Có một hòn đảo mang tên nghìn sao
Pha trộn giữa yếu tố thực và ảo của một cuộc phiêu lưu, tác giả Emma Kristina Karinsdotter mang tới một câu chuyện giả tưởng về tình cảm gia đình.
Đặc biệt, tác phẩm nói về cách đứng dậy sau mỗi vấp ngã của cuộc đời.
Emma Kristina Karinsdotter là nhà văn thuộc thế hệ 8X, được ví như Astrid Lindgren thời hiện đại, bởi cô luôn trung thành với đề tài viết về giới trẻ và tạo nên những rung cảm sâu sắc cho lứa tuổi ấy.
Đảo ngàn sao là cuốn sách thứ ba của cô nhận được đề cử cho giải thưởng Barnradions Bokpris, được bán bản quyền sang Nga, Na Uy, Estonia, Cộng hòa Czech, Trung Quốc và Việt Nam.
31 chương truyện trong Đảo ngàn sao là hành trình phiêu lưu chứa đầy nút thắt. Độc giả sẽ phải nín thở vì những tình tiết khiến trái tim vụn vỡ.
Cô bé Hổ Tigris với một sọc vằn
Đảo ngàn sao là tác phẩm giả tưởng đầy kịch tính, miêu tả tâm lý nhân vật xuất sắc, với nhân vật cô bé Hổ Tigris.
Mọi đứa trẻ trên đời đều thích sinh nhật, nhưng với Tigris, ngày 22 tháng 12 không chỉ là ngày cô bé chào đời, mà còn là ngày... giỗ mẹ cô.
Câu chuyện vừa bắt đầu đã đem đến cho người đọc cảm giác xót xa. Vì một vụ tai nạn ôtô, cô mất mẹ khi vừa tròn 1 tuổi. Vết sẹo ngang ngực cô là bằng chứng cho vụ tai nạn năm ấy. Tigris cũng là cái tên chứa đầy dụng ý của tác giả. Cô bé là Hổ, nhưng chỉ có duy nhất một sọc vằn: Vết sẹo cắt ngang ngực cô vào ngày mà mẹ rời xa cô mãi mãi.
Tâm lý nhân vật có nhiều biến đổi. Cô trầm tư và lạnh lùng hơn, nhưng dù cố giấu đến mấy cũng không che nổi nỗi nhớ mẹ. Bố Tigris may mắn thoát nạn trong vụ tai nạn năm ấy, không có vết sẹo hay biến đổi gì trên cơ thể ngoại trừ đôi mắt, mọi ánh nhìn lấp lánh trong đôi mắt ông đã lụi tắt.
Có lẽ bức tranh đẹp đẽ nhất trên trần gian là bức tranh đoàn viên, hạnh phúc, khi những người thân yêu ruột thịt tìm gặp lại được nhau. Nữ nhà văn Emma Karinsdotter đã điểm tô sắc hương cho bức vẽ của mình bằng tình tiết hết sức ly kỳ.
Cánh cổng thần kỳ kết nối tình yêu thương
Chuyện mang đến cho độc giả những tình tiết nửa thực, nửa ảo, nhuốm màu sắc thần kỳ. Chiếc rương gỗ - kỷ vật mà mẹ Tigris để lại chính là cánh cửa hư ảo đưa cô bé đến gần bên mẹ để khám phá sự thật. Không chỉ gây bất ngờ cho người đọc bởi hành trình giả tưởng, kết chuyện còn mang đến nhiều yếu tố bất ngờ.
Thắt nút từ những tình tiết nhỏ nhất, tác giả vẽ ra trước mắt người đọc bức tranh cuộc sống hàng ngày của gia đình Tigris rồi nhẹ nhàng “thả” vào đó những miêu tả gây thắc mắc: Hai chiếc ghế trống trên bàn ăn mỗi sáng, hai chỗ ngồi trống trên tàu điện ngầm, hai giọng nói khuyết trong mỗi lần bố và bà nội hát Chúc mừng sinh nhật hay Chúc ngủ ngon.
Phải đến nhiều chương sau, nữ nhà văn mới mở nút giúp độc giả. Những vị trí trống đó được ghép lại hoàn hảo nếu có sự xuất hiện của người mẹ và em song sinh Leo đã mất.
Emma Karinsdotter tạo ra những nút thắt lên tới đỉnh điểm khi dẫn dắt độc giả cùng khám phá cuộc phiêu lưu của nhân vật. Chiếc rương gỗ thơm hương hoa hồng cất giữ trong ngôi nhà cũ đưa cô bé vượt không gian, thời gian để đến chốn xa lạ mang tên “Đảo ngàn sao”, nơi cô bé khám phá ra nhiều bí mật.
Yếu tố thực và ảo lúc tách biệt, khi đan xen. Tigris không còn oán hận bố rằng tại sao sau vụ tai nạn năm ấy bố vẫn bình an trong khi chính bố là người cầm lái, rằng tại sao bệnh trầm cảm của bố mỗi ngày một nặng trong khi bố chẳng có bất kì di chứng nào để lại.
Cuộc phiêu lưu trên đảo ngàn sao để cứu mẹ trước khi bóng tối lấy đi hết những hòn đá sao trên đảo là hành trình mang đến nhiều hứng thú cho độc giả trẻ. Những chi tiết được đan cài vào nhau một cách hoàn hảo, không vắng bóng yếu tố bất ngờ. Không chỉ thế, chuyện còn chạm tới những rung cảm nơi tâm hồn những cô bé, cậu bé yêu gia đình và khao khát một mái ấm tình thương.
Tác phẩm của Emma Karinsdotter mở ra một thế giới về lý tưởng và chuẩn mực trong tinh thần của thanh thiếu niên. Thông qua hành trình phiêu lưu đầy kịch tính, tác giả đã gửi gắm một câu chuyện đẹp về tình cảm gia đình, về hành trình cảm động vượt thời gian để hàn gắn nỗi đau nghịch cảnh trong cuộc đời.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-mot-hon-dao-mang-ten-ngan-sao-post1197003.html