Có một Bình Liêu đầy dung dị
Không chỉ hấp dẫn du khách qua các mùa hoa chan hòa rực rỡ, huyện biên giới của tỉnh Quảng Ninh – Bình Liêu còn là chốn dừng chân lôi cuốn bởi nhịp sống hết sức yên bình, dung dị trên từng rẻo cao xa xôi; được bắt gặp tiếng lách cách thoi đưa dệt vải nhẫn nại, bền bỉ của phụ nữ dân tộc Tày, Dao …
Với sự độtt phá về đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn Quảng Ninh, khoảng cách giữa Bình Liêu tới trung tâm thành phố Hạ Long và các huyện, thị thành phố trong tỉnh Quảng Ninh cũng như các tỉnh, thành trong cả nước đã được rút ngắn. Điều kiện thuận lợi này như tạo thêm lực đẩy cho Bình Liêu thu hút du khách đến để được khám phá vùng đất giàu bản sắc văn hóa nơi biên cương của tổ quốc.
Bình Liêu vốn được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan sinh thái tươi đẹp, với những đèo dốc quanh co, những thác nước đổ từ các ngọn núi xuống những dòng suối uốn lượn, có bãi đá thần ở dãy núi Cao Ba Lanh thuộc địa phận xã Đồng Văn; có thác nước Khe Vằn với ba tầng thác đổ từ độ cao hơn 100m và có nhiều địa điểm du lịch có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, tạo sức hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế khác như Sông Moóc, thác Khe Tiền, đình Lục Nà, chợ trung tâm, chợ Đồng Văn, cột Mốc số 1317, Cửa khẩu Hoành Mô.
Trên địa bàn huyện có nhiều dân tộc thiểu số đang sinh sống. Mỗi dân tộc đều có truyền thống và bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình, góp phần hình thành nên nền văn hóa chung rất đa dạng, có nhiều nét độc đáo. Sự đa dạng của truyền thống văn hóa dân gian về cơ bản hiện nay vẫn được bảo tồn và tiếp tục được phát huy giá trị, với các làn điệu hát then của dân tộc Tày; hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ; hát Sán Cố của người Dao Lễ hội Đình Lục Nà (xã Lục Hồn); Lễ hội Hát Tháng Ba của người Sán Chỉ (vào 16/3 âm lịch hàng năm tại xã Húc Động); Lễ hội Ngày Kiêng Gió của người Dao được tổ chức (vào ngày 4/4 hàng năm ở xã Đồng Văn) và nhiều sinh hoạt văn hóa lễ hội khác đã tạo nên nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc huyện Bình Liêu.
Tại Bình Liêu, bên cạnh nghề nông và lâm nghiệp là chính, ngay từ xa xưa, người dân Bình Liêu đã có nghề thủ công truyền thống khá nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm dệt vải bằng khung cửi. Những tấm vải lụa tơ được dệt bởi đôi bàn tay khéo léo của những phụ nữ dân tộc ở huyện Bình Liêu là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc với những đường nét hoa văn tinh tế . Tiêu biểu là phụ nữ người Dao, Tày hiện nay vẫn còn duy trì được nghệ thuật thêu trang phục truyền thống rất độc đáo của dân tộc mình.
Dẫu không đến Bình Liêu đúng vào mùa đẹp nhất miền biên ải khi lau trắng tinh khôi bung nở, nhưng mảnh đất này vẫn đầy quyến luyến khi chúng tôi dừng chân trên từng thôn bản, được ngắm nhìn những cánh đồng lúa vừa qua mùa thu hoạch ngập chìm trong mùi thơm nồng của rơm rạ; bắt gặp người phự nữ Dao, Tày miệt mài dệt vải bên hiên nhà, trong ráng chiều ở xã Lục Hồn, Tình Húc. Khi xuôi về thị trấn, nhưng bóng dáng thong thả, lặng lẽ cùng tiếng lách cách thoi đưa bên khung cửi thô mộc, mòn vẹt cứ ám ảnh chúng tôi, bởi những người phụ nữ giữ lửa nghề truyền thống nay hầu hết mắt đã mờ, bàn tay đã nhăn nheo nhưng họ vẫn nhanh nhẹn, thoăn thoắt kéo sợi với một tình yêu bền bỉ qua năm tháng, trước những đổi thay trên vùng đất Bình Liêu.
Là huyện nằm trong mối quan hệ giao thương gắn bó chặt chẽ với các huyện thị khác trong tỉnh Quảng Ninh như: Đầm Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Ba Chẽ… và các huyện thị giáp biên giới với Trung Quốc như Móng Cái, Hải Hà, nên đã xây dựng kết nối cơ sở hạ tầng và các tuyến giao thông giữa Bình Liêu với các huyện thị này, tạo ra khả năng biến Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn cùng với các Khu kinh tế cửa khẩu khác của tỉnh Quảng Ninh trở thành cửa ngõ giúp cho Trung Quốc có thể dễ dàng tiếp cận xuống các nước trong khối ASEAN và ngược lại các nước trong khối ASEAN cũng có cơ hội mở rộng thị trường, giao lưu trao đổi buôn bán với thị trường Trung Quốc rộng lớn.
Ngày 20/12 tới đây, huyện Bình Liêu chính thức tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập (26/12/1919 – 26/12/2019) và 70 năm Giải phóng huyện Bình Liêu (25/12/1950 – 25/12/2020) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Huyện Bình Liêu còn là nơi tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương không có tiếp giáp với biển của Trung Quốc có thể mở rộng quan hệ sang các vùng biển của Việt Nam. Với cách tiếp cận phát triển mới này, Bình Liêu cùng với Móng Cái, Hải Hà hình thành các đô thị - cửa khẩu đối đẳng với Trung Quốc, tạo thành các điểm kết nối mạnh để trở thành vùng động lực kinh tế lan tỏa cho toàn bộ vùng lân cận.
Trong quá trình phát triển, được coi là là một trong số huyện nghèo nhất của tỉnh Quảng Ninh, nhưng nhờ sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của Trung ương, trực tiếp là của tỉnh Quảng Ninh và với sự nỗ lực cố gắng phấn đấu vươn lên của lãnh đạo và đồng bào các dân tộc huyện Bình Liêu nên kinh tế, xã hội huyện Bình Liêu đã có sự chuyển biến, diện mạo của vùng nông thôn miền núi này đã có sự thay đổi tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 28,83 triệu đồng/năm.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/co-mot-binh-lieu-day-dung-di-129929.html