Đã từng có một Đông Hà như thế

Hiện thời, Đông Hà đã chuẩn bị đầy đủ sức vóc để trở thành đô thị loại II. Đó là một sự thăng tiến rất đáng tự hào đối với mảnh đất và con người Đông Hà. Với riêng mình, nhớ về Đông Hà, trong tôi lại ngoái vọng những kỷ niệm xưa cũ, thuở mới vỡ vạc những chấm phá 'làm ăn hai tiếng quen mà lạ' trong hành trình dò dẫm tìm hướng dựng xây cuộc sống mới từ trên bời bời gian khó thời hậu chiến...

Đường Hoàng Diệu TP. Đông Hà -Ảnh: Đ.T

Đường Hoàng Diệu TP. Đông Hà -Ảnh: Đ.T

Trong bút ký “Khói trắng bay trên đồi Quai Vạc”, viết vào tháng 11/1984, nhà văn Nguyễn Quang Hà có dẫn hai câu ca dao: “Không bột mà gột nên hồ/Tay không mà dựng cơ đồ mới nên” và kể lại rằng: “Khi gặp Nhà máy xi măng Đông Hà, không hiểu sao tôi cứ có cảm tưởng rằng câu ca dao kia là để dành riêng cho nhà máy này vậy. Nếu nhớ lại ngày hôm qua, vùng đồi Quai Vạc là phòng tuyến kiên cố phía Tây Đông Hà, địch hòng ngăn chặn lực lượng giải phóng thọc từ đường 9 về. Thì đúng vậy, Sư đoàn Quân Tiên phong đã đập nát phòng tuyến này bằng quyết tâm và súng đạn, đại quân tràn xuống giải phóng Đông Hà, Quảng Trị, phần đất địa đầu của miền Nam bây giờ. Bên vùng Quai Vạc đạn bom, hoang tàn xưa, nay mọc lên một nhà máy xi măng, hai ống khói vươn cao nhả khói bay khoan thai giữa trời xanh. Màu khói trắng nõn nà và màu trời biếc xanh chẳng là một bài ca thanh bình đó sao...”.

Để có một “bài ca thanh bình” như cách nghĩ lãng mạn của nhà văn Nguyễn Quang Hà, tôi biết, những người lãnh đạo thị xã lúc bấy giờ đã “lao tâm khổ tứ” đến nhường nào.

Theo hồi ức của ông Hồ Ngọc Hy, nguyên Bí thư Thị ủy Đông Hà (1986-1992), dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xi măng Đông Hà năm 1977-1978 do Viện Cơ khí động học Trung ương thiết kế rất hiện đại.

Để phù hợp với tình hình kinh tế và năng lực vận hành lúc bấy giờ, sau khi điều chỉnh thiết kế, nhà máy có công nghệ lò đứng đơn giản, công suất 10.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 7 triệu đồng. Chất lượng xi măng đạt cường độ kháng ép P-400.

Nhà máy xi măng Đông Hà đi vào hoạt động ổn định và ngày càng nâng dần sản lượng, chất lượng, từ 3.021 tấn vào năm 1981 tăng lên 4.100 tấn vào năm 1985, không những đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu xây dựng các công trình thủy lợi, giao thông, nhà ở của Nhân dân trong tỉnh Bình Trị Thiên mà còn cho các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên và một số địa phương của nước bạn Lào...

Khi tôi ngồi viết những dòng này với bao hồi ức về những ngày đầu lập lại tỉnh Quảng Trị thì nhận được thông tin lãnh đạo tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng xem xét quyết định công nhận TP. Đông Hà là đô thị loại II. Là thị trấn nhỏ với khoảng hơn 1.000 dân trước năm 1954, qua bao biến thiên lịch sử, đến năm 1989, Đông Hà trở thành thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị. Ngày 13/12/2005, Đông Hà được công nhận là đô thị loại III. Đến ngày 11/8/2009, TP. Đông Hà được thành lập với quy mô 9 phường, tổng diện tích 73 km2 , dân số 164.000 người và được đánh giá là một đô thị trẻ năng động đầu cầu về phía Việt Nam trên Hành lang kinh tế Đông- Tây.

Theo đánh giá của những người nặng lòng với Đông Hà từ những ngày vừa được giải phóng (28/4/1972), mảnh đất này từng là biểu tượng của lòng dũng cảm, tinh thần vượt khó, sáng tạo trong chiến đấu, lao động xây dựng; là ngọn nguồn cảm hứng của không ít văn nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà quản lý... tài hoa của quê hương, đất nước. Họ đã đến đây và cống hiến cho Đông Hà những công trình khoa học, những công trình xây dựng cơ bản, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tếxã hội và cả những tác phẩm văn học, văn hóa - nghệ thuật... có giá trị.

Một điều thật đáng tự hào là cách đây trên 40 năm, con số thống kê vào năm 1983 cho thấy, Đông Hà đã có 35 xí nghiệp quốc doanh sản xuất, xây dựng cơ bản, 19 hợp tác xã, tổ hợp sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thu hút 65% lao động trên địa bàn vào làm ăn tập thể; đã hình thành hệ thống sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp khá vững.

Nhiều xí nghiệp ra đời như Xí nghiệp nhiệt điện diesel, Xí nghiệp nước, Xí nghiệp cơ khí 20/12, phát triển thêm nhiều cơ sở sản xuất chổi đót, mành trúc, thêu ren, giày da xuất khẩu, sản xuất thép (Xí nghiệp 20/12), sản xuất đinh, phấn viết thạch cao...

Đặc biệt nổi bật có một số cơ sở sản xuất- kinh doanh, hệ thống hạ tầng giao thông, thương mại, dịch vụ, văn hóa, giáo dục... mà các địa phương khác trong tỉnh Bình Trị Thiên chưa có như: nhà máy xi măng, nhà máy bia, nhà máy nước, trạm bơm điện 1.000 kVA với đường dây 35kV, hai chiếc tàu vận tải thủy trọng tải 400 tấn/chiếc, nhà làm việc 3 tầng của UBND thị xã Đông Hà, nhiều trường học, bệnh viện (như Bệnh viện Hà Lan nổi tiếng một thời) được xây dựng kiên cố, khang trang đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của con em và khám, chữa bệnh của Nhân dân.

Trong bút ký Đông Hà- con người và thời gian, viết vào tháng 7/1985, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng kể lại rằng thị xã Đông Hà hồi đó (10 năm sau ngày giải phóng - năm 1982- NV) còn ít dân, vẫn tạo được sức hấp dẫn riêng bằng những mặt hàng tiểu thủ công nghiệp cấp cao... Ngoài những đồ dùng đan bằng dây điện ngũ sắc, các loại thùng nước, bồn giặt, thùng tưới, còn có những loại đinh đóng thuyền, những bàn chải làm bằng sợi bao cát, những bộ phận xe đạp sản xuất tại chỗ bằng kỹ thuật dũa và hàn xì...

Trong bút ký này, nhà văn cũng đã cho ta thấy thời bấy giờ thị xã đã phát điện riêng, cụm máy có công suất 300 kW với nhiều mạng lưới tải điện cao thế đường dây 35 kV chuyển điện lên khu vực chuyên canh Cam Lộ và chuyển điện thắp sáng vào tận Huế. Điện nuôi sống công nghiệp thị xã và giải quyết nước cho nông nghiệp. Cụm máy điện An Thái và Trạm trung gian 1.000 kW bên sông Hiếu cùng với 8 hồ nước dung tích từ 1 triệu đến 4 triệu khối nước.

Với điện và nước, Đông Hà cơ bản tưới đủ vụ đông xuân và 40% vụ hè thu trên tất cả đất nông nghiệp hiện có. Một dấu ấn của Đông Hà sau hơn 10 năm giải phóng đó còn là ở nông thôn, vấn đề cuộc sống coi như đã ổn định; còn lại khu vực thị dân, 80% đã tìm thấy công ăn việc làm trong lao động, xuất khẩu hàng hóa (riêng cây ớt, chỉ tiêu xuất khẩu năm 1985 của Đông Hà là 1 triệu rúp- đô la) và các ngành nghề dịch vụ khác.

Theo nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, đó là một nét lớn, nhân đạo nhất đối với một thị xã trước kia là quân trấn chỉ sống bằng dịch vụ chiến tranh...

Về lĩnh vực văn hóa- văn nghệ, bộ phim tài liệu lịch sử truyền thống “Mảnh đất và con người Đông Hà” đã được hoàn thành, trình chiếu rộng rãi, tạo ấn tượng tốt đẹp và nguồn cỗ vũ động viên to lớn đối với đông đảo người dân.

Năm 1984, nhóm văn nghệ sĩ trung ương do nhạc sĩ Trần Hoàn làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại Đông Hà. Đoàn gồm các nhạc sĩ nổi tiếng: Thuận Yến, Tân Huyền, Hoàng Sông Hương và các ca sĩ Thu Hiền, Lê Dung, Hồng Năm... Từ đây, một số bài hát đi cùng năm tháng đã ra đời, như “Nhịp chèo sông Hiếu” của Trần Tích; “ Đông Hà, thành phố tương lai” của Hoàng Sông Hương; “Làn khói bay bay” của Trần Hoàn, “Cỏ non Thành Cổ” của Tân Huyền...

Ở một khía cạnh khác, cần phải khẳng định, Đông Hà có được “gương mặt đô thị” với điểm nhấn là dòng sông Hiếu và cảnh quan hai bên bờ sông mở ra không gian phát triển bền vững như hôm nay cũng chính nhờ sự chuẩn bị cho tương lai của thế hệ đi trước lựa chọn, mở đường.

Đông Hà sau trước vẫn là đô thị gắn với sông nước do nằm ở ngã ba sông, nơi hợp lưu giữa 2 con sông quan trọng của vùng Quảng Trị là sông Hiếu và sông Thạch Hãn. Đông Hà cũng là đô thị được bao bọc 3 phía bởi 3 con sông: Thạch Hãn, sông Hiếu và Vĩnh Phước.

Ngoài ra còn có Hói Sòng và nhiều hồ như hồ: Trung Chỉ, Khe Mây, Đại An, Khe Sắn... Dọc đôi bờ sông Hiếu có ruộng vườn trù phú, có sản vật đa dạng với cảnh sắc non nước hữu tình ở vùng hạ lưu, đã được học giả Dương Văn An cảm tác khen ngợi: “Thượng Độ, Hạ Độ mặt trăng trên nước, trăng ngần”; “Thượng Độ, Hạ Độ dãy núi ngoài mây, xanh biếc”...

Trong bài báo: “Suy nghĩ về cách đặt vấn đề quy hoạch thị xã Đông Hà” đăng trên báo Quảng Trị ra ngày 3/8/1989, kiến trúc sư Bùi Hiệt có viết: “Tỉnh lỵ của một tỉnh thông thường là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của một tỉnh. Quy hoạch thị xã Đông Hà cũng là làm nhiệm vụ tổ chức lại hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật nhằm phục vụ cho nền sản xuất, đời sống, văn hóa của toàn tỉnh ngày một nâng lên, chứ không chỉ phục vụ cho nhu cầu thị xã, mà còn có tầm chiến lược của cả tỉnh. Đến lượt mình, thị xã Đông Hà như là một đối tượng, một chỉnh thể phục vụ cho mục đích chung đó. Vậy thì phải tạo cho bản thân Đông Hà có một cấu trúc hợp lý, đủ mạnh, đủ khả năng lan tỏa, ảnh hưởng ra cả tỉnh.

Quy hoạch thị xã Đông Hà không chỉ có “mục đích tự thân”. Một đô thị ra đời và phát triển theo quy luật riêng của nó, thậm chí những khả năng xung quanh đô thị lại có tác động hầu như quyết định đến tính chất, quy mô và hình thái của đô thị.

Với Đông Hà, tôi nghĩ chính cảng Cửa Việt đóng vai trò quyết định đó. Nếu đường 9 đã góp phần sinh ra thị xã Đông Hà thì cảng Cửa Việt sẽ nuôi dưỡng, làm cho đô thị này lớn lên gấp bội”. Trong quá trình phát triển, dự phóng này của kiến trúc sư Bùi Hiệt đã được kiểm chứng và tỏ rõ sự “có căn cứ” của nó.

Có một nhà văn hóa nước ngoài từng nói, đại ý rằng, cách thức để nhận ra diện mạo của quê hương chính là phải rời xa nó; cách thức để tìm về quê hương là hãy tìm nó trong tâm hồn mình, trong ký ức, trong hoài niệm...

Hoàn toàn không như một mô hình mẫu, làm ra để mọi người đến chiêm ngắm, một đô thị sinh ra, lớn lên, dù có chăm chút đến đâu cũng không bao giờ toàn bích trong ước vọng của nhiều người bởi sự “thay da đổi thịt” từng ngày, trong đó không phải sự thay đổi nào cũng mang lại hiệu quả tức thì mà không có vấp váp, bất cập, trăn trở...

Do vậy, nhớ về Đông Hà, tôi chỉ nhớ những điều đáng nhớ...

Đào Tâm Thanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/da-tung-co-mot-dong-ha-nhu-the-186674.htm