Có một ngôi làng yêu văn nghệ

Vàng Ngọc là một ngôi làng nhỏ nhưng xinh đẹp của xã Trường Yên (huyện Hoa Lư). Nơi đây không chỉ có những tuyến đường phong quang, sạch đẹp nhờ sự chăm sóc chỉn chu của mỗi người dân, mà ở đó, còn là nơi mà bất cứ người nông dân nào cũng có thể là ca sĩ, là nhạc công... không chuyên, biểu diễn ở sân khấu mộc mạc, trong sự hưởng ứng của khán giả mọi lứa tuổi. Tưới tắm tâm hồn bằng những lời ca mộc mạc mà đắm say, đó là cách để người dân thôn Vàng Ngọc thêm niềm lạc quan vào cuộc sống.

"Nghệ sĩ" của làng Vàng Ngọc Nguyễn Văn Ngà trong một lần thổi sáo bên cây cầu nhỏ.

"Nghệ sĩ" của làng Vàng Ngọc Nguyễn Văn Ngà trong một lần thổi sáo bên cây cầu nhỏ.

Ông Nguyễn Văn Ngà là một thợ xây. Ông bắt đầu nghề thợ xây từ khi là một thanh niên trẻ, cái nghề nhọc nhằn ấy giúp ông nuôi sống cả gia đình và chăm lo việc học hành cho con trẻ. Đôi bàn tay cũng chai sần theo năm tháng.

Ông Ngà nói vui, mưu sinh nặng nhọc, nhưng với tôi, đôi bàn tay nhiều sẹo, nhiều vết chai sần này lại là một mảng của tâm hồn. Để chúng tôi ngồi, ông Ngà vào nhà, lấy ra vài cây sáo trúc. Ông bắt đầu thổi, tiếng sáo dặt dìu, trầm bổng và khoan thai trong điệu dân ca bắc bộ. Người thợ xây trước mắt như tạm lánh, để lại một nghệ sĩ đúng nghĩa với những đắm chìm, hoang hoải trong từng nốt nhạc.

Một vài người hàng xóm cũng bắt đầu tới nghe. Tiếng sáo của ông Ngà không còn là sự lạ lẫm với xóm làng. Chỉ một lát sau, trên chiếc chiếu hoa có người nghệ sĩ đang say sưa thổi sáo. Xung quanh là những người hàng xóm - những khán giả quen thuộc cùng nhâm nhi chén nước chè xanh và thả hồn theo tiếng sáo. Ngoài trời, mưa vẫn chưa dứt…

Ông Ngà chia sẻ: Từ thời niên thiếu, tôi đã rất mê tiếng sáo. Thế hệ chúng tôi, cơ hội để tiếp cận với các phương tiện nghe nhìn rất hiếm. Bởi vậy, niềm vui lớn nhất của tôi là được nghe các chương trình văn nghệ qua sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi đặc biệt thích tiếng sáo. Tôi nghe thấy ở đó có một sự diệu kỳ vô cùng.

Khi yêu thích rồi thì tôi tìm hiểu về nó và thấy rằng đó không phải là một nhạc cụ phức tạp. Thế rồi tôi nghiên cứu để tự làm ra một cây sáo cho riêng mình. Đây là một trong những cây sáo trong "Bộ sưu tập" của tôi. Tôi sẵn sàng tặng những ai cũng yêu mến loại nhạc cụ này. Ngoài ra, trong những ngày vui của thôn hoặc những thời điểm rảnh rỗi, tôi thường thổi sáo cho tinh thần vui vẻ. Niềm hạnh phúc đơn giản của tôi là có nhiều bà con thích nghe tôi thổi sáo.

Những ngày đẹp trời, tôi và một vài người vẫn thường ra ngồi thổi sáo, chơi đàn ở cây cầu của làng. Những khoảnh khắc quây quần tham gia văn nghệ không chỉ giúp bà con vơi bớt nỗi nhọc nhằn của nhà nông mà còn thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm nữa.

Lắng nghe tiếng sáo của ông Ngà, bà Phạm Thị Thục góp chuyện: Mặc dù là một ngôi làng thuần nông, thế nhưng ở thôn Vàng Ngọc này, người dân ai cũng yêu văn nghệ. Tiếng hát, tiếng nhạc cụ dân tộc được coi là đặc sản của người dân ở thôn Vàng Ngọc. Chúng tôi quanh năm bận rộn với ruộng đồng, ai cũng vất vả, nhọc nhằn mưu sinh, thế nhưng sau những giờ lao động ấy, chúng tôi lại quây quần ở nhà văn hóa để luyện tập, biểu diễn văn nghệ. Những lúc như thế này, chúng tôi thực sự là những nghệ sĩ.

Chỉ cần tiếng nhạc vang lên, cũng là lúc mọi người không kể già trẻ đều bắt đầu say sưa với điệu múa, lời ca của mình. Truyền thống văn nghệ đã ngấm sâu vào tâm hồn, bởi thế mà mặc dù chưa thành lập được CLB văn nghệ đúng nghĩa, song mỗi người dân đều rất hăng say múa hát cùng nhau thường xuyên mà chẳng cần phải chờ đợi đến ngày lễ lớn của quê hương, đất nước.

Người dân thôn Vàng Ngọc tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ.

Xế chiều, hoàng hôn buông xuống cũng là lúc người dân trong làng Vàng Ngọc tạm gác mọi công việc để cùng nhau ra nhà văn hóa để tập luyện văn nghệ. Đã ở tuổi ngoại tứ tuần, xong hiếm buổi chiều nào vắng mặt ông Nguyễn Xuân Longtrong những buổi sinh hoạt văn nghệ của làng.

Ông Long chia sẻ, trước tinh thần yêu và không khí luyện tập văn nghệ rất hăng hái của bà con trong làng, tôi cũng thấy mình như trẻ lại. Bên cạnh tập luyện, biểu diễn những tiết mục văn nghệ hiện đại, những "hạt nhân" văn nghệ của làng đã nỗ lực học và đưa về những môn nghệ thuật truyền thống để bà con cùng luyện tập như một cách để nâng niu, gìn giữ, điển hỉnh như điệu múa sạp truyền thống này.

Ban đầu khi mới tập luyện, người cao tuổi như chúng tôi thấy hơi khó, bởi các động tác đòi hỏi sự khéo léo, uyển chuyển và phối hợp nhịp nhàng giữa những người múa, nhưng cứ tích cực tập luyện thì kể cả người già hay trẻ đều tập luyện được. Vài năm nay, khi phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương phát triển mạnh, người dân chúng tôi có thêm sân chơi rất bổ ích, tinh thần luôn lạc quan, sức khỏe tốt, tình làng nghĩa xóm cũng vì thế mà thêm bền chặt.

Thôn Vàng Ngọc hiện có 93% hộ đạt gia đình văn hóa. Chính quyền và người dân nơi đây đang tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng thêm những con đường bích họa, những tuyến đường biết nở hoa. Đặc biệt hơn, ai cũng tích cực ủng hộ cho phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển. Bởi với họ, tiếng hát, tiếng nhạc cụ là bí quyết để khiến cho làng quê nông thôn thực sự trở nên đáng sống hơn.

Bà Nguyễn Thị Chiến, Trưởng thôn Vàng Ngọc chia sẻ: Hiện nay, thôn đã thành lập được 1 CLB thể thao và sắp tới, chúng tôi sẽ ra mắt CLB văn nghệ mang tên "Làng vui chơi, làng ca hát". Khi thành lập được CLB thì mọi hoạt động văn hóa văn nghệ của làng sẽ được tổ chức một cách bài bản, nhịp nhàng và hiệu quả hơn. Thuận lợi rất lớn khi thành lập CLB văn nghệ đó là nhân dân địa phương có một tình yêu rất đặc biệt đối với ca hát, nên đều sẵn sàng ủng hộ và tích cực tham gia. Số hội viên tham gia vào CLB cũng rất đông với đủ mọi lứa tuổi.

"Hiện nay, thôn Vàng Ngọc đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí để xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2022. Đây sẽ là khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu thứ 10 của xã Trường Yên.

Để đạt được mục tiêu này, hiện nay thôn Vàng Ngọc đang tích cực tuyên truyền, vận động mỗi người dân ra sức phấn đấu, tập trung cải tạo cảnh quan môi trường, đặc biệt là phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân.

Vì vậy, CLB văn nghệ ra đời sẽ là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần rất lớn, giúp bà con thêm lạc quan, nghị lực để vươn lên trong phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"- trưởng thôn Vàng Ngọc Nguyễn Thị Chiến khẳng định.

Đào Hằng- Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/co-mot-ngoi-lang-yeu-van-nghe/d20221006055218516.htm