Có mấy cấp độ phòng thủ dân sự? Ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự như thế nào?

Tại Nghị định số 200/2025/NĐ-CP (có hiệu lực từ 23/8/2025) Chính phủ quy định về các cấp độ phòng thủ dân sự và ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự.

Chính phủ ban hành Nghị định số 200/2025/NĐ-CP ngày 09/7/2025 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng thủ dân sự (có hiệu lực thi hành từ ngày 23/8/2025), trong đó quy định về các cấp độ phòng thủ dân sự và ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự.

Ban bố phòng phòng thủ dân sự cấp độ 1, 2, 3

Tại chương V, Nghị định số 200/2025 quy định về ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự. Theo đó, có 3 cấp độ phòng thủ dân sự là cấp độ 1, cấp độ 2, cấp độ 3.

Điều 14 quy định ban bố phòng phòng thủ dân sự cấp độ 1, 2, 3 như sau:

1. Ban bố phòng thủ dân sự cấp độ 1

a) Cán bộ chuyên môn theo từng lĩnh vực được phân công nhận được thông tin về sự cố, thảm họa hoặc nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa phải kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu với Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Chủ tịch UBND cùng cấp ban bố phòng thủ dân sự cấp độ 1 khi diễn biến, mức độ thiệt hại hoặc nguy cơ gây ra thiệt hại vượt quá khả năng của các lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm và các lực lượng khác trên địa bàn cấp xã;

b) Chủ tịch UBND cấp xã căn cứ đề xuất của Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự cùng cấp hoặc chỉ đạo của cấp trên, quyết định ban bố phòng thủ dân sự cấp độ 1;

c) Chủ tịch UBND cáp xã công bố quyết định ban bố phòng thủ dân sự cấp độ 1, đồng thời báo cáo Bao Chỉ huy Phòng thủ dân sự, UBND cấp tỉnh.

2. Ban bố phòng thủ dân sự cấp độ 2

a) Cơ quan chủ trì theo từng lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công cấp tỉnh nhận được thông tin về nguy cơ xảy ra hoặc đã xảy ra sự cố, thảm họa, kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất với Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Chủ tịch UBND cùng cấp ban bố phòng thủ dân sự cấp độ 2 khi diễn biến, mức độ thiệt hại hoặc nguy cơ xảy ra thiệt hại vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của lực lượng và chính quyền địa phương cấp xã.

b) Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự cấp tỉnh căn cứ vào tham mưu, đề xuất của cơ quan chủ trì t heo từng lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công và cơ quan thường trực, kịp thời báo cáo đề xuất với Chủ tịch UBND cùng cấp ban bố phòng thủ dân sự cấp độ 2;

c) Chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ vào đề xuất của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cùng cấp hoặc chỉ đạo của cấp trên, quyết định ban bố phòng thủ dân sự cấp độ 2;

d) Chủ tịch UBND cấp tỉnh công bố quyết định ban bố phòng thủ dân sự cấp độ 2; kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

3. Ban bố phòng thủ dân sự cấp độ 3

a) Bộ, ngành chủ trì theo từng lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công nhận được thông tin về nguy cơ xảy ra hoặc đã xảy ra sự cố, thảm họa, kịp thời phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu, đề xuất với Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Thủ tướng Chính phủ ban bố phòng thủ dân sự cấp độ 3 khi diễn biến, mức độ thiệt hại hoặc nguy cơ xảy ra thiệt hại vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của lực lượng chuyên trách và chính quyền địa phương cấp tỉnh;

b) Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia căn cứ vào tham mưu, đề xuất của bộ, ngành chủ trì theo từng lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công và cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, kịp thời báo cáo đề xuất với Thủ tướng Chính phủ ban bố phòng thủ dân sự cấp độ 3;

c) Thủ tướng Chính phủ căn cứ đề xuất của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, quyết định ban bố phòng thủ dân sự cấp độ 3 trên phạm vi một tỉnh, một số tỉnh hoặc trên phạm vi cả nước;

d) Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, hệ thống Đài thông tin duyên hải, Đài phát thanh, truyền hình cấp tỉnh và các cơ quan thông tấn, báo chí, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ có trách nhiệm đưa tin về quyết định ban bố phòng thủ dân sự cấp độ 3 đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam.

4. Nội dung chính của quyết định ban bố cấp độ phòng thủ dân sự

a) Lý do ban bố cấp độ phòng thủ dân sự;

b) Các biện pháp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra;

c) Phạm vi địa bàn áp dụng cấp độ phòng thủ dân sự;

d) Thời gian thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự;

đ) Trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan, đơn vị thi hành.

5. Các cơ quan thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm thông tin rộng rãi nội dung quyết định ban bố phòng thủ dân sự cấp độ 1 và cấp độ 2 đến các cơ quan, tổ chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 1, 2, 3

Điều 12, quy định về bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 1, 2, 3 như sau:

1. Bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự cấp độ 1

a) Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp xã căn cứ kết quả, mức độ hoàn thành nhiệm vụ ứng phó, khắc phục sự cố, thảm họa để tham mưu, trình Chủ tịch UBND cáp xã ban hành quyết định bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 1;

b) Chủ tịch UBND cấp xã căn cứ đề xuất của Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự cùng cấp hoặc chỉ đạo của cấp trên, quyết định bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 1;

c) Chủ tịch UBND cấp xã công bố quyết định bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 1; báo cáo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự và UBND cấp tỉnh;

d) Các cơ quan thông tin và truyền thông có trách nhiệm đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông báo rộng rãi cho các cơ quan, tổ chức và toàn bộ người dân trên địa bàn về nội dung quyết định bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 1.

2. Bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 2

a) Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp tỉnh căn cứ kết quả, mức độ hoàn thành nhiệm vụ ứng phó, khắc phục sự cố, thảm họa để tham mưu, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành quyết định bải bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 2;

b) Chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ đề xuất của Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự cùng cấp hoặc chỉ đạo của cấp trên, quyết định bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 2;

c) Chủ tịch UBND cấp tỉnh công bố quyết định bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 2; báo cáo Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

d) Các cơ quan thông tin và truyền thông có trách nhiệm đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông báo rộng rãi cho các cơ quan, tổ chức và toàn bộ người dân trên địa bàn về nội dung quyết định bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 2.

3. Bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 3

a) Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia căn cứ kết quả, mức độ hoàn thành nhiệm vụ ứng phó, khắc phục sự cố, thảm họa trên địa bàn của một tỉnh, một số tỉnh hoặc trên phạm vi cả nước để tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 3 đối với một tỉnh, một số tỉnh hoặc trên phạm vi cả nước;

b) Thủ tướng Chính phủ căn cứ đề xuất của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia quyết định bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 3 trên địa bàn của một tỉnh, một số tỉnh hoặc trên phạm vi cả nước;

c) Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, hệ thống Đài thông tin duyên hải, Đài phát thanh, truyền hình cấp tỉnh và các cơ quan thông tấn, báo chí, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ có trách nhiệm đưa tin về quyết định bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 3 đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam.

4. Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự cấp xã căn cứ tình hình thực tế và kết quả ứng phó, khắc phục sự cố, thảm họa để tham mưu đề xuất Chủ tịch UBND cấp xã kéo dài hoặc rút ngắn thời gian thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự cấp độ 1.

5. Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế và kết quả ứng phó, khắc phục sự cố, thảm họa để tham mưu đề xuất Chủ tịch UBND cấp cấp tỉnh kéo dài hoặc rút ngắn thời gian thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự cấp độ 2.

6. Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia căn cứ tình hình thực tế và kết quả ứng phó, khắc phục sự cố, thảm họa để tham mưu đề xuất Thủ tướng Chính phủ kéo dài hoặc rút ngắn thời gian thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự cấp độ 3.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/co-may-cap-do-phong-thu-dan-su-ban-bo-bai-bo-cap-do-phong-thu-dan-su-nhu-the-nao-119250714143722188.htm