Có một di tích như thế ở Cam Lộ

Dự xong các lễ trọng của dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Quảng Trị được giải phóng (1/5/1972-1/5/2022), nhà báo Trương Đức Minh Tứ - Tổng Biên tập Báo Quảng Trị mời chúng tôi đi Cam Lộ thăm Di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN). Với những người viết báo, đây là dịp may…

Trưa cuối tháng tư, Cam Lộ nắng gắt. Giờ này di tích đã vãn khách. Do anh Tứ điện trước nên Hoàng Phước Lâm - Trưởng ban đã chờ sẵn và trực tiếp giới thiệu, làm việc với chúng tôi, anh cho biết:

"Khu Trụ sở CPCMLTCHMNVN nằm trên tuyến lửa thời chống Mỹ nay trở thành di tích cách mạng và văn hóa hết sức quý giá của lịch sử Cam Lộ; Là một vùng đất phải gánh chịu nhiều mất mát, đau thương đã đi vào lịch sử như những mốc son chói lọi. Những tên sông, tên núi, tên người Cam Lộ đã đi vào lịch sử. Bảo tồn và phát huy tốt nhất giá trị di tích cũng là cách chúng tôi góp sức để Cam Lộ và Quảng Trị tiến bước đến tương lai tươi đẹp".

***

Ngược dòng lịch sử chúng ta cùng nhớ lại: Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, mở ra tiến trình lập lại hòa bình ở Việt Nam. Với âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, đế quốc Mỹ đã liên tục đưa ra những thủ đoạn và chính sách để phá hoại hiệp định... Ngày 20/12/1960, tại xã Tân Lập huyện Châu Thành tỉnh Tây Ninh, đại biểu các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, các lực lượng yêu nước... đã thống nhất thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGP).

Suốt từ năm 1961 đến năm 1969, MTDTGP đã lãnh đạo nhân dân miền Nam đấu tranh giành nhiều thắng lợi trên các mặt trận. Ở Quảng Trị, phong trào đồng khởi nổ ra mạnh mẽ vào những năm 1963-1964. Các phong trào trong nước phát triển mạnh mẽ thu hút sự đồng tình ủng hộ của đông đảo các lực lượng yêu chuộng tự do, công lý trên thế giới, gây nên làn sóng đấu tranh đòi quân xâm lược Mỹ chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.

Quá trình xây dựng Trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN được diễn ra tại huyện Cam Lộ năm 1973 mà chúng tôi tìm hiểu tại di tích tóm tắt như sau: Sau ngày 1/5/1972, tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Vùng đất này đã liên thông với Khu căn cứ cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế và vùng giải phóng hạ Lào rộng lớn, đặc biệt tiếp giáp với miền Bắc. Vì vậy, Quảng Trị trở thành vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, quân sự, ngoại giao...

Chính phủ CMLTCHMNVN được thành lập để đáp ứng các yêu cầu mới, nhất là sau khi Hiệp định Pari được ký kết (27/1/1973). Để tạo ra một trung tâm đầu não của cách mạng miền Nam, thực hiện thuận lợi các hoạt động ngoại giao và tiếp tục lãnh đạo cách mạng tiến tới thắng lợi hoàn toàn, vùng đất thuộc thôn Tây Hòa (nay thuộc thị trấn Cam Lộ), huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng trị được chọn làm nơi đặt trụ sở làm việc.

Cán bộ Di tích Hoàng Phước Lâm giới thiệu với Đoàn.

Với quyết tâm cao nhất để công trình hoàn thành đúng dịp kỷ niệm lần thứ tư ngày thành lập Chính phủ CMLTCHMNVN (6/6/1969 - 6/6/1973), đầu năm 1973, những chuyến tàu đầu tiên cập cảng Đông Hà mang theo vật liệu xây dựng từ miền Bắc vào. Sau 25 ngày đêm công trình đã hoàn tất và đưa vào sử dụng. Trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN được xây dựng trên diện tích 17.300m2 được chia làm 2 khu độc lập: Khu A và Khu B. Khu A gồm 3 dãy nhà: Nhà làm việc của Chính phủ, nhà làm việc của Bộ Ngoại giao, nhà ăn dành riêng cho khu A. Khu B gồm 5 dãy nhà: Hai nhà khách làm nơi lưu trú của các đại sứ, 3 dãy nhà còn lại là nơi làm việc, ăn nghỉ của các thành viên đi theo đại sứ các nước, phóng viên báo chí, các nhân viên cán bộ của Chính phủ.

Sau năm 1975, khi Chính phủ CMLTCHMNVN kết thúc vai trò lịch sử của mình thì toàn bộ khu trụ sở được chuyển giao cho cơ quan dân sự quản lý. Với giá trị to lớn của di tích, từ năm 2007-2009, di tích được đầu tư tôn tạo nhiều hạng mục quan trọng để bảo tồn giá trị, trong đó có Nhà bia di tích và các công trình phụ trợ khác. Chính phủ CMLTCHMNVN ra đời là một sự kiện hết sức quan trọng của cách mạng; những chiến lược, sách lược đúng đắn sáng tạo đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết để giành thắng lợi trọn vẹn.

***

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Bác Hồ kính yêu đã dành thời gian làm việc và thăm hỏi, gặp gỡ động viên các thành viên trong Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Chủ tịch Hồ chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi điện chúc mừng... Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ cách mạng, trong thời gian này cùng với quân sự, phong trào đấu tranh chính trị diễn ra mạnh mẽ trên toàn miền Nam.

Sau khu hoàn thành trụ sở ngày 6/6/1973, tại đây đã tổ chức lễ mit tinh nhân kỷ niệm 4 năm ngày thành lập Chính phủ CMLTCHMNVN và khánh thành trụ sở làm việc mới tại Cam Lộ. Việc xây dựng tại Cam Lộ năm 1973 là chủ trương đúng đắn, thích hợp, đáp ứng nhiệm vụ cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới; đưa Chính phủ ra hoạt động công khai tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đối nội, đối ngoại.

Ngay sau khi khánh thành, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã đi thăm hỏi và tặng quà đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Pa Cô ở Hướng Hóa, động viên các đơn vị lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn của tỉnh: thăm Bộ đội Công binh 559, Bộ đội Phòng không, Bộ đội Kinh tế Trường Sơn...

Cuối năm 1973, Chính phủ ra sắc lệnh khen thưởng nhân dân và cán bộ có công với Cách mạng: Huân chương chống Mỹ cứu nước và Huân chương Quyết thắng đã làm nức lòng nhân dân vùng giải phóng cũng như vùng địch hậu.

Về mặt ngoại giao, Chính phủ ra đời tạo nên một tiếng nói chung trên thế giới. Tại Cam Lộ, Chính phủ đã tiếp hàng chục đoàn Đại sứ các nước như: Liên Xô, Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên, Mông Cổ, Rumani, Ghinee, Ba Lan, Xiri, Uganđa, Burunđi, Irắc, Yenmen, Angiêri, CHDC Đức, Hungari, tổ chức giải phóng Palestine, đoàn Vương quốc đoàn kết dân tộc Campuchia, Mặt trận Lào... Trong suốt hơn ba năm đóng tại Cam Lộ, Chính phủ CMLTCHMNVN đã đón hơn 40 nước đến đặt quan hệ ngoại giao… Khu di tích cho đến nay đã tái hiện chân thật và đầy đủ những gì đã có. Việc trưng bày có hệ thống hiện vật, tư liệu, hình ảnh đã giúp cho khách tham quan nhanh chóng hiểu được giá trị của một thời chống Mỹ…

Bia di tích mới xây dựng trong đợt trùng tu, tôn tạo năm 2009 là điểm nhấn quan trọng và hấp dẫn tại đây. Đây là một công trình có ý nghĩa tôn vinh Chính phủ CMLTCHMNVN với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp lãnh đạo nhân dân miền Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thống nhất nước nhà. Thân bia nguyên khối được gia công từ đá Granic tự nhiên, có chiều cao 4,5m, rộng 3m, dày 0,9m, nặng 27 tấn. Đây là một trong những khối bia đá lớn nhất đang được dựng trong các di tích ở nước ta. Trên đỉnh thân bia là lá cờ MTDTGPMNVN, bên dưới được trang trí hình sóng nước theo mô-tuýp thời Lý và đó cũng là biểu tượng của làn sóng đấu tranh mãnh liệt vì độc lập, tự do, vì khát vọng hòa bình, thống nhất Tổ quốc của nhân dân miền Nam. Nội dung văn bia nói về Chính phủ CNLTCHMNVN do đồng chí Nguyễn Thị Bình- nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ CMLTCHMNVN, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đề tặng…

Trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN cùng với địa danh Ái Tử - điểm dừng chân cho hành trình mở cõi vào đất phương Nam từ năm 1558 của Nguyễn Hoàng và thành Tân Sở là kinh đô kháng chiến của vua Hàm Nghi cuối thế kỷ XIX tại đất Cam Lộ đã ghi vào lịch sử dấu ấn của một vùng đất đã từng 3 lần đặt thủ đô lâm thời của người Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Anh Hoàng Phước Lâm bày tỏ những khó khăn hiện nay, đó là: Với một di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia có diện tích hơn 1,7ha nhưng chỉ bố trí có 02 người trực. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; Công tác tuyên truyền, quảng bá về di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng còn chưa tương xứng với tầm vóc và giá trị của di tích…

Hữu Minh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/co-mot-di-tich-nhu-the-o-cam-lo-post192574.html