Có một ngôi trường trong trí nhớ
'Tôn sư trọng đạo' vốn là truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay của người Việt. Ấn phẩm Nhạc Thanh - Một thời đáng nhớ (NXB Hồng Đức), ra mắt đúng dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, một lần nữa khẳng định truyền thống này.
1. Một đời người, từ lúc bé đến lúc lớn rồi trưởng thành, ra đời, sẽ được gặp gỡ và học tập bởi rất nhiều thầy cô trong nhà trường lẫn ngoài đời. Nhưng có lẽ, không riêng ai mà dường như với tất cả, những người thầy, người cô dìu dắt ta từ tấm bé, từ những con chữ vụng dại, vẫn để lại ấn tượng sâu đậm hơn cả. Và thầy Lâm Bá Nhạc với ngôi trường Nhạc Thanh cũng vậy.
Trường Tiểu học Tư thục Nhạc Thanh đi vào hoạt động từ năm 1955, được đặt tại ấp Bến Cỏ (xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TPHCM), dạy từ lớp vỡ lòng cho đến lớp Nhứt (ngày nay gọi là lớp 5). Dù chỉ tồn tại trong gần 6 năm (1955-1960), trong giai đoạn chiến tranh diễn ra ác liệt, nhưng ngôi trường Nhạc Thanh ấy đã làm nên những điều kỳ tích khi đã đào tạo gần 150 học sinh đậu bằng tiểu học và thi đậu vào các trường trung học công lập. Đại đa số học sinh sau này đều hòa vào cuộc chiến tranh yêu nước, giải phóng dân tộc giai đoạn 1954-1975.
Bây giờ, học trò trường Nhạc Thanh đều không còn trẻ nữa. Đến năm 2023, người có tuổi đời nhỏ nhất đã trên 70, lớn nhất cũng trên 80 tuổi. “Nhiều người trong số họ chống gậy đến, gặp nhau tay bắt mặt mừng”. Đó là hình ảnh được tác giả Quang Ân tái hiện trong bài viết Buổi họp lớp đặc biệt đầy xúc động. Có thể bây giờ, nhắc đến tên trường Nhạc Thanh sẽ khiến thế hệ sau này lạ lẫm. Bởi vậy, ấn phẩm Nhạc Thanh - Một thời đáng nhớ với 28 bài viết cùng rất nhiều hình ảnh, tranh ký họa, giống như một bảo tàng ký ức sinh động và ý nghĩa, để thế hệ sau biết và trân trọng về tình nghĩa, sự nhân hậu mà thầy trò trường Nhạc Thanh đã dành cho nhau.
Cũng từ ngôi trường thân yêu này, bằng lòng yêu nước và được rèn luyện hun đúc qua khói lửa chiến tranh, nhiều học trò trưởng thành vượt bậc, thể hiện qua công việc, qua sự tín nhiệm của Nhà nước và lòng tin yêu của nhân dân. Có người được tín nhiệm ở cương vị cao như Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Văn Chí, nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Lê Công Môn, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn…
Điều khiến người đọc không khỏi xúc động khi lật mở từng trang Nhạc Thanh - Một thời đáng nhớ, ấy là dù đã ở những cương vị cao, nhưng vào những ngày lễ đặc biệt như 20-11, mùng ba Tết, ngay cả cái ngày thầy Lâm Bá Nhạc xuất viện, người ta vẫn thấy lớp học trò với mái đầu trắng cước quây quần bên ông.
Bài viết Mãi mãi nhớ ơn thầy của đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước, có lẽ đã nói thay cho tấm lòng của rất nhiều học trò trường Nhạc Thanh hồi đó về người thầy Lâm Bá Nhạc của mình: “Tất cả học sinh đều gọi thầy bằng anh Năm. Thầy xem học trò như con em của mình để tận tình chăm sóc, chú ý quan tâm những bạn gặp khó khăn về gia cảnh, những bạn còn yếu, còn nhỏ. Thầy ân cần chỉ bảo, kèm cặp từng người, phân công các trò lớn, học giỏi giúp các bạn học chưa vững, còn kém chậm trong tiếp thu. Thầy muốn tất cả cùng học trong không khí chan hòa, người giỏi kèm cặp người yếu để cả lớp cùng tiến bộ. Nhờ vậy mà chẳng bao lâu, lớp học tiến lên đồng đều, bản thân tôi cũng nhận ra mình dần dần tiến bộ và ngày càng dễ dàng tiếp nhận cái mới từ lời giảng của thầy”.
2. Người thực hiện công tác chủ biên cho ấn phẩm Nhạc Thanh - Một thời đáng nhớ là ông Phan Hồng Chiến (82 tuổi), nguyên Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng và Báo Người Lao Động. Một điều đặc biệt là ông Phan Hồng Chiến không phải học sinh trường Nhạc Thanh, nhưng điều gì khiến ông vẫn dành thời gian và tâm huyết để sưu tầm, tập hợp những bài viết, hình ảnh làm thành ấn phẩm có ý nghĩa này, trong khi tuổi đã cao?
Trong bài viết Ngôi trường đặc biệt, ông Phan Hồng Chiến có chia sẻ, nhà ông cách trường Nhạc Thanh một khu vườn, nhưng được gia đình đưa về Sài Gòn học từ tiểu học. Đó là lý do ông không được theo học thầy Năm Nhạc, dù ông cùng lứa tuổi với học sinh lớp đầu tiên của trường và có khá nhiều bạn bè, bà con là học sinh của trường. Dẫu không phải là học sinh của trường, nhưng bằng duyên nợ đặc biệt, và nhất là bằng tình cảm, sự yêu quý dành cho ngôi trường mà mãi đến sau khi nghỉ hưu mới có dịp tìm hiểu, ông Phan Hồng Chiến đã cất công cùng các cựu học sinh của trường hoàn thành ấn phẩm Nhạc Thanh - Một thời đáng nhớ.
Ông Phan Hồng Chiến kể: “Năm 2008, tôi dự cuộc họp của chính quyền xã Phú Hòa Đông đón Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về thăm thầy Lâm Bá Nhạc, Hiệu trưởng - thầy giáo trường Nhạc Thanh, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Qua cuộc họp, tìm hiểu thêm, tôi mới biết ngôi trường này có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước, đã đào tạo bao lớp học sinh mà ít có trường tiểu học tư thục nào làm được”.
Như một câu ca dao được truyền từ bao đời nay của người Việt: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, những học trò trường Nhạc Thanh ngày đó không những yêu mà còn kính trọng, luôn khắc ghi trong lòng về người thầy Lâm Bá Nhạc. Dẫu khi tuổi đời đã cao, đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, mái đầu bạc trắng, thì họ vẫn nhớ, vẫn yêu thầy.
Trường Nhạc Thanh, thầy Lâm Bá Nhạc vẫn sẽ luôn ngời sáng trong tâm trí, để không chỉ cựu học sinh của trường mà bất cứ ai có cơ hội được tìm hiểu, được đọc Nhạc Thanh - Một thời đáng nhớ cũng đều bồi hồi, xúc động trước những tấm lòng nhân ái, nghĩa tình mà thầy và trò trường Nhạc Thanh đã dành cho nhau.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/co-mot-ngoi-truong-trong-tri-nho-post714778.html