Có một ngân hàng đề thi chung sẽ tác động tích cực tới cả học sinh và giáo viên
Xây dựng ngân hàng đề chung, thúc đẩy năng lực tự học sẽ hạn chế tình trạng học sinh phụ thuộc vào dạy thêm, học thêm.
Sau khi Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức có hiệu lực, nhiều thay đổi tích cực đã bắt đầu xuất hiện trong môi trường giáo dục. Việc siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm giúp giảm áp lực học tập cho học sinh, hạn chế tình trạng “học tủ, học lệch” và tạo điều kiện để các em phát triển tư duy độc lập.
Dù vậy, vẫn còn những dư luận xoay quanh việc dạy thêm, học thêm. Vấn đề chất lượng học tập của học sinh sau khi áp dụng Thông tư 29 được nhiều người quan tâm.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Loan - Giáo viên Địa lý, thành viên Ban Hướng nghiệp (phụ trách nghiên cứu các đề án, quy chế thi tốt nghiệp), Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ: “Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là Cục Quản lý chất lượng đã có những chỉ đạo rất cụ thể, nhằm đảm bảo công bằng, minh bạch trong kiểm tra, đánh giá học sinh.
Khi Thông tư 29 có hiệu lực, nhà trường cũng đã có những hoạt động đảm bảo chất lượng học tập cho học sinh cuối cấp. Tuy nhiên, đến nay, nhiều phụ huynh và học sinh vẫn đặt nặng vấn đề kiểm tra, ỷ lại vào thầy cô, dẫn đến một số câu chuyện tiêu cực trong dạy thêm, học thêm”.

Cô Nguyễn Thị Loan - Giáo viên Địa lý, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi. Ảnh: NVCC
Cô Loan cho biết, trước đây vẫn còn những bất cập về việc dạy thêm, học thêm. Do đó, việc quản lý chặt chẽ hoạt động này là hoàn toàn hợp lý. Nếu Thông tư 29 được thực hiện một cách chặt chẽ, công bằng, sẽ tạo nhiều hiệu ứng tích cực trong giáo dục, đặc biệt là phát triển năng lực tự học của học sinh.
“Một số học sinh quá phụ thuộc vào việc cô dạy thế nào, trò học theo như vậy, dẫn đến việc phải đi học thêm mới hiểu bài và giải quyết được các bài tập. Học sinh nên trang bị cho mình kỹ năng tự học ngay từ đầu.
Bởi nhiều năm về trước, khi hoạt động dạy thêm, học thêm vẫn chưa “nhộn nhịp” như hiện tại, học sinh không cần học thêm vẫn học giỏi và đạt điểm cao. Vì vậy, muốn giải quyết triệt để tâm lý phụ thuộc của học sinh, cần phải thay đổi tư duy của các em về phương pháp học”, nữ giáo viên nói thêm.
Cô Loan nhấn mạnh rằng, không chỉ thay đổi cách học của học sinh, mà còn cần thay đổi tư duy của giáo viên, phụ huynh và toàn xã hội, hướng tới một môi trường giáo dục thực sự minh bạch, lành mạnh. Giáo viên phải nghiên cứu kỹ chương trình, thực hiện đầy đủ trách nhiệm giảng dạy, trong khi học sinh cần rèn luyện khả năng tự học, tránh tư tưởng phụ thuộc vào thầy cô.
Chương trình đã được xây dựng sẵn, giáo viên luôn sẵn sàng hỗ trợ, nhưng quan trọng nhất là học sinh phải chủ động, tự giác và có trách nhiệm với quá trình học tập của mình.
Ngay cả phụ huynh cũng không nên trông chờ vào giáo viên, phải hỗ trợ con trong quá trình học tại nhà, đôn đốc, đốc thúc con thay vì trông chờ gửi con ở nhà cô học thêm.
“Giáo viên tâm huyết sẽ nghiên cứu nhiều về chương trình học và xây dựng đề thi sao cho sát và chất lượng nhất. Nếu xây dựng ngân hàng đề thi chung, học sinh sẽ có thêm cơ hội học tập, giáo viên cũng có thêm cơ hội tiếp cận và tự rèn luyện năng lực của mình.
Việc tạo ra một ngân hàng đề thi chung sẽ tác động tích cực vào ý thức học tập của cả học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, khi lấy đề từ một nguồn rộng như vậy, giáo viên cũng cần xem kỹ, thậm chí biến hóa một chút trước khi đưa vào các tiết kiểm tra cho học sinh, tránh trường hợp kết quả đánh giá khập khiễng do chênh lệch độ khó từ ngân hàng đề thi chung”, cô Loan bộc bạch.
Bên cạnh đó, cô Loan cho rằng cần xây dựng một bộ công cụ đánh giá chung với các tiêu chí cụ thể, giúp học sinh tự định hướng trong quá trình tự học. Khi có tiêu chí rõ ràng, các em có thể tự đánh giá mức độ tiếp thu của mình, nhận biết điểm mạnh, điểm yếu để điều chỉnh phương pháp học tập phù hợp.
Nếu không có hệ thống đánh giá này, học sinh có thể rơi vào tình trạng học tập không có định hướng, dẫn đến việc tìm đến các cơ sở dạy thêm bên ngoài để bù đắp kiến thức.
Nữ giáo viên nhấn mạnh, bước đầu thực hiện Thông tư 29 sẽ có nhiều tâm lý trái chiều từ phía xã hội. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần chuẩn bị tâm lý, thay đổi quan niệm; học sinh cần trang bị cho mình các năng lực cần thiết, nhất là năng lực tự học, tự nghiên cứu để tự chủ trong quá trình học tập, thực hiện hành trình khám phá năng lực bản thân, đạt hiệu quả cao trong học tập và rèn luyện trong đời đại bùng nổ cách mạng 4.0 hiện nay.
Đồng tình với quan điểm trên, cô Nguyễn Thị Thanh Nga - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Phú Hường (Đà Nẵng) cũng cho rằng, phụ huynh và học sinh còn tâm lý muốn học thêm với giáo viên phụ trách dạy chính trên trường.
Cô Nga bày tỏ: "Học sinh và phụ huynh còn đặt nặng việc học để kiểm tra, thi tốt nghiệp. Vì vậy, dù đã quán triệt Thông tư 29, nhưng nhiều phụ huynh vẫn tìm mọi cách liên hệ với các thầy cô, nhờ thầy cô dạy thêm con em mình.
Về phía thầy cô, thực chất vẫn có một số giáo viên còn quan tâm đến vấn đề kinh tế, dẫn đến o ép học sinh đi học thêm. Thậm chí, có thầy cô nhờ người khác đứng lên, lập trung tâm/hộ kinh doanh để dạy thêm ngoài nhà trường. Dù đó chỉ là số ít các thầy cô, nhưng cũng làm ảnh hưởng đến những giáo viên dạy thêm chính trực".

Cô Nguyễn Thị Thanh Nga - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Phú Hường. Ảnh: Website Trường
Để giải quyết vấn đề triệt để, cô Thanh Nga cho biết, nhà trường đã tác động vào hai phía, cả giáo viên và phụ huynh.
Về phía phụ huynh, nhà trường liên tục gửi thông báo, nếu phụ huynh cảm thấy con em mình tự học được thì phụ huynh hãy cứ tin tưởng vào con em mình. Còn nếu muốn cho các em bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, đặc biệt là thi tuyển sinh lớp 10 thì phụ huynh có thể tìm nơi khác để bồi dưỡng, đừng ép thầy cô và cũng đừng tạo ra dư luận không hay cho thầy cô.
Về phía giáo viên, nữ hiệu trưởng cho hay, nhà trường đã quán triệt thầy cô, nếu tham gia dạy thêm ngoài nhà trường, phải nộp danh sách học sinh tham gia. Các thầy cô đăng ký giấy phép dạy ở trung tâm nào, cần báo lên nhà trường. Nhà trường sẽ kiểm tra, nhằm xác định có học sinh lớp thầy cô đang dạy trên lớp tham gia học thêm tại trung tâm đó hay không, nếu có, thầy cô nếu vi phạm sẽ bị bị xử lý theo quy định.
Ngoài ra, nữ hiệu trưởng cũng đề xuất, các trường có thể xây dựng ngân hàng ma trận đề chung ở cấp độ "mở", để ngay cả học sinh cũng có thể ôn luyện và phát triển năng lực tự học.
"Các trường nên xây dựng kho học liệu điện tử để học sinh truy cập và tự học tại nhà. Ngoài ra, các thầy cô cũng nên gợi ý cho học sinh phần mềm để học online hiệu quả, có thể chấp nhận phần mềm yêu cầu trả phí.
Với các giáo viên, một ngân hàng đề thi chung ở cấp độ quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giúp thầy cô tham khảo đề dễ dàng. Khi ứng dụng vào kiểm tra, đánh giá học sinh, cũng sẽ tránh được tâm lý phụ thuộc trước đây của học sinh", cô Thanh Nga chia sẻ thêm.
Nữ hiệu trưởng cho biết thêm, hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng đang xây dựng quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn, dựa trên quy định của Thông tư 29 nhưng với những hướng dẫn chi tiết và cụ thể hơn. Văn bản này không chỉ làm rõ các điều kiện, trách nhiệm của nhà trường và giáo viên mà còn đề ra những nguyên tắc cụ thể để đảm bảo việc triển khai phù hợp với thực tế địa phương.
Hiện tại, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện trước khi chính thức áp dụng. Theo đánh giá ban đầu, quy định của thành phố Đà Nẵng khá chặt chẽ, giúp kiểm soát tốt hơn hoạt động dạy học ngoài giờ và đảm bảo tính công bằng trong giáo dục. Đồng thời, việc này cũng góp phần thúc đẩy quá trình thực hiện Thông tư 29 một cách rõ ràng, triệt để, hướng tới môi trường giáo dục minh bạch, lành mạnh.