UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới liên biên giới đầu tiên giữa Việt Nam và Lào

Với quyết định điều chỉnh ranh giới Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng để bao gồm cả Vườn quốc gia Hin Nam Nô của Lào, UNESCO đã lần đầu tiên ghi nhận một di sản liên biên giới giữa Việt Nam và Lào - cột mốc quan trọng khẳng định giá trị hợp tác bảo tồn thiên nhiên giữa hai quốc gia láng giềng.

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, Ngày 13/7, tại thủ đô Paris (Pháp), trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã chính thức thông qua việc điều chỉnh ranh giới Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Việt Nam) để bao gồm Vườn quốc gia Hin Nam Nô (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào).

Đây là Di sản Thiên nhiên Thế giới liên biên giới đầu tiên được UNESCO ghi danh tại khu vực Đông Nam Á.

Quyết định này được thông qua trên cơ sở ba tiêu chí nổi bật: giá trị địa chất, địa mạo đặc biệt, hệ sinh thái đặc trưng và đa dạng sinh học phong phú. Thành tựu này không chỉ đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực bảo tồn thiên nhiên mà còn là biểu tượng cho tình hữu nghị và hợp tác quốc tế bền chặt giữa hai quốc gia láng giềng Việt Nam và Lào.

Việc mở rộng di sản này là kết quả của quá trình hợp tác chặt chẽ kéo dài hơn bảy năm. Bắt đầu từ Biên bản ghi nhớ ký ngày 10/1/2018 giữa hai Bộ Văn hóa, Việt Nam đã cam kết hỗ trợ Lào xây dựng hồ sơ đề cử Di sản Thiên nhiên Thế giới cho Vườn quốc gia Hin Nam Nô. Năm 2023, hai Chính phủ đã thống nhất chủ trương đệ trình hồ sơ chung với hình thức di sản liên quốc gia.

Cảnh đẹp của hệ thống hang động Tú Làn ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Cảnh đẹp của hệ thống hang động Tú Làn ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Trong suốt quá trình hoàn thiện hồ sơ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Hùng đã có nhiều cuộc làm việc trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Suanesavanh Vignaket.

Cục Di sản Văn hóa Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với phía bạn Lào, cùng với sự hỗ trợ tích cực từ UBND tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị và Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nam Nô là một trong những hệ thống karst đá vôi nhiệt đới ẩm lớn nhất và nguyên vẹn nhất thế giới, với lịch sử địa chất hình thành từ kỷ Cổ sinh cách đây khoảng 400 triệu năm. Vị trí địa lý đặc biệt tại giao thoa Dãy Trường Sơn và vành đai đá vôi Trung Đông Dương góp phần tạo nên cấu trúc địa hình độc đáo.

Hệ thống hang động tại đây, tiêu biểu là Sơn Đoòng (Việt Nam) và Xe Bang Fai (Lào) được công nhận có quy mô và tính liên tục hàng đầu thế giới. Cùng với đó là các hệ sinh thái rừng nhiệt đới đặc trưng thuộc vùng sinh thái Bắc Annam, có tính nguyên vẹn cao và vai trò quan trọng trong tiến hóa sinh học.

Về đa dạng sinh học, Phong Nha - Kẻ Bàng sở hữu trên 2.700 loài thực vật và 800 loài động vật có xương sống. Riêng tại Hin Nam Nô đã ghi nhận hơn 1.500 loài thực vật và 536 loài động vật, trong đó có Nhện Săn Khổng lồ, loài nhện có sải chân lớn nhất thế giới, đặc hữu tại tỉnh Khăm Muộn (Lào).

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch Lào Suansavanh Viyaketh khẳng định: “Hôm nay là một ngày có ý nghĩa sâu sắc đối với Chính phủ và nhân dân Lào. Việc Hin Nam Nô được ghi danh là phần mở rộng của Di sản Phong Nha - Kẻ Bàng thể hiện sự gắn bó và hợp tác hiệu quả giữa hai quốc gia”.

Ông Kham-Inh Khitchadeth - Đại sứ Lào bên cạnh UNESCO cũng bày tỏ lòng biết ơn và niềm tự hào: “Chúng tôi cảm ơn sự hỗ trợ đầy trách nhiệm và chân thành từ phía Việt Nam. Đây là minh chứng rõ nét cho tình đoàn kết và tương lai hợp tác sâu rộng trong bảo tồn di sản và phát triển bền vững”.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: “Việc công nhận di sản liên biên giới này không chỉ là thành công của riêng Lào mà còn là biểu tượng sống động của tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào. Trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để bảo tồn và phát huy giá trị di sản chung”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Xuân Tân cũng khẳng định, tỉnh luôn tích cực hỗ trợ phía bạn Lào trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, đồng thời đang xây dựng kế hoạch hợp tác quản lý hiệu quả hai vườn quốc gia liền kề.

PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa nhấn mạnh rằng việc quản lý di sản liên biên giới cần đi kèm với các giải pháp nghiên cứu khoa học, kiểm soát sức tải sinh thái và du lịch, đồng thời củng cố hệ thống pháp lý nhằm bảo vệ di sản. Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Lào trong nâng cao năng lực quản trị và giám sát di sản theo các tiêu chí của UNESCO.

Việc mở rộng Di sản Thế giới lần này không chỉ góp phần bảo tồn giá trị thiên nhiên, mà còn mở ra triển vọng hợp tác trong phát triển du lịch bền vững, tạo sinh kế cho cộng đồng địa phương và khẳng định vai trò quốc tế của Việt Nam và Lào trong bảo vệ di sản chung của nhân loại.

Tính đến nay, Việt Nam đã có 9 Di sản Thế giới do UNESCO công nhận. Trong đó có hai di sản liên tỉnh là Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (Quảng Ninh - Hải Phòng) và Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc (Quảng Ninh - Bắc Ninh - Hải Phòng). Di sản Phong Nha- Kẻ Bàng và Hin Nam Nô là di sản liên biên giới đầu tiên giữa Việt Nam và một quốc gia khác.

Thành công này không chỉ làm phong phú thêm bản đồ di sản của Việt Nam mà còn góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia anh em Việt Nam - Lào trong lĩnh vực bảo tồn văn hóa và thiên nhiên, đúng với tinh thần Công ước UNESCO 1972 về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới.

Theo TTXVN

TH

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/unesco-cong-nhan-di-san-thien-nhien-the-gioi-lien-bien-gioi-dau-tien-giua-viet-nam-va-lao-319923.html