Có 'lợi ích nhóm' trong dự án Nước sạch sông Đuống hay không?
Trước chất vấn vì sao người dân dùng nước sông Đuống đắt hơn nước sông Đà, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho hay: Nhà máy Nước sạch sông Đà đã đi vào hoạt động nhiều năm qua, tài sản đầu tư đã khấu hao hết, vì vậy giá thành nước rẻ hơn. Ông cũng khẳng định 'không có lợi ích nhóm' trong việc mời gọi nhà đầu xây dựng Nhà máy Nước sạch sông Đuống.
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm vừa diễn ra hôm qua (15/11), cử tri Trần Ngọc Toán nêu vấn đề Nhà máy nước mặt sông Đuống tính giá thành sản phẩm cao, đề nghị thành phố (TP.) minh bạch công tác quản lý, tránh gây nghi ngờ vì lợi ích nhóm mà "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi".
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, trước năm 2016 TP. có 12 nhà máy nước, trong đó có Nhà máy Nước mặt sông Đà. Tổng công suất nước sạch các nhà máy đạt gần 700 nghìn mét khối ngày đêm, đáp ứng 38% nhu cầu toàn TP. Hà Nội đã kêu gọi đầu tư, huy động mọi nguồn lực tham gia xây dựng hệ thống cấp nước và các doanh nghiệp đã đề xuất dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống.
Theo đó, có bốn nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà máy sông Đuống, gồm một quỹ đầu tư của Oman, doanh nghiệp Aqua One, Nhà máy Nước sạch số 2 (10%) và một đơn vị khác (5%). Vừa qua, quỹ đầu tư Oman đã bán lại cổ phần cho nhà đầu tư Thái Lan.
Ông Chung cho rằng việc các quỹ đầu tư mua bán phần vốn của doanh nghiệp tại dự án, công trình "là bình thường, nên khuyến khích" và cũng cho thấy sự tin tưởng của doanh nghiệp nước ngoài vào môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội.
"Tôi khẳng định với cử tri, Nhà máy Nước mặt sông Đuống là nhà máy nước hiện đại nhất Việt Nam và Đông Nam Á", ông Chung nói.
Theo ông, Aqua One là Công ty từng làm nhà máy nước lớn nhất miền Nam tại Long An và "TP. đã chọn những nhà đầu tư có năng lực để làm".
Nhà máy nước mặt Sông Đuống thuộc Tập đoàn Aqua One - dự án cấp nước sạch sinh hoạt có quy mô lớn nhất miền Bắc đã khánh thành giai đoạn 1 tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm vào ngày 5/9 vừa qua.
Giải thích về căn cứ để Hà Nội chấp thuận giá nước sạch sông Đuống là 10.264 đồng/m3, ông Chung cho biết, việc này là theo nguyên tắc, quy định chung.
Ông cho hay: Về nguyên tắc không chỉ Nhà máy Nước mặt sông Đuống, mà kể cả Nhà máy Nước mặt sông Hồng hay trên Ao Vua (Ba Vì), khi lập dự án thì Nhà nước cũng đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ nước. Trước khi ký hợp đồng, Sở Tài chính cùng các ban ngành liên quan xây dựng báo cáo để TP. xin ý kiến của Bộ Tài chính.
"Thực tế giá nước mặt sông Đuống 10.246 đồng/m3 chỉ là giá tạm tính để phục vụ cho nhà đầu tư lập tự án đầu tư. Còn sau này, khi dự án hoàn thành, sẽ có quyết toán công trình sẽ ra giá thành cụ thể”, Chủ tịch Hà Nội nói.
“Tôi xin nhắc lại đó chỉ là giá tạm tính để phục vụ cho nhà đầu tư lập dự án đầu tư. Sau này, khi dự án hoàn thành mới có quyết toán, kiểm toán và mới có giá thành sản phẩm. Lúc đó mới là giá chính thức của nước sạch sông Đuống”, ông nhấn mạnh và cho biết thêm, để phê chuẩn mức giá tạm tính này, Hà Nội cũng đã xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan sau đó mới quyết định.
Ông khẳng định đến thời điểm này, TP. Hà Nội chưa mất một đồng nào bù giá cho nước sạch suông Đuống và chắc chắn là không bao giờ bù giá cho họ, kể cả sau này các cơ quan chức năng phê chuẩn giá thành chính thức của Nước sạch sông Đuống.