Có một mẹ đỡ đầu như thế

Từ bữa cơm no đủ, thắp lên ánh sáng, thay đổi cuộc đời của nhiều học sinh tại những bản làng vùng cao, cho đến xây dựng các cây cầu treo dân sinh giúp người dân đi lại an toàn trong mùa mưa lũ, đó mới chỉ là một phần nhỏ trong hành trình giúp đời của chị Trần Mai Vy (47 tuổi, trú tại TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum).

Gieo hạt giống yêu thương

Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Huế vào năm 1998, chị Vy bắt đầu theo sự nghiệp “gõ đầu trẻ” tại xã Sa Bình (huyện Sa Thầy, Kon Tum). Nhưng điều kiện vật chất lúc đó là thử thách cho cô giáo trẻ, không điện, đường sá đi lại khó khăn, phải khoảng 2-3 tháng chị mới có thể về nhà.

Trong quá trình dạy tại huyện biên giới, chị chứng kiến nhiều mảnh đời học sinh khó khăn, thiếu thốn,... nên đã dùng thu nhập của mình mua quần áo, dụng cụ học tập, đồ ăn cho các em. Những chuyến xe từ phố đến làng vì thế mỗi lúc lại càng nặng hơn, lúc thì bịch đồ ấm, lúc lại đồ ăn,... để chắp cánh cho hành trình “đi tìm con chữ”.

Chị Trần Mai Vy cùng con nuôi Lù Văn Chiến phát biểu trong Phủ Chủ tịch

Chị Trần Mai Vy cùng con nuôi Lù Văn Chiến phát biểu trong Phủ Chủ tịch

Đến năm 2003, chị Vy có đứa con đầu lòng. Tưởng đây chính là điểm đầu cho hạnh phúc của 2 vợ chồng thì không may cháu bị sốt cao, dẫn đến bại não. Bao nhiêu năm mang lại hạnh phúc, tiếng cười cho hàng trăm đứa trẻ, bây giờ chị lại đối mặt trước nghịch cảnh cuộc đời. Được sự động viên của gia đình và người thân, chị mạnh mẽ đứng dậy để đồng hành cùng con trai.

Đến năm 2006, chị chuyển về giảng dạy tại Trường Cao đẳng nghề Kon Tum để sống gần con hơn. Chị Vy cũng bắt đầu kết nối với các nhóm cùng hoàn cảnh, tổ chức từ thiện, mạnh thường quân và dần nhen nhóm tình yêu đối với cộng đồng. Chị trở thành một phần của nhóm “Kết nối yêu thương” và có chuyến hành trình định mệnh của cuộc đời.

Xây dựng cầu treo dân sinh giúp hành trình đi học của các em học sinh trở nên an toàn

Xây dựng cầu treo dân sinh giúp hành trình đi học của các em học sinh trở nên an toàn

Hành trình tìm lại đôi chân cho cậu bé người Nùng

Năm 2018, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều clip về cậu bé Lù Văn Chiến (7 tuổi, xã Nậm Khòa, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) đang dùng đôi tay kéo lê cơ thể. Ngay từ khi còn nhỏ, Chiến chỉ cảm nhận được tình thương từ bà nội, bố mẹ bỏ đi từ lâu.

Chị Vy cho biết, sau khi xem đoạn clip đó chị cực kỳ xúc động trước hoàn cảnh, nghị lực của cậu bé nhỏ. Thế là chị quyết định tự mình bắt chuyến xe, vượt gần 1.500km đến mảnh đất chưa từng đặt chân đến. Sau khi hỏi người dân xung quanh, chị tìm đến ngôi nhà xập xệ của Chiến, thấy em đang ngồi trong góc tối, không nói không cười, có dấu hiệu của tự kỷ. “Qua quá trình làm quen, Chiến bắt đầu mở lòng và bất giác gọi tôi là mẹ. Chính cái danh xưng ấm áp, thiêng liêng này đã chạm vào lòng trắc ẩn và tôi quyết tâm điều trị cho bé Chiến” chị Vy nhớ lại.

Lúc đó thực sự là quãng thời gian khó khăn nhất của chị. Vừa phải đảm bảo chăm lo cho cậu con trai đầu mắc bệnh hiểm nghèo, vừa phải giúp Chiến hòa nhập với cộng đồng, không tự ti, mặc cảm. Nhiều đêm thức trắng, chị phải đối mặt với nhiều luồng suy nghĩ tiêu cực, nhưng rồi vẫn cố gắng quyết tâm để lo cho 2 đứa trẻ.

Chị bắt đầu kết nối với một bác sĩ đang làm việc tại Melbourne (Úc). Qua trao đổi, bác sĩ này đồng ý lo toàn bộ chi phí ở, điều trị tại nước ngoài cho Chiến. Đến tháng 11/2019, chị chính thức đưa Chiến sang Úc phẫu thuật. Nhưng cậu con trai đầu không thể rời xa mẹ, thế là chị đưa cả 2 cùng xuất ngoại.

Chị Trần Mai Vy tặng áo ấm cho học sinh vùng cao

Chị Trần Mai Vy tặng áo ấm cho học sinh vùng cao

Nằm trên bàn mổ, Chiến lo lắng, liên tục gọi “Mẹ Vy” khiến trái tim chị tan chảy. Thế rồi sau 9 tiếng, ca phẫu thuật cho bé Chiến đã thành công tốt đẹp. Chị gửi lại cậu con trai cho người quen và bắt đầu cùng y tá chăm sóc, tập vật lý trị liệu để giúp Chiến mau hồi phục.

Sau khi trở lại Kon Tum, chị luôn bên cạnh trong những bước đi đầu đời của Chiến. Nhưng vì cơ sở vật chất tại vùng quê Hà Giang khó khăn, thiếu thốn đủ điều, nên chị đã có quyết định lớn trong đời là nhận nuôi em. Nhiều lần trao đổi với chồng và họ hàng 2 bên, cuối cùng Chiến đã chính thức trở thành thành viên trong gia đình nhỏ của chị Vy.

Quá nhiều hành trình lan tỏa yêu thương đã qua, chị Vy cảm thấy mình ngày càng nghị lực, vững vàng hơn. Nhưng chị không dừng lại mà tiếp tục sứ mệnh kết nối, truyền tải thông điệp nhân văn cho xã hội. Trên địa bàn Kon Tum, chị không chỉ nhận quyên góp quần áo, nhu yếu phẩm, thuốc men,... mà còn xây dựng nhiều công trình cầu treo, thắp sáng cho nhiều bản làng khó khăn.

Nguyên Lê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/co-mot-me-do-dau-nhu-the-post1668100.tpo