Có một Hạ Long của miền núi Tây Bắc
Mỗi độ xuân về, khi cái lạnh se sắt nhường chỗ cho những tia nắng đầu tiên, thung lũng Thung Nai (Cao Phong, Hòa Bình) lại khoác lên mình tấm áo rực rỡ của thiên nhiên. Không chỉ là một thắng cảnh tuyệt đẹp, Thung Nai còn là nơi chứa đựng tiềm năng du lịch kinh tế lớn của tỉnh Hòa Bình.
Nằm trong lòng hồ sông Đà, thuộc huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, Thung Nai cách Hà Nội chỉ hơn 100km, là một trong những điểm đến nổi bật của Hòa Bình. Với mặt hồ rộng lớn được tạo nên từ lòng hồ thủy điện Hòa Bình, nơi đây tựa như một bức tranh thủy mặc với những đảo nhỏ nhấp nhô trên dòng nước xanh biếc. Vào mùa xuân, cảnh sắc tại Thung Nai trở nên lãng mạn hơn bao giờ hết khi hoa mận, hoa đào, và hoa ban nở rộ trên các hòn đảo nhỏ, điểm xuyết cho không gian núi rừng một vẻ đẹp tinh khôi.
Cảnh quan thiên nhiên “sơn kỳ thủy tú”
Xưa kia, Thung Nai vốn là một thung lũng được bao phủ bởi những núi đá vôi trùng trùng điệp điệp, nhưng kể từ khi xây dựng thủy điện Hòa Bình, thung lũng xưa kia trở thành nơi chứa đựng một lượng nước lớn khiến toàn bộ thung lũng trở thành một lòng hồ rộng lớn, có nơi sâu hàng vài chục mét. Và chính những ngọn núi trùng trùng điệp điệp kia bỗng dưng trở thành những hòn đảo nhấp nhô khiến phong cảnh nơi đây giống như một Hạ Long thu nhỏ.
Ngay từ giữa tháng Chạp, lượng khách đến bến thuyền Thung Nai để tham quan du lịch vùng lòng hồ đã bắt đầu nhộn nhịp. Dù không phải là lần đầu tiên đến với cảnh sắc nơi đây nhưng chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh đẹp như một bức tranh thủy mặc của thiên nhiên. Sáng sớm, sương mù bảng lảng trên mặt nước tạo nên không khí huyền bí.

Sáng sớm, Thung Nai đẹp tựa như một bức tranh thủy mặc giữa thiên nhiên hùng vĩ.
Đứng trên mũi con thuyền, chúng tôi có thể cảm nhận sự hòa quyện của đất trời khi ánh mặt trời đầu ngày chiếu xuống, biến làn nước thành tấm gương phản chiếu thiên nhiên kỳ vĩ và phóng tầm mắt ngắm nhìn trọn vẹn dải Đà giang hùng vĩ.
Thung Nai không chỉ mang vẻ đẹp tự nhiên mà còn ẩn chứa tiềm năng lớn về kinh tế du lịch. Những năm gần đây, tỉnh Hòa Bình đã định hướng phát triển Thung Nai thành điểm đến trọng điểm của vùng Tây Bắc. Lượng khách du lịch đến đây ngày một tăng, đặc biệt vào mùa xuân và các dịp lễ Tết.
Đặc biệt, khi các dịch vụ du lịch của các doanh nghiệp, HTX phát triển, nơi đây trở thành điểm đến lý tưởng để du khách hòa mình vào cảnh sắc non nước hữu tình, trải nghiệm văn hóa bản địa. Ngoài ra, còn tham quan các di tích lịch sử như Đền Bà Chúa Thác Bờ, động Thác Bờ...

Đi thuyền ngắm cảnh, chụp ảnh checkin là điều ưa thích của du khách mỗi lần đến Thung Nai.
Sự phát triển của du lịch đã tạo đà cho các dịch vụ như nghỉ dưỡng, ẩm thực, và vận tải đường thủy phát triển mạnh mẽ. Các nhà bè nổi phục vụ ăn uống trên hồ đã trở thành điểm dừng chân không thể bỏ lỡ. Nhiều gia đình và nhóm bạn chọn Thung Nai để trải nghiệm cảm giác “sống chậm,” tránh xa sự xô bồ của thành phố.
Một điểm nhấn quan trọng trên hành trình du lịch Thung Nai là đền Chúa Thác Bờ, dù thời điểm ghé thăm đền đẹp nhất là vào mùa Xuân-Hạ, nhất là khi diễn ra lễ hội đền Chúa Thác Bờ diễn ra từ ngày mồng 7 tháng Giêng, kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch. Tuy nhiên, từ những ngày đầu tháng Chạp, nơi đây đã có rất đông khách về lễ tạ.
Trong cái gió se lạnh của những ngày giáp Tết, chiếc tàu của chúng tôi do anh Đinh Văn Hợi, một lái tàu lâu năm điều khiển nhẹ nhàng đi giữa những hòn núi nhấp nhô giữa hồ, tạo cảm giác thư thái, dễ chịu. Ngồi trong khoang lái, chỉ tay sang các tàu bên cạnh, anh bảo: Du lịch đặc trưng của vùng này là du lịch sinh thái nên họ thường đi theo đoàn 10-30 người. Đa phần họ đến để thăm quan, nghỉ dưỡng và du lịch tâm linh với không gian linh thiêng của Đền bà Chúa Thác Bờ.
“Chúng tôi luôn mong muốn đưa đến du khách những trải nghiệm gần gũi và chân thực nhất về văn hóa và con người nơi đây. Mỗi du khách đến không chỉ là nguồn thu nhập mà còn là cầu nối để quảng bá hình ảnh Thung Nai ra xa hơn”, anh Hợi nói.
Anh Xuân Huy, du khách đến từ TP. HCM chia sẻ với VnBusiness, đây không phải lần đầu anh đến đây, nhưng mỗi lần đến là một cảm nhận khác nhau. Lần này anh ra Hà Nội ít ngày nên quyết định lên đây thăm quan, trải nghiệm. Nhất là trải nghiệm ẩm thực cá sông Đà, gà đồi, lợn bản, trâu nấu lá lồm… khám phá nét văn hóa Mường.

Điểm nhấn quan trọng trên hành trình du lịch Thung Nai được nhiều du khách lựa chọn là đền Chúa Thác Bờ.
“Tôi rất thích cảm giác khi đi trên thuyền ngắm cảnh trên hồ, một cảm giác thư thái và rất dễ chịu. Điều tôi thích nhất là Thung Nai không bị tác động quá nhiều bởi con người, vẫn giữ được trọn vẹn nét hoang sơ, tự nhiên mà con người lại rất gần gũi, nhiệt tình và mến khách”, anh Huy nói.
Giữa trưa, chúng tôi lên đảo Dừa để thưởng thức bữa trưa. Đúng như tên gọi, đảo Dừa được bao phủ bởi những hàng dừa xanh mướt, vươn mình soi bóng xuống mặt hồ trong xanh. Đảo không lớn, nhưng lại tạo ấn tượng bởi khung cảnh thơ mộng, yên bình, tách biệt hoàn toàn với sự ồn ào của các điểm du lịch quanh hồ khác. Các homestay tại đây thường được xây dựng theo phong cách nhà sàn truyền thống, nằm ẩn mình giữa rừng cây xanh mát.

Chèo thuyền kayak, một trải nghiệm khó quên của du khách khi thăm đảo Dừa.
Đoàn chúng tôi ăn trưa trên một nhà sàn giữa đảo và được thưởng thức những ẩm thực đặc trưng của Thung Nai. Những món ăn như cá nướng sông Đà, gà đồi hấp lá chanh, hay xôi nếp nương đều mang đậm hương vị núi rừng.
Điều ấn tượng đối với chúng tôi là ngoài những món ăn đặc trưng địa phương thì một số điểm mới tạo nên sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường trên đảo phải kể đến là việc sử dụng năng lượng tái tạo, hạn chế rác thải nhựa… điều này đã góp phần du lịch Thung Nai 'xanh' hơn trong mắt du khách.
Ngoài ra, vào mùa xuân, địa phương thường tổ chức các lễ hội và sự kiện đặc sắc như chợ xuân nổi, nơi du khách có thể mua sắm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nông sản như mật ong rừng, gạo nếp, hay rượu cần. Đây là cơ hội để các sản phẩm bản địa tiếp cận với thị trường rộng lớn hơn, đồng thời giúp du khách mang về những món quà ý nghĩa.
Du lịch bền vững và vai trò của HTX
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển bền vững của du lịch Thung Nai hôm nay chính là mô hình HTX du lịch. Đây là cách mà người dân địa phương đã và đang cùng nhau tận dụng tiềm năng sẵn có để phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường.

Tàu, thuyền vận chuyển khách của các hộ kinh doanh, HTX neo đậu san sát sẵn sàng phục vụ du khách.
Theo tìm hiểu, hiện Khu du lịch Hồ Hòa Bình có hàng trăm hộ kinh doanh, HTX vận tại thủy nội địa, trong đó một số HTX vận chuyển khách được nhiều người biết đến như: HTX vận chuyển khách Thung Nai; HTX vận chuyển khách Động Thác Bờ; HTX vận chuyển khách tổ Bờ; HTX vận chuyển khách tổ Thung Nai...
Đáng mừng là các HTX du lịch ở đây cũng tích cực triển khai các sản phẩm mới như dịch vụ chèo thuyền, tổ chức lễ hội mùa xuân trên hồ, hay bán các sản phẩm thủ công truyền thống. Điều này không chỉ tạo thêm công ăn việc làm cho người dân mà còn giúp tăng giá trị cho các sản phẩm địa phương.
Các nhà thuyền và thuyền của các HTX, chia làm các tổ hoạt động luân phiên và lần lượt. Nhà thuyền nào có khách hẹn, đặt trước thì phải báo trước với bến và hiệp hội tối thiểu là 2 tiếng trước khi xe đến. Còn không đều được hướng dẫn lên thuyền theo thứ tự đã định.
Với tất cả tiềm năng và sự phát triển hiện tại, Thung Nai đang được định hướng phát triển theo mô hình du lịch bền vững. Các doanh nghiệp, HTX và chính quyền địa phương đang phối hợp chặt chẽ để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa và nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của du lịch.
Vĩ thanh
Thung Nai không chỉ là một điểm đến mùa xuân đầy cuốn hút, mà còn là minh chứng cho sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên, văn hóa và kinh tế. Đây là nơi mà những giá trị bản sắc được bảo tồn và phát huy, nơi con người cùng thiên nhiên đồng hành trên con đường phát triển.
Xuân này, đến Thung Nai để cảm nhận sự bình yên giữa núi rừng, tận hưởng những trải nghiệm độc đáo và góp phần ủng hộ các HTX du lịch – những người đang ngày đêm làm đẹp thêm cho vùng đất này. Thung Nai chắc chắn sẽ mang lại một mùa xuân trọn vẹn trong hành trình khám phá của du khách.