Có một câu lạc bộ dân ca giữa phố
Trong khi nhiều dòng nhạc mới đang được du nhập và phát triển thì trên gác hai khu tập thể ở phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), thầy và trò Câu lạc bộ Đàn và hát dân ca Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn miệt mài, đam mê và tâm huyết cất cao tiếng hát dân ca truyền thống. Câu lạc bộ được thành lập cách đây 22 năm từ ý tưởng của nhạc sĩ, soạn giả xứ Nghệ - Dân Huyền.
Nhạc sỹ Dân Huyền - “Linh hồn” của câu lạc bộ
Nhắc đến Câu lạc bộ (CLB) Đàn và hát dân ca Đài Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN), đầu tiên phải nhắc đến “linh hồn” của CLB - nhạc sĩ, soạn giả Dân Huyền. Ông là người khởi xướng, thành lập và dìu dắt CLB suốt 22 năm qua.
Còn nhớ cách đây hơn 2 năm, tôi được gặp ông trong Lễ hiến tặng hiện vật ở Bảo tàng Báo chí Việt Nam, khi ấy ông hiến tặng 3 bài báo viết về tấm gương người tốt việc tốt trong Nhà máy ô tô 1-5 trên Báo Thủ đô Hà Nội (nay là Báo HàNôịmới) được Bác Hồ khen. Và tôi đã thực sự ấn tượng về một cụ già gầy gò nhưng rất nhanh nhẹn, tươi cười và hòa nhã.
Sinh ra trong “cái nôi” của dân ca xứ Nghệ, nhạc sĩ Dân Huyền đã sớm yêu thích, say mê với dân ca truyền thống. Lớn lên, ông được chọn vào làm nhạc công đàn vĩ cầm của Đoàn văn công Liên khu 4 dưới sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của Trưởng đoàn, NSND Đào Mộng Long, vì thế mà ông càng trưởng thành hơn trong âm nhạc.
Một may mắn nữa, là ông được làm việc tại Đài TNVN từ những năm 60, khi ấy Đài quy tụ được rất nhiều các nhạc sĩ tên tuổi và có thể nói địa chỉ số 58 Quán Sứ (trụ sở Đài) là một Hội Nhạc sĩ Việt Nam thu nhỏ.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông luôn xoay quanh những chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước, con người Việt Nam từ mọi vùng miền Tổ quốc và đặc biệt các ca khúc ấy gần như đều được ông “khoác” trên mình chất liệu dân ca truyền thống tiêu biểu như: “Lắng tiếng quê hương” - ca khúc đầu tiên viết về Đài TNVN, “Bên lăng Bác Hồ” - ca khúc đầu tiên viết về lăng Bác, “Anh sẽ đưa em bay vào vũ trụ” - ca khúc đầu tiên viết về chuyến bay của Viktor Vassilyevich Gorbatko và Phạm Tuân vào vũ trụ…
Là người sống xa quê nên lúc nào ông cũng đau đáu nỗi nhớ quê da diết, thể hiện qua những ca khúc “Hỏi người có nhớ quê chăng”, “Quê hương chín nhớ mười mong”, “Câu nhớ gửi người thương”, “Từ ngõ nhà ta”…
Ngoài ra, ông đã đặt lời mới cho hàng trăm tiết mục thuộc nhiều thể loại như “Duyên quan họ” - dân ca quan họ Bắc Ninh, “Hạt giống đỏ nẩy mầm xuân” - ca vọng cổ, “Giọng hò quê ta” - ca Huế, “Nông Cống lạ mà quen”, “Hoa thông tin”- hát chèo, “Vui cùng Hoằng Hóa quê ta”, “Cô gái Thành Nam và tiếng hát chầu văn”- hát văn…
Với trách nhiệm của người con xứ Nghệ, nhạc sĩ Dân Huyền đã có công lớn trong việc đưa dân ca Nghệ Tĩnh về phát sóng trên Đài TNVN. Và với sức lan tỏa mạnh mẽ, dân ca ví giặm của Nghệ Tĩnh gần đây đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ngoài ra, ông còn làm thơ rất hay cho nên các bài soạn lời mới của ông đều giàu chất thơ, đặc biệt là rất vần. Ông là người có quan điểm rất thẳng thắn về vần điệu trong thơ nói chung và trong bài soạn lời mới cho dân ca nói riêng. Nhưng ông vẫn luôn khiêm tốn nói lên quan điểm của mình về thơ rằng: “Làm thơ mà chẳng có vần/ Văn xuôi cũng được cóc cần là thơ”.
Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Phan - người miệt mài chở đò
Đồng hành cùng nhạc sĩ Dân Huyền trong CLB suốt từ buổi đầu không thể không nhắc đến cố nhạc sĩ - NSƯT Ngọc Phan. Tiếc rằng, khi CLB đang gấp rút chuẩn bị tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập thì ông đột ngột qua đời. Tôi vẫn nhớ một lần đến thăm CLB, nơi ông làm Phó chủ nhiệm hồi đầu năm 2017.
Hôm ấy, trong tiếng hát tha thiết cùng tiếng nói cười râm ran, tôi để ý ở góc xa sân khấu có một người đàn ông đứng tuổi trầm ngâm, lặng lẽ và sau mỗi tiết mục ông đều có những góp ý xác đáng, chân tình.
Nhạc sĩ Dân Huyền nói với tôi: “Đó là nhạc sĩ, NSƯT Ngọc Phan, cây sáo trúc gạo cội và điêu luyện của nước nhà. Ông ấy vinh dự là 1 trong 10 nghệ sĩ của ngành phát thanh và truyền hình được phong danh hiệu NSƯT đợt đầu tiên (năm 1984)”. Nói rồi nhạc sĩ Dân Huyền dẫn tôi tiến gần chỗ Ngọc Phan đứng và không quên dặn: “Kho tài liệu sống về âm nhạc dân gian để cậu khai thác mà viết báo đó!”.
Tôi đến bên ông, nhìn kĩ khuôn mặt đã hằn sâu những vết chân chim nhưng vô cùng hiền hậu, đặc biệt ở nụ cười dễ mến. Điều mà tôi ấn tượng nhất là khi ấy đã ở tuổi 79 nhưng ông vấn rất “sành” công nghệ.
Hằng ngày ông vẫn trao đổi thông tin qua Facebook, Gmail và soạn nhạc, phối khí trên máy tính. Nhưng có điều mà tôi tiếc mãi đó là ông có hẹn đến dịp 20-11 sẽ chia sẻ câu chuyện về một Ngọc Phan chở bao “chuyến đò” sang sông, thế nhưng tôi đã mãi mãi không thực hiện được điều đó.
Ngoài biểu diễn sáo trúc, người nghệ sĩ đất Cảng Ngọc Phan còn sáng tác nhiều tác phẩm khí nhạc mang âm hưởng dân ca và “Nhớ về Nam” là một tác phẩm tiêu biểu như thế. Đây là tác phẩm khí nhạc được ông phát triển theo bài “Lý hoài Nam” của dân ca Trị Thiên. Nó đã kế thừa được nét hồn nhiên da diết của dòng nhạc dân gian trong bài lý ấy nhưng hơn hết là sự sáng tạo tinh tế của kỹ thuật âm nhạc hiện đại.
Địa chỉ đỏ về dân ca
Nhớ về sự ra đời của CLB, nhạc sĩ Dân Huyền cho biết: “Cơ duyên là vào thập niên 90, khi ấy tôi đang là Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền Đài TNVN, liên tục nhận nhiều thư của thính giả cả nước gửi về cho Phòng với đề nghị được nghe lại những bài hát mà họ yêu thích. Bên cạnh những lá thư động viên là yêu cầu muốn được trực tiếp các nghệ sĩ giảng dạy trên lớp. Được sự ủng hộ của lãnh đạo Đài, sáng ngày 5-7-1997, khu vực 58 Quán Sứ tấp nập đông vui đủ mọi lứa tuổi và thành phần đến dự. Hội trường tầng 3, Đài TNVN kín khán giả đang vỗ tay nồng nhiệt”.
Thế nhưng do nền cơ chế thị trường mà đến năm 1998 cả 3 CLB: Bạn yêu nhạc, Người hâm mộ sân khấu, Đàn và hát dân ca Đài TNVN không còn được trợ cấp.
Trong khi 2 CLB khác đã vắng bóng từ lâu thì CLB Đàn và hát dân ca vẫn cố gắng bám trụ với nguyên tắc: Tự nguyện, tự giác và tự trang trải. Nhạc sĩ Dân Huyền cho biết khi mới thành lập, ông và các thành viên trong Ban Chủ nhiêm như những người làm nghề kiến trúc xây dựng, tức là vừa thiết kế lại vừa thi công.
Ông nói bí quyết để tồn tại của một CLB đã hơn 20 năm qua là lòng thương yêu, vì nhau và cùng nhau vun đắp, dựng xây. Trong dân ca không chỉ có một yêu, một nhớ, một thương mà còn đủ cả mười yêu, mười nhớ, mười thương.
Lúc sinh thời, nhạc sĩ, NSƯT Ngọc Phan chia sẻ: “Mặc dù hát những bài cổ truyền nhưng chúng tôi luôn có cách tân sao cho phù hợp với thời đại. Trước đây các làn điệu chèo cổ hát rất chậm còn bây giờ chúng tôi dạy hát theo nhịp điệu nhanh. Việc thay thế nhạc dạo hơi bằng một đoạn nhạc sáng tác mới để gợi hơi và nhạc lưu không cho diễn viên nghỉ giữa bài hát là một cách làm sáng tạo. Người nghe đã quen thì không thể theo hát mãi mà phải phối cho dàn nhạc, cao hơn nữa là thay đổi vài chỗ trong giai điệu bài hát cho đỡ nhàm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có sự tiếp nhận và sàng lọc những gì tinh túy của âm nhạc thế giới để hướng dẫn cho các học viên”.
Hoạt động suốt 22 năm, họ đã tập hát và biểu diễn hơn 300 bài hát dân ca như: chèo, cải lương, ca Huế, hát văn... Hiện nay, CLB có khoảng gần 100 học viên sinh hoạt. Họ vẫn giữ nếp sinh hoạt dạy hát vào 4 buổi sáng chủ nhật trong tháng và dành một buổi để “Hát cho nhau nghe”. Nhằm tăng hiệu quả, lớp học đã in sản phẩm sách “Bài hát dân ca quen thuộc”, băng, đĩa chứa bài hát mẫu của các nghệ sĩ nổi tiếng và những bản nhạc không lời để các hội viên về nhà nghe lại rồi tập hát theo.
Họa sĩ Hoàng Thúy Liệu (nguyên cán bộ thiết kế tem của Công ty Tem Việt Nam) - người đã theo học CLB nhiều năm, cho biết buổi đầu chị hăng say tập luyện các làn điệu dân ca và nhạc cổ truyền để cho đến nay chị đã hát được nhiều thể loại như: cải lương, chèo, xẩm, chầu văn, quan họ… và một chút ca trù.
Giấc mơ thuở thiếu thời viết sách về mẹ chưa thực hiện nhưng với tình yêu vô bờ bến với bậc sinh thành, đặc biệt là người mẹ đã được chị gửi gắm trong một số bài thơ, bài hát theo làn điệu dân ca nhạc cổ. Sau nhiều năm tích lũy kiến thức, rèn luyện giọng hát, năm 2013, chị đã thu thanh hai album: “Tiếng hát cửa thiền 1” và “Vu lan 1” để phát hơn 200 đĩa cho nhà chùa.
Anh trai của ca sĩ Bằng Kiều, bác sĩ Bằng Giang (Bệnh viện Nhi Trung ương) vốn không theo truyền thống gia đình nhưng lại rất đam mê hát. Anh cho biết đến với lớp học được thư giãn, giải trí và cũng là cách để tăng thêm sức khỏe.
Anh kể về một kỷ niệm: “Những đêm trực ở viện có cháu khóc nhiều quá, tôi bế và dỗ cháu bằng các làn điệu dân ca, các cháu nín khóc ngay. Bố mẹ các cháu mới bảo sao bác sĩ lại có thể hát ru hay như vậy”.
Từ những kiến thức học được, nhiều học viên không chỉ tự khẳng định mình về khả năng văn nghệ mà còn trở thành những “hạt nhân”, những người nòng cốt trong hoạt động văn nghệ ở các phường, xã… góp phần tạo nên một phong trào hát dân ca ở địa phương như học viên Phạm Như Kim Yến nay là Chủ nhiệm CLB Thái Thịnh.
Qua đây, Phòng Dân ca và nhạc cổ truyền cũng phát hiện thêm nhân tố mới không chuyên như học viên Kim Yến, Ngọc Phượng sau thành người sáng tác và cộng tác thường xuyên cho Đài.
Cũng không ít học viên sau trở thành sinh viên các trường nghệ thuật trên địa bàn thủ đô. Trường hợp em Nguyễn Anh Thúy (quê Đông Anh, Hà Nội) đến CLB lúc 7 tuổi, ông nội phải đưa đến học. Đường xa nhưng hai ông cháu kiên trì đến lớp, lúc đi xe bus, lúc thì ông đèo cháu bằng xe đạp bất kể đông hay hè.
Thúy vừa học hát vừa học đàn những bài dân ca quan họ.... Nay em đã là một sinh viên xuất sắc của lớp Đàn tranh, khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Em đã nhiều lần trong đội biểu diễn đàn tranh trong dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp khách nước ngoài. Đặc biệt, năm 2018, Thúy đã giành giải Ba cuộc thi “Ngôi sao dân ca” và giải Nhất thành phố Hà Nội trong cuộc thi “Giai điệu tuổi hồng”.
Do trong chương trình bắt buộc môn dân ca và chèo mà ở lớp ít có thời gian được rèn luyện nên các sinh viên chuyên ngành Sáo trúc, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội phải đến CLB học.
Giờ nhiều người đã trưởng thành trong sự nghiệp, trong đó có thể kể đến diễn viên Nguyễn Xuân Chung (Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương), cô giáo Nguyễn Thị Trang (giảng viên lớp Sáo trúc, khoa Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội).
Thấm thoát đã 22 năm trôi qua, giữa lo toan, bộn bề của cuộc sống mưu sinh, CLB vẫn được duy trì, phát triển và là địa chỉ tin cậy để các học viên có thể đến gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kiến thức âm nhạc truyền thống.