Có một Bảo tàng đồng quê ở Việt Nam

Những nơi tôi đến, những điểm tôi gặp, khắp ba miền đều gợi những yêu thương. Mỗi nơi, mỗi cảnh, mỗi con người mà hồn quê đất nước dung dị, nồng nàn. Nhưng rồi lại nghĩ: liệu một ngày những giá trị tinh thần ấy có mất đi? Văn hóa vùng, miền qua thời gian đổi khác sẽ làm mất đi cái cũ? Truyền thống, gốc gác cha ông có bị mai một? Và một ngày, ở mãi tận miền quê ven biển Nam Định xa xôi, khi cái đói, cái nghèo đã dần vơi bớt, một 'Bảo tàng đồng quê' hiện hữu từ tấm lòng cô giáo làng và vị tướng đường biên.

Du khách tham quan Bảo tàng đồng quê

Du khách tham quan Bảo tàng đồng quê

Những cơn gió đầu mùa ràn rạt thổi, mang cái lạnh buốt giá từ biển, và cảm nhận, hình như có vị mặn của biển hòa vào trong gió làm mắt cay nồng. Hít thật sâu mùi vị của quê hương, đâu đó tiếng em thơ đọc chữ ghép vần. Cái tên làng, tên xã nghe thân quen đến lạ - thôn Bỉnh Di, xã Giao Thịnh, ngoài kia những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những con sông chở tuổi thơ ai đó một thời… Bình dị, yên ả một góc quê, nét đặc trưng của vùng quê đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng không ai dám chắc một điều, một ngày kia nét đẹp ấy có còn vẹn nguyên, quy luật phát triển của xã hội, cái cũ sẽ dần được thay thế bằng những cái mới hợp xu thế. Góp nhặt những gì của một thời xưa cũ, lưu giữ hồn quê bằng các mảnh ghép hiện vật cuộc sống, rồi tái hiện chúng trong một không gian bảo tàng đồng quê thấm đẫm màu sắc của nền văn minh lúa nước, văn hóa đồng quê từng thời.

Những mái nhà lợp bổi nguyên sơ, những nồi ba, nồi bảy, những thau đồng, chậu đồng,… bức tranh quê qua hàng thế kỷ vẫn hiện về đủ đầy những cung bậc cảm xúc. Chỉ 5.000 m2 đất nhưng chứa đựng cả lịch sử văn hóa một thời. Từng chi tiết nhỏ của bảo tàng được thiết kế xây dựng đều mang hồn vía quê hương, mang tâm tư, tình cảm ấp ủ cả đời của người tạo dựng. Bắt đầu từ chiếc cổng bảo tàng - được xây theo lối cổng làng Bắc Bộ cũ, hai bên cổng dựng mô hình ruộng lúa, ruộng đay, chính giữa là một hồ nước nuôi các loại cá, tôm, cua… Lối đi bên trái là hai dãy nhà tranh, tái hiện nguyên trạng nhà của giai cấp bần nông, trung nông thời phong kiến với đầy đủ những dụng cụ sinh hoạt hàng ngày: Chum, vại, cối xay, cối giã gạo… Bên phải là ngôi nhà địa chủ cũ có thiết kế 5 gian, sân rộng, đúng nguyên bản được mua lại từ một gia đình trong xã Giao Thịnh với đầy đủ vật dụng đi kèm: Tủ chè, sập gụ, rương, tráp, tràng kỷ… Phía trước gian nhà địa chủ là mô hình ngôi nhà được xây dựng sau năm 1954 có giường tre, võng gai, bàn trà… tất cả đúng kết cấu theo lối cũ.

Khu trung tâm là tòa nhà cao tầng là nơi trưng bày hiện vật đồng quê cũng tiêu biểu cho kiểu nhà hiện đại đã và đang phát triển ở nông thôn hiện nay gồm: Khu trưng bày dụng cụ sản xuất nông nghiệp; các loại công cụ nghề biển, nghề muối đã gắn bó với nông dân, ngư dân, diêm dân hàng trăm năm qua; khu đồ dùng với rất nhiều chủng loại, số lượng lớn hàng nghìn hiện vật từ cổ đến kim đặc trưng cho đồng bằng Bắc Bộ và miền biển. Khu thư viện và phòng đọc sách với trên 1.000 đầu sách, ngoài các sách về phong tục, tập quán của quê hương Nam Định, sách y học, danh nhân, văn hóa ẩm thực, khoa học kỹ thuật, lịch sử, nghệ thuật, quân đội… và nhiều loại tạp chí giới thiệu các danh lam thắng cảnh, cổ vật, con người và đất nước Việt Nam. Bên cạnh đó, là nơi trưng bày những kỷ vật chiến tranh, gắn với cuộc đời quân ngũ của Thiếu tướng Hoàng Kiền, thể hiện hồi ức của một người chiến sĩ công binh trong quá trình chiến đấu, công tác suốt hơn 42 năm qua. Và, một điều đặc biệt nữa, quanh vườn, quanh nhà, tái hiện cả một “bảo tàng cây cối đồng quê” với hàng trăm loại cây, có nhiều loại đang có nguy cơ… “biến mất” như cây cậy, cây chay, cây sắn thuyền, cây dành dành, cây vối… (những loại cây mà tôi tin, thời nay không mấy ai còn biết)…

Hình ảnh quê hương gói gọn một góc nhìn. Góc nhìn ấy là tình cảm, là tâm huyết, là nỗi niềm mấy mươi năm gắn bó với quê hương, là sự “xót ruột” với những gì in dấu ấn một thời đang từng ngày mai một, là nỗi lo con cháu đời sau lãng quên giá trị truyền thống. Bảo tàng đồng quê ra đời chính từ những trăn trở ấy. Từ ước mong nhỏ bé lúc ban đầu của cô giáo về hưu Ngô Thị Khiếu, phu nhân Thiếu tướng Hoàng Kiền - xây một thư viện nhỏ cho các em học sinh và bà con có nơi để đọc sách và trưng bày những hiện vật đồng quê đang dần bị mai một! Ước mong chính đáng ấy của bà đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ huyện, xã, bà con làng xóm, bạn bè gần xa. Công trình Bảo tàng đồng quê được khởi công tháng 3 năm 2011 và đến nay đã qua hơn chục năm hoạt động phục vụ Nhân dân và du khách gần xa. Hơn 10 năm Bảo tàng đã đón hơn 250.000 lượt khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu. Bảo tàng là một dự án văn hóa tư nhân, một công trình văn hóa tái hiện lại tâm hồn, cuộc sống, tinh thần lao động cần cù, đấu tranh với thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm của cha ông ta, nó là sợi dây gắn kết quá khứ với hiện tại và gợi mở tương lai… Ý nghĩa nhân văn cao cả mang nội hàm giáo dục sâu xa từ việc làm ấy đã được Giáo sư Vũ Khiêu tặng câu đối khen ngợi: “Giữ lấy tinh hoa từ thuở trước/ Để cho con cháu mãi sau này”…

NAM GIAO

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/du-lich/202407/co-mot-bao-tang-dong-que-o-viet-nam-66530a2/