặt tích cực, AI có thể giúp tăng cường khả năng phân tích và đánh giá dữ liệu, hỗ trợ các chuyên gia tâm lý đưa ra các kết luận và đề xuất giải pháp chính xác hơn. Thực tế ngày nay, nhiều trung tâm cũng ứng dụng AI trong đánh giá một số rối loạn phát triển như tự kỷ hay trầm cảm. AI cũng có thể đóng vai trò “trợ lý nghiên cứu” nhằm hỗ trợ tìm các nguồn tài liệu, tổng hợp tài liệu, phân tích dữ liệu, viết báo cáo, vẽ biểu đồ...
Ứng dụng ChatGPT cũng có thể giải đáp các băn khoăn, thắc mắc của con người về các hiện tượng tâm lý và đưa ra một số khuyến nghị hoặc nguồn thông tin tham chiếu nhanh chóng, tối ưu mà không cần mất quá nhiều thời gian để tìm kiếm và tổng hợp trên các trang tìm kiếm như Google.
Tuy nhiên, mặt tiêu cực của sự phát triển AI là nó có thể thay thế một số công việc mà trước đây do con người thực hiện, bao gồm cả những công việc trong ngành tâm lý học. Ví dụ, AI có thể được sử dụng để thực hiện các đánh giá tâm lý hoặc nhà tâm lý số, nhà tâm lý nhân tạo (digital psychologist, AI psychologist) thực hiện các phiên tham vấn tâm lý trực tuyến thay vì các chuyên gia tâm lý. Điều này có thể dẫn đến giảm số lượng việc làm cho các chuyên gia tâm lý hoặc các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này.
Để không bị thay thế bởi sự vươn lên của trí tuệ nhân tạo, sinh viên ngành tâm lý học cần tập trung và nỗ lực trong việc đọc và tìm hiểu các kiến thức chuyên môn. Để theo đuổi việc trở thành một chuyên gia về tâm lý học, sinh viên cần có những tố chất như: Kỹ năng giao tiếp, tương tác liên cá nhân, tư duy logic, khả năng phân tích, tổng hợp và suy luận, tinh thần trách nhiệm, sự tôn trọng và nhạy cảm với tâm lý con người.
Dù theo bất kỳ hướng nào thuộc phạm trù ngành tâm lý, sinh viên phải học được cách kiên nhẫn, ứng xử khéo léo và sự nhạy bén trước những tình huống có thể xảy ra bất ngờ. Điều này giúp sinh viên tâm lý học có khả năng ứng dụng kiến thức vào thực tế và giải quyết các vấn đề tâm lý phức tạp của con người.
Ngoài ra, theo bà Lê Thị Mai Liên, ngoại ngữ cũng là yếu tố quan trọng đối với sinh viên ngành tâm lý học. Sinh viên cần rèn luyện khả năng đọc và hiểu tiếng Anh. Lý do, nhiều tài liệu chuyên môn trong ngành tâm lý học được viết bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, tâm lý học là một ngành đa dạng, có nhiều lĩnh vực ứng dụng khác nhau. Việc tìm hiểu và lựa chọn lĩnh vực phù hợp với sở thích và năng lực của mình là vô cùng cần thiết.
Ngoài việc rèn luyện chuyên môn, sinh viên cần có tình yêu và sự đam mê đối với ngành tâm lý học. Chỉ khi có đam mê, sinh viên mới có hứng thú học tập, bồi dưỡng chuyên môn, phát triển nghề nghiệp và có năng lượng để phục vụ xã hội. Sự tham gia vào các hội nghề, nhóm/mạng lưới chuyên môn, được giám sát cũng là những hoạt động cần thiết để các cá nhân thực hành hiệu quả trong nghề nghiệp.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-hoi-viec-lam-nganh-tam-ly-hoc-ra-sao-post694822.html