Tiêm kích F-22 là máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không thế hệ 5 tiên tiến nhất trên thế giới; nhưng nó đang được Không quân Mỹ xem xét, cho loại khỏi biên chế chiến đấu sớm, để chuẩn bị “dọn đường” lấy chỗ cho loại chiến đấu cơ mới.
Theo các thông tin, do các vấn đề liên tục về bảo trì và khả năng sẵn sàng chiến đấu của một số loại máy bay, nên lực lượng Không quân Mỹ có kế hoạch giảm lực lượng máy bay chiến đấu từ 7 chủng loại hiện tại, xuống còn 4 chủng loại trong vài năm tới.
Tướng Charles Brown, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ ngày 12/5 thông báo rằng, lực lượng tiêm kích tương lai sẽ xoay quanh chiến đấu cơ F-16 hạng nhẹ, giá rẻ và F-15EX hạng nặng mới (mẫu nâng cấp hiện đại của F-15 Eagle), cùng tiêm kích F-35 tàng hình và máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo (NGAD).
Như vậy trong kế hoạch tương lai của Không quân Mỹ, một số máy bay chiến đấu, được cho là sẽ bị loại biên trong tương lai gần. Không có gì là bất ngờ khi số F-15C và F-15E đã hết niên hạn; nhưng bất ngờ nhất là tiêm kích tàng hình F-22 Raptor.
F-22 hiện là một trong hai loại máy bay chiến đấu tàng hình, được biên chế trong Không quân Mỹ cùng với F-35. F-22 cũng chỉ mới được đưa vào trang bị từ tháng 12/2005 và được xếp loại là loại máy bay có tính năng hiện đại nhất; do vậy kế hoạch cho loại biên sớm của loại máy bay này cũng khiến nhiều người bất ngờ.
F-22 từ lâu đã được coi là máy bay chiến đấu có năng lực nhất của Không quân Mỹ và cả thế giới. Cho đến năm 2017, khi nó bị thách thức bởi J-20 của Trung Quốc và năm 2020 là Su-57 của Nga, khi được đưa vào trong biên chế.
Nhưng xét trên các tiêu chí của máy bay chiến đấu tàng hình, F-22 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 chiến đấu chiếm ưu thế trên không theo đúng nghĩa duy nhất trên thế giới, vì J-20 và Su-57 chưa hoàn thiện về mặt động cơ; tính năng tàng hình của J-20 và Su-57 cũng bị nghi ngờ.
F-22 là một máy bay chiến đấu có tính năng kỹ chiến thuật cao, được trang bị động cơ F119 mang tính cách mạng, với khả năng tàng hình tuyệt vời và hiệu suất bay theo đúng tiêu chí máy bay chiến đấu thế hệ 5, bao gồm khả năng cơ động cao và hành trình siêu thanh không cần bật chế độ đốt sau.
Nhưng khả năng thực của F-22 đã bị đặt dấu hỏi, điều này ảnh hưởng lớn đến việc liệu máy bay có thể tiếp tục phục vụ trong biên chế chiến đấu nữa hay không. Trên thực tế, F-22 ngay từ đầu đã gặp nhiều vấn đề khác nhau và yêu cầu bảo dưỡng rất cao, dẫn đến tỷ lệ sẵn sàng chiến đấu của máy bay này là thấp.
Mặc dù F-22 hiện tại vẫn đang trong quá trình nâng cấp đầu vòng đời, khi được tích hợp hàng loạt công nghệ mới như kính ngắm trên mũ bay, đường liên kết dữ liệu hiện đại, biến nó thành trung tâm chỉ huy và nhận các tình huống chiến trường, từ các phương tiện trinh sát trên không, mặt đất theo thời gian thực.
Mặc dù mục đích ban đầu khi chế tạo ra F-22 là nhằm mục đích để thay thế chiến đấu cơ F-15 Eagle; nhưng do dây chuyền chế tạo F-22 đã ngừng sản xuất vào năm 2011, chưa đầy 6 năm sau khi loại máy bay này đi vào hoạt động.
F-22 cũng không được xuất khẩu (mặc dù là cho đồng minh thân cận như Nhật Bản và Israel), do Mỹ sợ lộ bí mật quân sự; nhưng việc này cũng gián tiếp góp phần đóng cửa dây chuyền sản xuất F-22, đồng thời không thể giảm giá thành loại chiến đấu cơ được ví đắt “như vàng” này.
Và loại chiến đấu cơ hạng nặng F-15, bay thử lần đầu năm 1972 và được Không quân Mỹ đưa vào sử dụng năm 1975, vẫn tiếp tục được sản xuất và sử dụng (nhưng với phiên bản hiện đại hơn). Dự kiến vòng đời sản xuất của dòng F-15 sẽ vượt 55 năm.
F-22 cuối cùng đã thất bại trong việc thay thế F-15, để trở thành máy bay chiến đấu chủ lực tuyệt đối của Không quân Mỹ. Mặc dù một số chuyên gia lấy làm tiếc về việc cho F-22 loại biên sớm, nhưng Không quân Mỹ đã quyết định “trong đau đớn”, để loại biên sớm chiến đấu cơ tàng hình F-22 rất đắt tiền và tương đối mới này.
F-15 không chỉ tiếp tục phục vụ mà còn được sản xuất liên tục, mặc dù về hình dáng, nó vẫn giữ như 50 năm trước. Điều này hoàn toàn chứng tỏ F-22 không phải là một máy bay chiến đấu thực dụng.
F-15 được thiết kế vào những năm 1960, nhưng vẫn có thể tiếp tục phục vụ và đáp ứng các nhiệm vụ chiến đấu của chiến tranh hiện đại. Đây cũng là minh chứng cho sự thất bại của dự án F-22 đầy tốn kém. Nguồn ảnh: USAF.
Tiêm kích F-22 Raptor không được Mỹ xuất khẩu cho bất cứ ai, vì nó có quá nhiều bí mật và chưa thực sự hoàn thiện. Nguồn: USAF.
Tiến Minh