Có một nơi ấm áp như thế!
Ngày 20/7, là dấu mốc quan trọng đối với tôi cũng như toàn thể các đồng nghiệp đã và đang công tác tại ấn phẩm Pháp luật và Xã hội – kỷ niệm 17 năm Pháp luật và Xã hội xuất bản số đầu tiên.
“Lọt vào” môi trường báo chí chuyên nghiệp
Với phương châm “cùng bạn đọc tiếp cận công lý” ngay từ buổi đầu xây dựng (20/7/2006) đến nay, Pháp luật và Xã hội đã ghi được dấu ấn tích cực trong lòng bạn đọc, không chỉ ở Thủ đô, mà còn ở nhiều địa phương khác trong cả nước.
Tôi là thế hệ phóng viên đến sau, khi “ngôi nhà chung” Pháp luật và Xã hội đã được hình thành và phát triển. Vào năm 2013, tôi chính thức được ký hợp động lao động tại tòa soạn Pháp luật và Xã hội, sau thời gian dài nỗ lực vượt qua giai đoạn thử việc.
Chính thức trở thành một phóng viên chuyên nghiệp công tác tại một cơ quan báo chí thuộc TP Hà Nội, với cá nhân tôi đây là một dấu ấn quan trọng trong đời. Được rèn giũa trong môi trường hoạt động báo chí chuyên nghiệp, đĩnh đạc đã giúp tôi có những bước trưởng thành, bản lĩnh hơn trong công việc cũng như đời sống.
Kể từ thời điểm ngày 15/4/2016 đến nay, đã hơn 7 năm tôi chính thức nhận Quyết định điều chuyển về Văn phòng thường trú của báo Pháp luật và Xã hội tại tỉnh Vĩnh Phúc, nay là ấn phẩm Pháp luật và Xã hội thuộc báo Kinh tế và Đô thị. Thời gian đầu nhận nhiệm vụ phóng viên thường trú địa bàn đối với tôi quả là một “thử thách” thực sự, mà khi đó tôi từng nghĩ rằng bản thân không thể vượt qua.
Vĩnh Phúc là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế xã hội luôn nằm ở tốp đầu trong 63 tỉnh thành trong cả nước, lại có vị trí địa lý gần Thủ đô Hà Nội, giao thông thuận lợi nên hoạt động báo chí tại địa phương cũng diễn ra rất sôi động. Mức độ cạnh tranh thông tin giữa phóng viên các tòa soạn cũng diễn ra vô cùng quyết liệt. Hiện tại, có khoảng 20 cơ quan báo chí có văn phòng đại diện, hoặc cử phóng viên thường trú tại Vĩnh Phúc.
Nhà tôi ở TP Phúc Yên, nhưng thời điểm năm 2016 trở về trước, tôi là phóng viên công tác tại tòa soạn, nên địa bàn hoạt động chủ yếu ở Thủ đô Hà Nội. Thời điểm đó, nhiệm vụ của tôi là viết những tin bài mang tính thời sự, những tin tức về các vụ án, hoặc những gương người tốt việc tốt, khai thác các thông tin về những câu chuyện độc dị lạ, thu hút sự quan tâm của dư luận, phục vụ bạn đọc.
Tôi đã quen với công việc của một phóng viên công tác tại tòa soạn như vậy, nên khi lãnh đạo giao nhiệm vụ mới về làm phóng viên thường trú địa bàn Vĩnh Phúc, tôi rất lo ngại.
Hơn cả một công việc…
Ngay trong các đồng nghiệp những người tôi thường xuyên gặp gỡ và cũng là bạn bè của tôi, cũng có người khuyên nhủ tôi, thậm chí lo ngại khả năng tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ tòa soạn giao phó. Bởi lẽ nhiệm vụ của PV thường trú cũng sẽ có những khó khăn thử thách hơn so với việc tôi đã quen với nếp làm việc của một PV tại tòa soạn Hà Nội - tôi có nhiều đồng nghiệp, mà thời gian làm việc chúng tôi đã tạo thành ê-kíp rất ăn ý với nhau và có thể chia sẻ thông tin, phối hợp cùng nhau hiệu quả.
Những “băn khoăn, do dự” đó của tôi, đã được lãnh đạo tòa soạn nhìn thấy, và kịp thời động viên giúp đỡ. Qua đó giúp tôi tự tin hơn, những khó khăn vướng mắc trong quá trình tác nghiệp đều được kịp thời tháo gỡ, để tôi hoàn thành tốt các nhiệm vụ của một phóng viên thường trú.
Tôi đã nhanh chóng xác định nhiệm vụ của người phóng viên thường trú địa bàn, phát huy vai trò của báo chí về công tác tuyên truyền cho địa phương… Tôi cố gắng xây dựng mối quan hệ, gây dựng những tình cảm tốt đẹp với địa phương nơi thường trú. Những nỗ lực của tôi đã được lãnh đạo địa phương, cùng nhiều cơ quan ban ngành, cũng như người dân ghi nhận, dành cho phóng viên thường trú nói riêng, và tòa soạn nói chung sự trân trọng, và nhiều thiện cảm.
Quá trình hoạt động, với vai trò là phóng viên thường trú, tôi luôn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của lãnh đạo tòa soạn, nội quy định của cơ quan, thực hiện nghiêm quy định của Luật Báo chí. Bám sát hoạt động chính trị của địa phương; tổ chức tuyên truyền cho người dân hiểu về pháp luật - xuyên suốt về tư tưởng, ủng hộ đường lối chủ trương của tỉnh tới thành phố, huyện, xã, phường.
Tích cực tuyên truyền để người dân biết được quyền lợi của mình – hiểu rõ về nghĩa vụ của mình, khi tỉnh, thành phố thực hiện triển khai các dự án, các công trình xã hội, công trình phúc lợi dân sinh… Trong các bài phản ảnh của phóng viên thường trú, đã thể hiện tinh thần giá trị “cốt lõi” của tập thể tòa soạn, đó là cùng bạn đọc tiếp cận công lý – bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai, tuyên dương những điển hình tiên tiến...
Thông tin phản ảnh trong các bài viết, tôi đều rất thận trọng để đảm bảo chính xác, khách quan, minh bạch. “Rành mạch, xác đáng” trong thông tin, đã trở thành nguyên tắc đối với cá nhân tôi, khi triển khai thực hiện bài viết, để nhằm mục đích cung cấp thông tin đầy đủ nhất về sự kiện để bạn đọc theo dõi.
Bên cạnh những bài viết tuyên truyền, tôi cũng có những loạt bài viết phê phán những việc làm chưa được tại địa phương. Dẫu là phê phán, tôi cũng bám sát chỉ đạo của lãnh đạo tòa soạn, thể hiện nội dung chính xác, khách quan trên tinh thần chân thành xây dựng để người bị phê phán nhận thức được hành vi sai trái của mình có hướng khắc phục.
Chặng đường 17 năm (20/7/2006 – 20/72023) Pháp luật và Xã hội xuất bản số đầu tiên, cũng có thể xem là dài với nhiều thăng trầm, vui cũng nhiều và nhọc nhằn cũng không phải ít. Trong hành trình ấy biết bao mồ hôi công sức, trí tuệ của các đồng nghiệp tôi đã nỗ lực thầm lặng cống hiến vì “ngôi nhà” Pháp luật và Xã hội.
Để hôm nay, chúng tôi luôn tự hào ấn phẩm Pháp luật và Xã hội, báo Kinh tế và Đô thị, không chỉ là cơ quan công tác, nơi ấy còn là gia đình chung.
Trong vai trò của phóng viên thường trú địa bàn, tôi ngày càng được nhiều bạn đọc tin cậy, hợp tác, cũng như lãnh đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn thường trú đánh giá cao nội dung thông tin trong các bài viết mà tôi thể hiện trên ấn phẩm Pháp luật và Xã hội, cũng như trên báo Kinh tế và Đô thị.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/co-mot-noi-am-ap-nhu-the-344814.html