Cơ hội xuất khẩu sản phẩm Halal sang Trung Đông
Thị trường sản phẩm Halal tại Trung Đông đầy tiềm năng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng nhiều doanh nghiệp chưa tận dụng cơ hội khai thác.
Công ty Cổ phần DDA Việt Nam là doanh nghiệp chuyên sản xuất canxi hữu cơ. Công ty đã có kế hoạch xuất khẩu sang Trung Đông, một trong những thị trường đang được đánh giá là tiềm năng đối với các sản phẩm Halal.
Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Công ty Cổ phần DDA Việt Nam, cho biết: “Ở thị trường Trung Đông, theo chúng tôi tìm hiểu, cần phải có giấy phép Halal. Đây là thị trường tôi thấy rất tiềm năng. Nếu như sản phẩm của chúng ta đã chuẩn trong nước và theo các quy định của Việt Nam thì tôi nghĩ các sản phẩm Việt Nam có thể xuất khẩu sang thị trường Trung Đông và đáp ứng được các tiêu chuẩn của Halal”.
Bộ Công Thương cho biết chi tiêu cho thực phẩm Halal trên thế giới đang tăng nhanh từ 1.400 tỷ đô la Mỹ của năm 2020 lên 1.900 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030, dự kiến sẽ đạt gần 5.000 tỷ đô la Mỹ vào năm 2050.
Các sản phẩm như gạo, cao su, chè, hạt điều, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá… - những mặt hàng phù hợp với nhu cầu của người Hồi giáo, là những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh. Do đó, đây là những cơ hội lớn để Việt Nam có thể xuất khẩu sang thị trường này.
PGS. TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết: “Gạo người ta ăn theo tiêu chuẩn Halal nên mình phải cố gắng sản xuất theo tiêu chuẩn Halal. Bởi nguyên tắc thị trường là bán những gì mà thị trường cần chứ không phải bán những cái mình có. Mình có thì nhiều nhưng mà người ta cần là cần phải có tiêu chuẩn, phải có tiêu chí, phải có kiểm định”.
Như vậy, dù tiềm năng nhiều, nhưng để vào được thị trường Trung Đông cần phải tuân theo một số tiêu chuẩn. Đây chính là những rào cản của nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
PGS. TS Nguyễn Thường Lạng cho biết thêm: “Tiêu chuẩn của đạo Hồi rất ngặt nghèo từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng, từ khâu nguyên vật liệu đến khâu cấp chứng chỉ, kể cả những người cấp chứng chỉ đó cũng phải là người theo đạo Hồi. Do đó, tôi nghĩ đây là rào cản mà doanh nghiệp Việt Nam phải nghiên cứu rất kỹ bởi chi phí tuân thủ rất cao và chính điều này đang làm nhiều doanh nghiệp Việt Nam e ngại. Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu chúng ta có cách tiếp cận, chúng ta có thể vào được”.
Thị trường Trung Đông hiện đang được coi là thị trường tỉ đô đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Do vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp nguồn lực phát triển thị trường sản phẩm Halal, Bộ Công Thương đang xây dựng đề án hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm Halal.