Có một ngôi trường như thế ở vùng Cùa
Vào những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ XX, thời điểm cả dân tộc ta đang huy động mọi nguồn lực, tập trung sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tại chiến khu Cùa (nay là 2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ), đã hình thành một mái trường kháng chiến: Trường Phổ thông cấp 2 Lê Thế Hiếu.
"Ngọn đuốc" mở đường cho giáo dục Quảng Trị
Trường Phổ thông cấp 2 Lê Thế Hiếu ra đời (tháng 9/1950) là ngôi trường cấp 2 đầu tiên của tỉnh Quảng Trị vinh dự được mang tên đồng chí Lê Thế Hiếu, một chiến sĩ cách mạng kiên trung, đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là vị Chủ tịch đầu tiên của chính quyền cách mạng tỉnh Quảng Trị. Trường được đặt dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh và sự chỉ đạo trực tiếp về chuyên môn của Ty Giáo dục Quảng Trị.
Ngay trong năm đầu thành lập, trường đã có 13 lớp gồm: 3 lớp cấp 2 và 10 lớp cấp 1. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng bộ máy quản lý của trường vẫn được tổ chức chặt chẽ. Bên cạnh Ban Quản trị kiêm Hội đồng kỷ luật do Hiệu trưởng nhà trường làm chủ tịch còn có Hội đồng giáo viên, Hiệu đoàn học sinh. Thầy giáo Phan Cự Nhân, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội là Hiệu trưởng đầu tiên của trường. Thầy giáo Hồ Sĩ Phan, lúc bấy giờ là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cam Lộ được phân công trực tiếp làm Bí thư Chi bộ.
Ngày khai trường đầu tiên cũng là ngày Nhân dân Cam Lộc (nay là 2 xã Cam Chính, Cam Nghĩa) thay mặt Nhân dân cả tỉnh đón chào những thầy giáo đầu tiên đến từ nhiều miền quê Thanh - Nghệ - Tĩnh và học sinh từ mọi miền quê Quảng Trị về đây tụ hội. Thế hệ thầy giáo, học sinh đầu tiên ấy chính là những người thắp lên ánh sáng văn hóa, đốt lên "ngọn đuốc" mở đường cho sự nghiệp giáo dục Quảng Trị.
Ngày đầu lập trường trước vô vàn khó khăn, thiếu thốn, trường tranh, vách nứa, bàn ghế tạm bợ, sách vở, tài liệu không có, giáo viên phải tự soạn chương trình lên lớp, nơi ăn chốn ở phân tán, nhưng bằng ý chí nghị lực, tâm huyết nghề nghiệp, trách nhiệm cao và tinh thần cách mạng bừng sôi, nhà trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, để lại trong Nhân dân và các cấp lãnh đạo những ấn tượng tốt đẹp khó phai mờ, được Nhân dân tin yêu và kính trọng.
Bên cạnh việc dạy học, nhà trường cùng Nhân dân tích cực tham gia lao động sản xuất, tổ chức kháng chiến. Nhà trường luôn coi trọng nếp sống quân sự hóa, chuẩn bị điều kiện bổ sung nhân lực vào lực lượng vũ trang. Những ngày ấy nhà trường trở thành “hạt nhân”, “tâm điểm” của văn hóa, giáo dục, mang ánh sáng văn hóa của Đảng, nền giáo dục cách mạng đến với mọi người dân.
Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, tháng 8/1954, trường phải tạm thời đóng cửa trong sự tiếc nuối của thầy trò, Nhân dân Quảng Trị và bà con vùng Cùa. Sau khi trường giải thể, bộ phận cấp 2 tập kết ra Vĩnh Linh tiếp tục sự nghiệp dạy và học, bộ phận cấp 1 ở lại thành lập Trường tư thục Hòa Bình.
Nơi ươm mầm những tài năng trác việt
Mặc dù chưa tròn 4 năm tồn tại, song Trường Phổ thông cấp 2 Lê Thế Hiếu đã gánh vác trọng trách là “chiếc nôi” đào tạo những “hạt giống đỏ’ cho cách mạng và đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà. Từ đây đã đào tạo hàng trăm con em Quảng Trị, sau này trưởng thành, trở thành những cán bộ cốt cán, tham gia cống hiến trên nhiều lĩnh vực của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất non sông và xây dựng quê hương, đất nước.
Chỉ vẻn vẹn chưa đầy 1.500 ngày, song tình nghĩa được kết tinh dưới mái trường này thì vô cùng sâu nặng, đó là tình nghĩa thầy trò, bè bạn, tình nghĩa giữa lãnh đạo địa phương với nhà trường, đặc biệt là tình nghĩa bà con quê hương vùng Cùa với các thầy giáo và các lớp học sinh.
Cho đến nay, trong ký ức của Nhân dân Quảng Trị vẫn hiện hữu một mái trường kháng chiến mang tên Lê Thế Hiếu - nhà giáo, nhà cách mạng, người con trung hiếu của quê hương Quảng Trị; mãi ghi nhớ hình ảnh đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Quang Xá, đồng chí Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh Trương Quang Phiên, những người đã băng rừng, lội suối ra Ủy ban Kháng chiến - Hành chính và Sở Giáo dục Liên khu IV xin phép mở trường và xin giáo viên chi viện cho trường.
Nhân dân Quảng Trị mãi ghi nhớ hình ảnh những thầy giáo: Phan Cự Nhân, Hồ Đình Lư, Phạm Viết Trinh, Phan Hữu Danh, Đồng Phạm Để, Ngô Thiên Tứ, Đỗ Xuân Trạch, Nguyễn Bá Tân..., những thanh niên trí thức từ vùng tự do Thanh- Nghệ- Tĩnh đã hăng hái vượt núi băng sông, len lõi qua bao bốt giặc, mang ánh sáng văn hóa của Đảng đến cho con em Quảng Trị. Mãi ghi nhớ công ơn thầy Hồ Sĩ Phan, thầy Thái Tăng Ly và nhiều thầy cô khác - những người con thân yêu của Quảng Trị đã góp sức vào xây dựng ngôi trường kháng chiến vang danh một thời. Tên tuổi những người có công tạo dựng nên nhà trường, các thầy giáo luôn được trân trọng, vinh danh trong những trang vàng của lịch sử giáo dục tỉnh nhà.
Chính trong những ngày gian khổ buổi đầu tạo dựng trường đã là nơi ươm mầm cho đất nước những tài năng trác việt. Đó là những nhà khoa học, văn nghệ sĩ, những thầy giáo mẫu mực, cống hiến trọn đời cho Tổ quốc, Nhân dân. Đó là các Giáo sư- Tiến sĩ khoa học Hồ Sĩ Thoảng, Nguyễn Xuân Thường, Nguyễn Thanh; Giáo sư - Viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh; các Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Trọng Đăng Đàn, Lê Đình Phiên; Phó Giáo sư Hồ Sĩ Khoách… những nhà khoa học lừng danh với nhiều công trình khoa học đồ sộ; đó là những thầy giáo tâm huyết như các thầy Trương Quang Đệ, Nguyễn Xuân Hòa, Trần Văn Hối, Trần Anh Vinh… những giảng viên đại học đã đào tạo nên nhiều thế hệ học sinh ưu tú đang công tác trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trên mọi miền đất nước. Và rất nhiều nhà quản lý, nhà lãnh đạo, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú đã và đang làm rạng rỡ thêm truyền thống vẻ vang của nhà trường.
Ông Nguyễn Diêm, cựu học sinh khóa 1950 - 1953, Trường Phổ thông cấp 2 Lê Thế Hiếu, trong bài viết “Tầm nhìn xa” vào năm 2010 đã chia sẻ: “Hơn nửa thế kỷ qua, nhìn lại những gì Trường Lê Thế Hiếu từ thế hệ thầy và trò những năm tháng kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh đến thế hệ thầy và trò những năm 70 đến nay làm được, chúng ta có thể khẳng định mạnh mẽ rằng những suy nghĩ, những tư duy đúng đắn, sắc sảo được nảy nở rất sớm của những đồng chí lãnh đạo tỉnh hơn 60 năm trước chính là nguồn gốc, là điểm tựa cho sự phát triển của nền giáo dục cách mạng Quảng Trị.
Từ điểm tựa ngôi trường kháng chiến này, thế hệ thầy và trò đầu tiên của chúng tôi ngày ấy mới có điều kiện vươn tới chân trời cao rộng của nền học vấn mênh mông, có điều kiện để chiếm lĩnh những đỉnh cao tri thức khoa học của loài người. Các thầy của chúng tôi ngày ấy trình độ học vấn mới tốt nghiệp trung học chuyên khoa, nhưng sau này nhiều thầy đã vươn lên trở thành những nhà khoa học danh tiếng”.
Những ký ức không thể phai mờ
Ông Trần Trọng Tốn, nguyên Tổng Biên tập Báo Quảng Trị, cựu học sinh khóa 1950 - 1954 nhớ lại: “Khi có chủ trương mở trường học cho con em, bà con rất phấn khởi. Cho nên không đầy một tháng, Nhân dân đã đóng góp đầy đủ gỗ, tre, nứa, lá dựng 3 phòng học cho trường cấp 2 mới mở. Nhưng đó chỉ là bước đầu. Từ năm 1950 - 1954, Trường Lê Thế Hiếu phải dời địa điểm 5 lần và hàng chục lần bị địch đốt phá. Cứ mỗi lần như vậy, Nhân dân Cùa lại góp công sức dựng lại trường, làm lại bàn ghế. Và vì thế, tất cả học sinh cấp 2 chúng tôi đều biết cắt tranh, đánh tranh, cặp và dựng nhà. Những năm sau, học sinh lớp 6, 7 tự lực được trong việc xây dựng trường lớp, phục vụ học tập.
Những năm học ở Cùa, học sinh đa số là dân đồng bằng lên, xa nhà. Bà con vùng Cùa coi học sinh như con em họ. Ở học với dân, có gì ăn nấy. Sau này chúng tôi thành lập các tổ tự túc, xin đất trồng thêm sắn, khoai, rau màu góp vào bữa ăn hằng ngày. Tuy vậy, khi có trái mít, rổ khoai, bà con vẫn dành cho chúng tôi. Đặc biệt, lần đầu tiên trong cuộc đời học sinh và cũng là lần cuối cùng, chúng tôi gọi thầy bằng anh. Tôi còn nhớ bữa ăn chủ yếu là khoai, sắn, rau tàu bay, nước ruốc, thầy trò sau giờ học là cùng vào bếp nấu nướng.
Đêm nằm ôm nhau trong chiếc chăn vải thô nhuộm nâu, nghe tiếng muỗi vo ve vì không có màn. Ở chiến khu thèm đường. Có người tặng thầy bánh đường đen. Thầy dùng dao sắc chặt băm ra nhiều miếng để học sinh nào cũng có cục đường ngậm trong miệng. Có lẽ vì thế mà từ sâu thẳm bật lên tiếng gọi thầy bằng anh và dường như thầy cũng cảm thấy tiếng gọi từ máu thịt của tình anh em. Trong những giai đoạn chiến tranh ác liệt, thầy trò đều xa gia đình lên sống chung với nhau dưới một mái trường nên tình cảm thân thiết như anh em ruột thịt.
Trường Lê Thế Hiếu được thành lập, liền sau đó tổ chức thanh niên học sinh được hình thành. Đây là tổ chức đoàn kết thanh niên dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng nhà trường và hoạt động trong khuôn khổ quy chế của trường học. Tổ chức thanh niên học sinh có 3 cấp. Tỉnh đoàn học sinh, các trường gọi là Hiệu đoàn, mỗi lớp có một phân đoàn, nòng cốt của tổ chức này là Đoàn Thanh niên cứu quốc. Mọi hoạt động phục vụ cho học tập, văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, luyện tập quân sự, làm trường ốc, tham gia công tác xã hội, công tác kháng chiến do chi bộ và hội đồng giáo dục nhà trường đề ra, Hiệu đoàn học sinh chỉ đạo thực hiện, làm xong có tổng kết, báo cáo. Chính tổ chức học sinh này đã giúp cho chúng tôi rèn luyện bản lĩnh, ý thức tập thể và tinh thần chủ động, sáng tạo khi bước vào đời…”.
Đối với GS-TS Hồ Sĩ Thoảng, cựu học sinh giai đoạn 1950-1954, những ký ức về trường xưa, lớp cũ sẽ không bao giờ phai mờ: “Cuộc sống ở Cùa tuy rất lý thú, nhưng cũng thật gian khổ. Sốt rét và ghẻ thì có lẽ ít người thoát được. Tôi thuộc loại bị khá nặng cả hai thứ. Có thể nguyên nhân là muỗi hoặc gì đó nữa, lúc đó chúng tôi chỉ biết là do nước “độc” nhưng thực sự có lẽ là do ở không sạch. Tôi nhớ cả làng Thiết Tràng chỉ có hai cái giếng mà giếng được sử dụng nhiều nhất là cái giếng ở giữa đồng, nước giếng chảy ra ruộng luôn. Giếng thì như cái hồ nhỏ, tôi vẫn xuống tắm giặt ở đấy hết.
Việc học tập của chúng tôi thời bấy giờ có lẽ là điều rất thú vị và có thể nói là đặc sắc. Chúng tôi có rất nhiều thời gian để chơi, đôi khi cùng làm việc với người lớn và làm đủ thứ việc lặt vặt mà mỗi đứa trẻ ở nhà quê đều biết làm. Lấy củi, làm vườn, thậm chí trông trẻ em… đều làm được và đặc biệt là làm một cách ham thích. Thế nhưng việc học thì cảm thấy không bao giờ thiếu thời gian. Mà không phải học ít. Thời bấy giờ, tôi đã thuộc tên các tỉnh của nước ta, nhất là các tỉnh Trung Bộ tính từ ngoài vào là nhờ bài học địa lý lớp Bốn thầy Phổ dạy.
Có lần tôi đang học lớp Năm lại bị phân công xuống dạy môn “công dân giáo dục” lớp Ba vì thầy lớp đó đi vắng… Đối với tôi, những năm tháng được sống và học tập ở Cùa - Trường Lê Thế Hiếu có ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống và sự nghiệp của tôi sau này. Xin gửi những lời chúc và điều ước tốt đẹp nhất đến với mảnh đất đã từng nuôi dưỡng, dạy dỗ nên người một thế hệ từng là mầm non đầy sức sống dưới mái trường mang tên người con trung hiếu, bất khuất của quê hương Quảng Trị anh hùng”.
Giáo sư- Viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh tâm sự: “Trong ba điều bất hủ của một đời người: Lập đức, lập ngôn, lập công thì có thể nói, ở những mức độ khác nhau, chúng tôi đã cố gắng đạt đến. Dù ở xa quê nhưng cội nguồn, quê cha đất tổ, nguồn gốc tông tộc, đồng hương, đồng đội, trường xưa lớp cũ bao giờ cũng có sức vẫy gọi chúng tôi, bởi đó là chỗ dựa tinh thần của những người con xa xứ, được coi như một nét đẹp văn hóa, góp phần định hướng đạo đức, tinh thần của chúng tôi và của thế hệ mai sau khi nghĩ về Quảng Trị anh hùng, về mái trường Lê Thế Hiếu thân thương…”.
Nhân lên tinh thần hiếu học ở vùng quê cách mạng
Tuy bị giải thể nhưng tên Trường Lê Thế Hiếu không bao giờ mất đi trong tâm trí người dân Quảng Trị. 15 năm sau ngày giải phóng, để ghi nhớ công lao của một nhà cách mạng lão thành, thể theo nguyện vọng của Nhân dân Quảng Trị nói chung, của Nhân dân Cam Lộ và các xã Cam Chính, Cam Nghĩa nói riêng, UBND tỉnh đã quyết định cho phép Trường THCS Cam Chính đổi tên thành Trường THCS Lê Thế Hiếu từng vang bóng một thời. Đây là một quyết định hết sức đúng đắn, thuận ý dân, hợp lòng thầy, cô bao thế hệ. Bắt đầu từ quyết định thắm đượm nghĩa tình và đầy trách nhiệm đó, đến nay trên địa bàn xã Cam Chính, huyện Cam Lộ trường của ba cấp học đều mang tên Lê Thế Hiếu.
Từ những lán trại, nhà tranh vách đất trong những năm đầu mới giải phóng, đến nay cả vùng quê cách mạng này đã có những khu trường cao tầng khang trang, bề thế, hồng tươi mái ngói, rợp mát cây xanh, đầy đủ các phòng học, phòng chức năng, khu vui chơi giải trí, nhà công vụ… với nhiều trang thiết bị hiện đại, cơ bản đáp ứng việc giảng dạy, học tập và các sinh hoạt khác của nhà trường. Từ hơn 10 thầy, cô giáo trong buổi đầu kết thúc chiến tranh, đến nay trên địa bàn xã Cam Chính đã có đội ngũ cán bộ, giáo viên đông đảo. Đây là một tập thể sư phạm có trách nhiệm chính trị cao, nhiệt huyết với nghề nghiệp, vững vàng trong chuyên môn, nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức, lối sống.
Cùng với sự phát triển của quê hương, số lượng học sinh hằng năm ở cả 3 cấp học đã lên đến hàng ngàn em. Học sinh các trường mang tên Lê Thế Hiếu không chỉ có mặt trong đội ngũ học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh mà còn góp mặt trên đấu trường cấp quốc gia, có em đã lọt vào sâu vào cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia”, nhiều em đã thi đỗ vào các trường đại học hàng đầu, danh tiếng của cả nước. Chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn đều đạt được những thành tích ấn tượng. Cả trong những thời điểm khó khăn nhất hay đến hôm nay, cuộc sống đang ngày càng khởi sắc, trong mỗi cô, cậu học trò vùng Cùa luôn biết nhẫn nại thay đổi đời mình bằng sự khổ học, khát học, chuẩn bị hành trang để có thể bước vào đời một cách chững chạc, đàng hoàng…
Nhớ về mái trường Lê Thế Hiếu năm xưa hằn sâu trong ký ức bao người, bắt gặp những dòng trong bút ký “Rất nhiều ánh lửa” của Hoàng Phủ Ngọc Tường, những tưởng như ông dành để viết riêng cho nơi này: “... Tôi cảm thấy bỡ ngỡ như vừa bắt gặp những điều mới lạ. Tôi thấy tôi bị lôi cuốn vào không khí của một lớp học thật sự, giống như bất kỳ nơi nào trên trái đất này, con người đã từng có một nơi gọi là nhà trường, từ đó nhân loại khởi đầu cuộc hành trình vô tận của nó để đi tới những nền văn minh...”.