Có một 'cuộc chiến' bên lềTin khácĐảm bảo an toàn tại các cơ sở lưu trúĐảm bảo an toàn cho học sinh trở lại trường học

Khi một cuộc xung đột xảy ra, việc các bên liên quan đưa ra những động thái mang tính 'dền dứ', tung hỏa mù, cảnh báo, thậm chí răn đe, hăm dọa đối phương… là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Song dư luận cần tỉnh táo và thận trọng để không bị truyền thông 'dắt mũi'.Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 21-1-2022. Ảnh: AP

Cụ thể ở đây là chiến tranh thông tin bên lề cuộc xung đột Nga-Ukraine do Mỹ và phương Tây dẫn dắt. Gọi là “cuộc chiến”, bởi dường như truyền thông phương Tây- dưới sự dẫn dắt của các thế lực chính trị-đang ồ ạt tấn công nước Nga trên mặt trận thông tin. Nào là “Nga có thể tấn công Ukraine vào bất cứ thời điểm nào”, nào là “Nga chắc chắn sẽ xâm lược Ukraine trong những ngày tới”…

Những bản tin này dẫn lời các quan chức cấp cao của Mỹ và phương Tây, được cho là dựa trên các nguồn tin tình báo tin cậy, song không đưa ra được bằng chứng cụ thể nào. Rồi lệnh sơ tán nhân viên ngoại giao và công dân tại Ukraine, thông tin về việc điều binh sĩ và vũ khí tới Ukraine và các nước Đông Âu, rằng Nga sẽ chịu hậu quả thảm khốc nếu tấn công Ukraine…

Tất cả nhằm mục đích tạo nên một trường thông tin hỗn loạn, bất lợi cho Nga, khiến Moscow không thể biện minh cho cuộc chiến, từ đó hủy hoại uy tín của Nga trên trường quốc tế, còn phương Tây thì có cớ tập hợp sự ủng hộ mạnh mẽ để chống lại nước Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng các quan chức cấp cao, từ Ngoại trưởng đến Bộ trưởng Quốc phòng đã nhiều lần khẳng định Moscow không có ý định tấn công Ukraine, và Nga có quyền phòng vệ chính đáng trước nguy cơ bị đe dọa toàn vẹn lãnh thổ. Song, dường như tuyên bố của người đứng đầu nước Nga không được dư luận chú ý, bởi nó đã bị làn sóng thông tin từ các “cỗ máy truyền thông” khổng lồ của Mỹ và phương Tây đè bẹp.

Chính Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng lên tiếng chỉ trích Mỹ gieo rắc hoảng loạn bằng những thông tin không có chứng cứ xác thực. Hậu quả Ukraine là bên đầu tiên gánh chịu thiệt hại từ các tin tức “hỏa mù” của Mỹ khi nhiều nhà đầu tư rút khỏi nước này, các hãng hàng không hủy chuyến bay thương mại tới Ukraine…

Còn nhớ, trước chiến tranh Iraq năm 2003, chính quyền Tổng thống Mỹ George W.Bush khi đó từng liên tiếp tung ra nhiều thông tin tố cáo Iraq sở hữu kho vũ khí hủy diệt hàng loạt. Những thông tin đó sau này được chứng minh là ngụy tạo, là cái cớ để Mỹ phát động cuộc chiến lật đổ Tổng thống Iraq Saddam Hussein. Tháng 9-2021, tướng Frank McKenzie, người đứng đầu Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ thừa nhận Mỹ đã thực hiện một cuộc không kích nhầm tại thủ đô Kabul, khiến 10 thường dân Afghanistan thiệt mạng mà trước đó thông tin tình báo Mỹ cáo buộc đó là những phần tử IS.

Trong một phiên tòa xét xử, người “cầm cân nảy mực” cần tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội, bởi lẽ nó liên quan đến số phận và tính mạng con người. Tương tự, mỗi cuộc xung đột xảy ra liên quan đến số phận và tính mạng của triệu triệu con người, thậm chí đến vận mệnh của một quốc gia, một dân tộc, đâu phải cơn cớ có thể tùy tiện ngụy tạo.

Căng thẳng biên giới Nga-Ukraine là có thật, song những thông tin, cách dùng từ trong các bản tin mang đầy tính cáo buộc và kích động thù hận (Nga “xâm lược”, “tấn công” Ukraine…) không gì khác là nhằm tạo dựng một hình ảnh tiêu cực về nước Nga.

Đầu năm 2022, trong các cuộc biểu tình bạo loạn ở Kazakhstan, khi đích thân Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đề nghị lực lượng Gìn giữ hòa bình của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu tới giúp nước này ổn định tình hình, thì Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã mỉa mai: “Một bài học lịch sử gần đây là một khi người Nga ở trong nhà của bạn, đôi khi rất khó để khiến họ rời đi”.

Vậy thực tế ra sao? Chỉ sau hai tuần, khi tình hình Kazakhstan đã ổn định, CSTO đã hoàn toàn rút khỏi lãnh thổ Kazakhstan. Song lúc ấy, chẳng quan chức Mỹ và phương Tây nào lên tiếng phân bua. Dù họ biết mỗi phát ngôn của họ đều phải rất thận trọng, bởi đó không chỉ là uy tín cá nhân mà còn là uy tín quốc gia mà họ đại diện.

Hôm 15-2, các hãng tin phương Tây đồng loạt đưa tin: Mỹ tung bằng chứng cho thấy Nga có thể “xâm lược” Ukraine vào ngày 16-2. Bất ngờ thay, ngay trong ngày 15-2, Nga tuyên bố bắt đầu rút bớt quân về các căn cứ quân sự-như một điều đương nhiên sau khi binh sĩ Nga hoàn thành cuộc tập trận trước đó. Cú “phản công” bất ngờ của Nga khiến truyền thông phương Tây được phen bối rối, song rất nhanh, một số quan chức Mỹ và phương Tây tỏ ra không tin và lớn tiếng yêu cầu phía Nga phải tung ra bằng chứng cho việc rút quân.

“Ngày 15-2 sẽ đi vào lịch sử là ngày cỗ máy tuyên truyền chiến tranh của phương Tây thất bại… Họ đã bị làm bẽ mặt và thảm bại mà không cần một phát súng nào”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố trên mạng xã hội, sau khi Bộ Quốc phòng Nga công bố các hình ảnh về cuộc rút quân.

Thật nực cười là khi Nga điều động quân sát biên giới thì báo chí phương Tây rầm rập đăng tải hình ảnh binh lính và xe tăng Nga di chuyển (ảnh vệ tinh), nhưng khi Nga rút quân thì phương Tây không hề nắm được. Không hiểu những nguồn tin tình báo, các thiết bị vệ tinh trinh sát, do thám của họ đâu cả rồi? Rõ ràng, họ chỉ nhăm nhăm để ý và suy diễn cái họ muốn. Rồi đây, dư luận đã có được bài học cần thận trọng và biết hoài nghi trước bất cứ chiến dịch truyền thông nào của phương Tây nhằm triệt hạ đối phương.

Đối với Việt Nam, trải qua nhiều cuộc chiến tranh giữ nước trong lịch sử, hơn ai hết, dân tộc Việt Nam ý thức được giá trị của hòa bình. Chúng ta không cổ xúy cho bất cứ cuộc chiến nào. Trong đường lối đối ngoại mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra, Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa; “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Chúng ta muốn xây dựng mối quan hệ đối tác với bạn bè khắp thế giới. Xét trong bối cảnh cuộc đua tin tức trong kỷ nguyên công nghệ số, chúng ta cần bắt nhịp với thế giới, song cũng cần tỉnh táo và thận trọng trước mỗi thông tin được đăng tải.

Theo Quandoinhandan

NGỌC HIẾU

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/482395-co-mot-cuoc-chien-ben-le.html