Có một Hoa hậu Thu Thủy là nhà văn, nhà báo...
Sinh ra trong một gia đình tri thức, lại được đi nhiều nơi trên thế giới, ham đọc sách và viết, nên không quá để nói rằng trong số các Hoa hậu Việt Nam, Thu Thủy là người có kiến thức sâu và lối viết văn 'thấu cảm đến từng câu chữ'- như cách nói của ca sĩ Thùy Dung.
Để có được khả năng viết như thế, không hẳn chỉ là dựa vào việc đọc nhiều, viết nhiều mà còn phải là người từng đối diện với nỗi cô đơn, vượt lên nó, cộng với cá tính và có triết lý sống.
15 tuổi, Hoa hậu Thu Thủy đã nhìn nhận nỗi buồn sâu sắc trong lòng: "Tuổi 15 là tuổi trăng tròn nhưng với mình là chuỗi ngày cô độc và buồn bã, mình hay khóc một mình và chỉ biết làm bạn với sách. Cao, gầy khẳng khiu, da xanh rớt với đủ thứ bệnh trong người, tháng nào cũng tiêm kháng sinh ê cả tay, mình chịu đựng đau đớn và bệnh tật cùng với sách. Giờ nhìn lại những quyển sách cũ, mình chỉ nhớ quyển này là hôm mình bị đau đầu, quyển kia mình đọc trong lúc đợi đến lượt xông họng ở bệnh viện…".
Thời đó, cô bé 15 tuổi đã mơ ước trở thành nhà văn, để "viết những câu chuyện cho một vài cô bé nào đó đang sợ hãi hoang mang ngồi trong một góc nhà nào đó" như chị tâm sự trong một bài viết hồi tưởng về tuổi thơ.
Nhưng rồi cuộc sống "một bước thành sao" sau đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 1994 đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của cô gái 18 tuổi lúc bấy giờ, trên nhiều mặt chứ không chỉ ở danh hiệu đính kèm. Một trong số đó là chị bỏ giữa chừng Đại học Ngoại giao (sau này là Học viện Ngoại giao) để sang Mỹ du học về kinh doanh; rồi về nước trở thành doanh nhân thành đạt, rồi lại phá sản, làm lại từ đầu ở một lĩnh vực khác…
Nhưng viết với chị lại có một đời sống khác. Dù không trở thành nhà văn nhưng "chất văn" thì vẫn luôn ở đó, hiện diện trong chị, qua lời ăn tiếng nói, qua những câu chuyện vụn vặt hàng ngày mà đầy phong phú, thi vị và bất ngờ.
Nhà báo Thủy Lê, vốn là cây bút nổi tiếng ở thể loại phỏng vấn, chân dung đã phải thừa nhận rằng "khi biên tập những bài viết của Hoa hậu Thu Thủy, mình gần như mất một thời gian để lấy lại được sự tự tin cho mình... Cũng có những điều, mình mãi mãi không thể học Thủy, khi cầm bút".
Cũng theo nhà báo Thủy Lê, chính chị là người đã "xúi dại" hoa hậu viết báo, khi biết người bạn cùng tầm tuổi với mình đang trong chuyến đi châu Âu (9-12/2015). Loạt bài viết trong chùm "Châu Âu ký sự" ấy là nhân chuyến đi làm phim tài liệu của Hoa hậu Thu Thủy. Dù rất bận rộn nhưng chị đã hào hứng nhận lời và cho ra đời 9 bài viết công phu, kỹ lưỡng và lôi cuốn.
"Một cú làm nghề tài tử mà chuyên nghiệp không chê vào đâu được: bố cục chắc nịch, văn phong duyên dáng, kiến thức rộng dài và được thẩm thấu hết sức nhuần nhuyễn... Và đáng nói, Thủy đúng hẹn kinh khủng: ngày đi làm phim cùng ê-kíp, đêm về cặm cụi viết bài, giữa cái lạnh tháng 12 ở Paris. Nhiều bài, nhiều câu trong số quả thật khiến mình "mất điện"- nhà báo Thủy Lê nói.
Tưởng nhớ một hoa hậu tài hoa đoản mệnh, nhà báo Thủy Lê đã gợi lại những dòng viết đẹp đẽ trong loạt bài "Châu Âu ký sự". Một vài nét chấm phá thôi, người ta không khỏi tiếc nuối khi ngã rẽ đã không đưa chị trở thành một nhà văn, hay nhà nghiên cứu như cha chị - một nhà nghiên cứu ngôn ngữ hàng đầu: GS Nguyễn Văn Lợi.
Nhà báo Thủy Lê viết: "Mình nhớ mãi cách Thủy tả "gương mặt lớn của văn chương đương đại Pháp trong căn hộ nhỏ" của bà tại Paris, cách Thủy đặc tả cái ánh nhìn chưng cất từ im lặng đó: "Còn Linda Lê, bà im lặng và sẵn sàng im lặng rất lâu, lâu cho đến khi nào mỗi đồ vật và con người đang xâm lăng vào thế giới của bà kia tạm yên ổn. Bà hướng ánh mắt ra ngoài cửa sổ, nhưng tôi biết bà không hẳn là đang nhìn ra những thứ bên ngoài cửa sổ, mà chỉ là vì không gian bên trong lúc này chật hẹp đến độ không đủ cho cả một ánh nhìn...".
Hay cách Thủy tả nụ cười của nghệ sỹ Jazz tài danh, cũng là một người Pháp gốc Việt: "Đối với tôi, Nguyên Lê trước hết là một nụ cười. Một nụ cười không chỉ đẹp, mà hơn thế nhiều, ở đó có một sự ngây thơ mà tôi cho là rất quý giá, một sự ngây thơ mà người ta chỉ có thể đạt đến được sau rất nhiều từng trải..."
Hay những dòng viết ấm áp dịu dàng về những người tưởng đâu là "khô khan" lắm: "Khắc kỷ, thận trọng nhưng hài hước, nhẹ nhõm, tôi nghĩ đó là những gì mình nắm bắt được khi tiếp xúc với một số nhà khoa học tại Pháp (...). Bài này tôi viết tặng cho bố mẹ tôi, cho bạn tôi, những người quen và không quen, những người đang làm nghiên cứu khoa học, những người đang lặng lẽ tận hiến cho một niềm tin tinh thần nào đó, để cho thế giới này, cho dù có bất cứ điều gì xảy ra, với tinh thần của họ, trật tự sẽ được thiết lập lại…"
Thủy tận tụy viết cho mình những dòng viết thật đẹp về tuổi trẻ: ".... Ngay lúc ấy, tôi hiểu, có một điều gì đó rất lạ lùng và nhẹ nhõm đang lan tỏa trong không khí. Tôi gọi nó là tuổi trẻ. Tôi muốn gọi nó là thanh tân. Tôi tin nó có hơi hướm của tự do, và nổi loạn, và nhiều thứ khác...".
Tuy nhiên, sau này, chị không dành tình yêu chữ nghĩa cho viết báo nữa, vì "thấy những gì mình viết lạc lõng và dường như chả có giá trị mấy so với những nội dung tình-tiền- tù - tội, cướp giết hiếp nhan nhản hằng ngày". Còn ý định viết tiểu thuyết thì: "Có một lần lái xe chở Bố đi khám bệnh, trong câu chuyện miên man của hai bố con, tôi buột miệng: con đang viết tiểu thuyết Bố ạ. Nhìn qua gương chiếu hậu, tôi thấy Bố nhìn ra cửa sổ, không nói gì. Chắc cụ nản vì có đứa con gái lúc nào cũng lạc loài và đứng bên lề mọi thứ.
Có người nói, bằng việc chạy marathon, Yoga, Hoa hậu Thu Thủy đã truyền đi cảm hứng sống cho phụ nữ. Với chị, được là mình, làm những điều mình mong muốn quan trọng hơn rất nhiều so với việc mình trở thành ai đó.
Năm 2010 chị quyết định đóng cửa tất cả các công việc kinh doanh đang duy trì ở dạng thoi thóp để tìm đến với những niềm vui đời thường. Sáng sáng tự lái xe đưa con đi làm, chiều chiều đón con về, tự tay đi chợ, nấu cơm, đọc sách và viết. Khoảng thời gian giúp chị nhận ra "bấy lâu nay mình đang không thực sự sống một cuộc sống mà mình mong muốn".
Từ bỏ công việc kinh doanh, những cơ hội mạo hiểm, hoa hậu lựa chọn làm công chức bình thường ở một kênh truyền hình để làm những điều mình mong muốn.
Vì thế, mỗi khi gặp được những câu hỏi "làm thế nào để duy trì Yoga, marathon như chị khi mà mình quá bận rộn?", lời khuyên của chị luôn là: "Nếu anh/chị/em đang bận rộn và vui vẻ với những gì mình đang làm, đang là rồi, thì không cần phải đọc sách, tập yoga hay chạy marathon nữa đâu. Đừng giằng xé bản thân và chạy theo những giá trị của người khác".
Chị cũng là người đề cao thông điệp, hãy sống thật với cảm xúc của mình, không màu mè, bôi vẽ để tạo nên hình tượng đẹp đẽ trong mắt người khác. "Tôi không phải là một bà mẹ hoàn hảo đối với các con, tôi vụng và mải chơi, lười nữa, thỉnh thoảng còn vô trách nhiệm. Tôi cũng hầu như không bao giờ dạy con những bài học như những ông bố bà mẹ hay dạy con mình: con phải thế này, phải thế kia, phải trở thành thế này, giống như thế nọ. Vì tôi nghĩ, mình còn chả làm được, sao bắt chúng nó phải làm. Cách duy nhất tôi có thể làm khá tốt, suốt bao năm nay, đó là biết cách kể những câu chuyện đúng lúc. Những câu chuyện không có đầu, không có kết thúc và không bao giờ có bài học rút ra hay kết luận trong đó. Tôi để các con tôi đi tiếp hành trình còn lại, có đau đớn và trả giá, có hạnh phúc và niềm vui, có cả những hy vọng và thất vọng to lớn nữa".
Những ngày gần đây, bên cạnh việc chia sẻ về tình yêu với thể thao, Hoa hậu thường có những bài viết về lòng biết ơn.
"Người lớn ạ, nếu đến giờ phút này bạn còn đang được sống, bạn đang có một gia đình, bạn đang có một công việc đủ nuôi sống bản thân, và may mắn hơn, bạn được trả tiền để ở bên cạnh chăm sóc dạy dỗ những đứa trẻ, hãy coi đó là một ân sủng to lớn.
Đừng để nỗi sợ hãi, ẩn ức và khả năng kém chịu đựng trước hoàn cảnh của mỗi người lớn chúng ta làm méo mó và tổn thương những đứa trẻ, những chiến binh đến với thế giới này để dạy chúng ta về tình yêu, sự bao dung, lòng biết ơn và chữa lành".
Ở một bài viết khác dành cho con trai, chị chia sẻ: "Thế giới này không cần thêm những người thành công nữa, nó khẩn thiết cần những người kiến tạo, người kể chuyện, người chữa lành, những người biết yêu thương bằng nhiều cách khác nhau và cả những người biết sống yên ổn ở nơi họ đang sinh sống...".
Hay: "Khi chúng ta gặp một biến cố trong cuộc đời, biến cố tất yếu ai cũng sẽ phải trải qua trong một chu kỳ đời: sinh- lão- bệnh - tử, xuân - hạ - thu - đông, vượng suy, sinh khắc... Tất nhiên phản ứng đầu tiên khi gặp phải là đau khổ. Thế nhưng, nếu biết cách lùi lại như một "người quan sát" - quan sát những mất mát, quan sát những đau đớn, quan sát những gì đang thực sự diễn ra... chỉ đơn thuần quan sát, không gắn mác, không phán xét, không kỳ vọng và vì thế không thất vọng, không oán giận, không đổ lỗi... ta sẽ thấy le lói nơi tận cùng của đau đớn và tăm tối, có ánh sáng của sự sống, của tái sinh, của tình yêu, của lòng biết ơn và hơn hết, là ánh sáng của niềm vui sống - những hạt giống của niềm tin".
Và còn rất nhiều những chia sẻ khác của Hoa hậu Việt Nam mà mỗi khi đọc nó, người ta không chỉ nhìn nhận rõ hơn về thế giới nội tâm của người viết, mà còn thu nhận được điều gì đó cho riêng mình. Để thấy mình cần phải sống chậm lại, năng nghiền ngẫm và nhận ra, "trải nghiệm cuối cùng không phải là sự phấn khích, giàu có, quyền lực hay danh vọng. Đó là tình yêu"- như những lời mà hoa hậu tài sắc đã viết.
"Chúng ta đang sống trong một thế giới với rất nhiều quan niệm, giá trị và niềm tin chồng chéo. Để có được một lối sống và lối tư duy độc lập, cần rất nhiều lòng dũng cảm. Dũng cảm để tin vào những gì mình làm. Dũng cảm để không phán xét", Hoa hậu Thu Thủy.