Có một con đường và ngôi trường mang tên chiến sĩ cách mạng Đặng Công Bỉnh

Ở thành phố mang tên Bác, có một con đường và ngôi trường mang tên Đặng Công Bỉnh. Đó là những địa điểm ghi tên Liệt sĩ Đặng Công Bỉnh, người hy sinh trong trận Khởi nghĩa Nam Kỳ cách đây gần một thế kỷ. Thời gian đã trôi qua 83 năm, nhưng con đường ấy, ngôi trường ấy vẫn viết tiếp câu chuyện về ông.

Chuyện về người chiến sĩ yêu nước khiến quân thù khiếp sợ

Vào những ngày tháng 7 lịch sử, khi cả nước hướng đến ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 để tưởng nhớ công ơn của những người anh hùng đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc, chúng tôi được gặp ông Đặng Văn Út, con trai của Liệt sĩ Đặng Công Bỉnh và nghe kể câu chuyện xúc động về một người cộng sản được nể phục.

Ông Đặng Văn Út con trai út của Liệt sĩ Đặng Công Bỉnh (thứ 2 từ phải sang) và bạn bè tại gia đình (Ảnh: Nguyễn Vương Kiếm Thao)

Ông Đặng Văn Út con trai út của Liệt sĩ Đặng Công Bỉnh (thứ 2 từ phải sang) và bạn bè tại gia đình (Ảnh: Nguyễn Vương Kiếm Thao)

Ông Đặng Văn Út năm nay đã 91 tuổi (hiện đang sống tại Hóc Môn) nhưng vẫn còn minh mẫn, xúc động kể lại: "Lúc cha tôi bị địch tử hình tại trường bắn rạp hát Hóc Môn, tôi mới lên 9 tuổi. Mẹ tôi đau khổ đến mức không dám đến tiễn đưa cha khi ông bị xử bắn, thậm chí bà không ra khỏi nhà, chỉ ngồi khóc.

Tôi chứng kiến trước khi bị bắn, cha tôi vẫn hô to: Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Cách mạng vô sản thành công muôn năm!". Không gì đau xót hơn khi nhìn cha mình đứng đó. Cái chết hiên ngang của cha đã ghi đậm dấu ấn trong tôi. Để sau này tôi và các anh, chị của mình đều là những người đứng trong quân ngũ, bảo vệ Tổ quốc, đánh đuổi quân thù".

Ông Đặng Công Bỉnh sinh năm 1907, quê làng Tân Phú, quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay thuộc xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh). Sinh thời, Liệt sĩ Đặng Công Bỉnh sinh được 4 người con, trong đó cô con gái đầu là liệt sĩ hy sinh năm 1962 và 2 người con trai sau đều tham gia bộ đội chống thực dân Pháp và năm 1954 tập kết ra Bắc tiếp tục kháng chiến chống Mỹ đến ngày độc lập giải phóng đất nước.

Xuất thân trong một gia đình nông dân, người thanh niên Đặng Công Bỉnh đã có ý thức cách mạng từ rất sớm. Sống và chiến đấu với lý tưởng đánh đuổi thực dân, giải phóng đất nước, ông tham gia quân khởi nghĩa năm 1937 và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939.

Bảng tóm tắt tiểu sử Liệt sĩ Đặng Công Bỉnh đặt trong trường THCS Đặng Công Bỉnh hiện nay (Ảnh: Nguyễn Vương Kiếm Thao)

Bảng tóm tắt tiểu sử Liệt sĩ Đặng Công Bỉnh đặt trong trường THCS Đặng Công Bỉnh hiện nay (Ảnh: Nguyễn Vương Kiếm Thao)

Trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đêm ngày 22 rạng sáng ngày 23/11/1940, Đảng bộ Hóc Môn đã có kế hoạch khởi nghĩa và sự chỉ đạo chuẩn bị về tổ chức rất chặt chẽ. Trước cuộc khởi nghĩa, Ủy ban khởi nghĩa Quận Hóc Môn được thành lập dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Phạm Văn Sáng - Bí thư Quận ủy, Đảng bộ Hóc Môn đã huy động được một lực lượng lớn quần chúng tham gia khởi nghĩa cùng với lực lượng nghĩa quân do đồng chí Đặng Công Bỉnh (Tổng chỉ huy các cánh quân, trực tiếp chỉ huy cánh quân mũi nhọn Tổng Long Tuy Hạ) bất ngờ tấn công vào Dinh Quận Hóc Môn và làm chủ tình hình đến gần 5 giờ sáng.

Trong chiến đấu, những chiến sĩ cộng sản đã thể hiện được ý chí tiến công liên tục, lòng dũng cảm quên mình, không quản ngại sự nguy hiểm, hy sinh. Tuy nhiên, sau đó, quân khởi nghĩa phải rút lui vì thực dân Pháp đưa quân chi viện từ Thủ Dầu Một và Gia Định lên giải vây. Sau đó, địch mở nhiều cuộc càn quét khốc liệt, tàn sát cả ấp Bến Đò, Tân Phú Trung (huyện Củ Chi ngày nay).

Sau cuộc khởi nghĩa thất bại, trên đường từ Truông Mít về ấp Xóm Mới, làng Trung Lập (Củ Chi), đồng chí Đặng Công Bỉnh bị chỉ điểm phát hiện. Bắt được ông, địch đã dùng nhiều thủ đoạn để dụ dỗ, khai thác và tra tấn dã man. Trước mặt quân thù, bằng lời lẽ đanh thép, ông hiên ngang nói lên khí phách của người dân bị trị.

Thực dân Pháp dựng lên 3 trường bắn tại Hóc Môn để xử tử những người tham gia khởi nghĩa. Tại trường bắn gần chợ Hóc Môn, chúng xử bắn đồng chí Phạm Văn Sáng, Đặng Công Bỉnh cùng 2 chiến sĩ. Cuộc khởi nghĩa chưa thành công nhưng từ đó, từ vùng đất thiêng này, đã dấy lên phong trào đấu tranh khắp nơi, hun đúc tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân.

Được biết, hiện nay các con, cháu của Liệt sĩ Đặng Công Bỉnh đều là những người thành công trong học tập và có sự nghiệp vững vàng trong thời bình.

Ghi dấu trang sử cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ

Thế hệ ngày hôm nay tự hào là người con được sinh ra trên quê hương Hóc Môn - 18 thôn vườn trầu, quê hương anh hùng, để rồi biến quyết tâm thành hành động, biến lời hứa thành việc làm thực tế, phấn đấu để xứng đáng với sự tin yêu, kỳ vọng của các thế hệ đi trước, để hình ảnh ngọn lửa Nam Kỳ năm 1940 luôn rực sáng.

Con đường mang tên Liệt sĩ Đặng Công Bỉnh (xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TPHCM). Ảnh: Nguyễn Vương Kiếm Thao

Con đường mang tên Liệt sĩ Đặng Công Bỉnh (xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TPHCM). Ảnh: Nguyễn Vương Kiếm Thao

Để tưởng nhớ công ơn của người chiến sĩ đã hy sinh anh dũng trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ấy, TP.HCM đã đặt con đường mang tên Đặng Công Bỉnh tại xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TPHCM.

Năm 1996, Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn đã ra quyết định đặt tên một ngôi trường mang tên ông - Trường THCS Đặng Công Bỉnh. Để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn do tăng dân số cơ học từ các địa phương khác chuyển đến, năm học 2016, Ủy ban Nhân dân huyện Hóc Môn đã xây dựng Trường THCS Đặng Công Bỉnh mới tại địa chỉ số 78 đường Bùi Công Trừng, ấp 3, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP.HCM với diện tích 10.852m2.

Thầy và trò học sinh THCS Đặng Công Bỉnh luôn mang ghi nhớ công ơn người anh hùng, Liệt sĩ Đặng Công Bỉnh (Ảnh: Nguyễn Vương Kiếm Thao)

Thầy và trò học sinh THCS Đặng Công Bỉnh luôn mang ghi nhớ công ơn người anh hùng, Liệt sĩ Đặng Công Bỉnh (Ảnh: Nguyễn Vương Kiếm Thao)

Ngôi trường trở thành môi trường học tập nề nếp, kỷ cương, có chất lượng giáo dục để mỗi học sinh đều có cơ hội, điều kiện phát triển năng lực và tư duy sáng tạo. Sứ mệnh của nhà trường là giáo dục và rèn luyện học sinh phát triển toàn diện về "Đức - Trí - Thể - Mĩ", có tinh thần trách nhiệm, có ý thức tự học, tự rèn, có kĩ năng sống tốt.

Ngôi trường mang tên Liệt sĩ Đặng Công Bính là nơi học tập và noi gương của hàng chục nghìn học sinh trong suốt gần 30 năm qua, mà mỗi năm, vào những dịp lễ, nhà trường cùng các em học sinh lại tưởng nhớ đến những người chiến sĩ dũng cảm đã hy sinh để giành độc lập cho đất nước.

Tuấn Kiệt

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/co-mot-con-duong-va-ngoi-truong-mang-ten-chien-si-cach-mang-dang-cong-binh-172230718105600279.htm