Có một nỗi nhớ
Vậy là năm nay tôi lỡ hẹn với Quảng Trị, một cái hẹn nghĩa tình, điều cứ nghĩ chẳng khi nào xảy ra. Tự dưng trong lòng cứ dậy lên một nỗi nhớ. Nhớ cái nắng, cái nóng, nhớ màu xanh ngút ngát đến chói mắt của trời, của biển, nhớ cả làn gió nóng ràn rạt từ dãy Trường Sơn thổi qua dải đất hẹp của miền Trung.
Còn nhớ lần đầu biết cái nắng Quảng Trị, khi mới tròn 18 tuổi. Cũng lần đầu biết loài hoa giấy có thể nở những bông hoa rực rỡ đến thế. Trong cái nắng tháng Tư Quảng Trị chói chang, hoa giấy càng rực lên như những trái tim rực lửa. Là con trai Hà Nội, tôi nhiều lần ngẩn ngơ ngắm những vòm hoa giấy phủ kín cổng những căn biệt thự sang trọng, có phần kín cổng cao tường trên những con phố Nguyễn Du, Trần Hưng Đạo, Phạm Đình Hổ… như một biểu hiện của cuộc sống sang trọng, quý phái. Lần đầu tiên ở Quảng Trị, trong cái nắng tháng Tư, tôi mới thấy loài hoa ấy gần gũi mà mạnh mẽ bung nở đến thế. Cảm giác ấy làm cậu trai lần đầu xa thành phố quê hương bớt đi nỗi nhớ Hà Nội lúc đó đang vào hè, nhớ bạn bè người thân trong ngày chính thức bước qua tuổi 18. Có lẽ, cũng từ cái cảm nhận gần gụi ban đầu trong thời khắc đặc biệt ấy mà tôi dần yêu cái nắng, cái gió của Quảng Trị, những điều khiến màu đất ba dan như càng đỏ hơn, màu tím hoa giấy tím hơn, nước sông và biển trời càng xanh hơn, con người cũng quyết liệt mà đằm thắm hơn…
Lẽ thường, cứ tháng Bảy là tôi có chuyến đi Quảng Trị. Không kể những lần lại qua khác. Chuyến đi Quảng Trị tháng Bảy như là lễ trọng, tưởng nhớ các đồng đội và cả những bậc tiền bối nằm lại Thành Cổ, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Đường 9. Thường là rất ngắn, vì đó cũng là dịp Quảng Trị bận rộn với những đoàn hành hương từ mọi miền đất nước. Đã thành lệ vậy, nên dù có nhớ Quảng Trị, nhưng thường là nỗi nhớ thoảng qua. Lần này thì khác. Đúng dịp tháng Bảy, Hà Nội giãn cách theo Chỉ thị 15, rồi 16. Vậy là hy vọng vụt tắt và nỗi nhớ bùng lên. Ngồi trong Hà Nội phong tỏa vì COVID-19, tôi nhớ nhiều đến Quảng Trị, thèm được cùng bạn bè, đồng nghiệp chạy xe trên những cung đường Hồ Chí Minh êm thuận, giữa những lô cao su xanh mát, đến thắp hương cho đồng đội nơi Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Thành Cổ Quảng Trị. Bình thường không sao. Nếu nhớ quá chỉ một ngày chạy xe là tôi có thể ùa vào sóng biển Cửa Việt, hòa vào những gương mặt thân quen của anh em, đồng nghiệp, được ăn những bữa cơm đậm chất Quảng Trị mà không bao giờ thiếu chén ớt, chùm tiêu xanh cùng vài nhánh tỏi. Không hiểu sao tôi luôn thích thú với cái chén con con, đựng mấy trái ớt hiểm, chùm tiêu xanh và vài nhánh tỏi ấy. Mâm cơm dọn lên, nếu thiếu chén gia vị ấy, như vẫn chưa trọn vẹn. Có lẽ bởi chất người Quảng Trị đã ngấm vào tôi tự bao giờ. Vậy mà tháng Bảy này đành chịu cho nỗi nhớ dày vò.
Cả nước đang lao đao vì chống dịch. Sau TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam, đến lượt Hà Nội giãn cách hoàn toàn. Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội như gáo nước lạnh dập tắt niềm hy vọng le lói trong tôi về một chuyến đi đến với vùng đất mà tôi coi như quê hương thứ hai của mình. Duy chỉ còn một niềm an ủi là Quảng Trị gần như vẫn an bình. Đã qua mấy chục ngày không phát hiện ca bệnh trong cộng đồng. Tự an ủi và ngồi ở nhà để nhớ.
Ngồi ở nhà vào lúc này, mới thấy nhớ sao những hành trình tháng Bảy, gấp gáp mà luôn đầy ắp những sẻ chia, thương nhớ. Nhớ những cuộc điện thoại hẹn hò gây cảm giác háo hức trước ngày lên đường. Nhớ những tin nhắn hỏi xem xe đã chạy đến đâu, nhớ những lúc đếm từng phút để được cùng nhau tay bắt mặt mừng bên li rượu tẩy trần.
Những chuyến đi chỉ vài ba ngày, bao giờ cũng là sự ưu tiên cho việc tưởng nhớ đồng đội. Vì vậy, những ngày này nhớ nhất những phút giây xúc động đến gai người khi đứng trước đài hương trong làn khói hương bảng lảng, những giây phút lặng người bên nấm mộ những liệt sĩ chưa biết tên, dù đó là ở Nghĩa trang Bến Tắt, Đường 9, trong Thành Cổ Quảng Trị hay một trong 72 nghĩa trang liệt sĩ nằm rải rác ở các địa phương của tỉnh miền Trung nắng gió này.
Những lúc ấy tôi vẫn tự nhủ, còn sống mà trở về để thấy đất nước trong những ngày hòa bình, thống nhất, dù còn bao điều chưa ưng ý, thì đó cũng là niềm hạnh phúc và may mắn lớn lao. Cứ mỗi lần nghĩ vậy, lại thêm nung nấu một ý nghĩ, phải làm chút gì đó, cho mảnh đất này, cũng là để xứng với máu xương của đồng đội đã đổ ra. Những ngày lòng tràn nỗi nhớ này, lại càng thấy biết ơn những người bạn đồng nghiệp nhiều thế hệ của Báo Quảng Trị đã chia sẻ với nhau những tâm nguyện ấy, nhiều năm qua đã chung tay làm được ít nhiều, để những ngày tháng Bảy này, có một chút gì mà thương, mà nhớ.
Giờ đang Hà Nội là mùa Thu, tháng Tám, tháng của gió mát, trời xanh. Thành phố đã bước sang tuần lễ thứ 5 thực hiện giãn cách để phòng chống dịch bệnh. Người Hà Nội đang qua những ngày thật sự khó khăn, nhưng lại nhớ, khó khăn nào bằng những ngày Quảng Trị năm 1972, cái năm mà cùng với cảm giác trải nghiệm lần đầu tiếng gầm của đạn pháo, tiếng rít của bom rải thảm từ B52, cũng là lúc tôi làm quen với nắng, gió cùng màu đỏ rực lửa của hoa giấy tháng Tư Quảng Trị, để mà từ ấy gắn bó, yêu thương. Nghĩ vậy và tin rằng rồi khó khăn sẽ vượt qua, cuộc sống sẽ trở lại an lành. Và tôi sẽ lại về Quảng Trị, cho thỏa nỗi nhớ những ngày cả nước cùng nhau vượt qua đại dịch này.