Có một Sài Gòn trong ký ức
Như một chuyến tàu thời gian trở về ký ức, 'Chuyện kể từ Sài Gòn' dẫn dắt bạn đọc quay về những năm 1960, 1970 của thế kỷ 20.
Tiếp nối mạch cảm xúc trong các tập tản văn viết về TP.HCM đã xuất bản trước đây như Sài Gòn đi và nhớ (2 tập, xuất bản năm 2013); Sài Gòn thương và nhớ, Sài Gòn tình yêu của tôi, Sài Gòn Ký ức vượt thời gian, Saigon in my memories (xuất bản năm 2017), mới đây, tác giả Nguyễn Ngọc Hà tiếp tục cho ra mắt cuốn Chuyện kể từ Sài Gòn.
Cuốn sách gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy. Tất cả đều gắn với những câu chuyện ký ức của tác giả Nguyễn Ngọc Hà cùng bạn bè và gia đình.
Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, được chứng kiến và trải qua những thăng trầm của thời cuộc, tác giả Nguyễn Ngọc Hà rất “giàu có” kỷ niệm với vùng đất nơi đây. Và những kỷ niệm đó đã được “sống lại” qua những câu chuyện ngắn, đơn sơ, dễ hiểu như chính con người Sài Gòn của tác giả.
Qua những câu chuyện ngắn, đơn sơ, dễ hiểu này, tác giả muốn đưa bạn đọc thế hệ 4X, 5X, 6X trở về với thời thơ ấu của mình. Đồng thời, tác giả muốn giúp bạn đọc trẻ hôm nay có thể hiểu hơn về một thành phố từng là hòn ngọc Viễn Đông, từ những công trình kiến trúc xinh đẹp đến nhân cách, tác phong nhã nhặn, lịch sự của con người.
Như một chuyến tàu thời gian trở về ký ức, Chuyện kể từ Sài Gòn dẫn dắt bạn đọc quay về những năm 1960, 1970 của thế kỷ XX với những góc phố, rạp chiếu phim, công viên, trường học, di tích lịch sử và văn hóa, đến những đồ vật, món ăn, thức uống của vùng đất này.
Bạn đọc sẽ thấy lại những những địa danh hoặc công trình kiến trúc của thành phố xưa mà trải qua thời gian đã có sự thay đổi, hoặc không còn nữa. Chẳng hạn, hai chiếc cầu đi bộ tại chợ Bến Thành. Hay như Thương xá Crystal Palace, còn gọi là Thương xá Tam Đa - một trong 3 Thương xá nổi tiếng nhất thời xưa.
Hoặc đó là rạp Long Phụng (quận 1) chuyên chiếu phim Ấn Độ, rạp Rex, Eden chuyên chiếu phim Pháp Mỹ... Đó là những ki-ốt ngay ở tim đường Nguyễn Huệ - nét chấm phá trong đời sống văn hóa của người dân thành phố hòn ngọc Viễn Đông một thời.
Đó là con đường cây cổ thụ (đường Cường Để, nay là đường Tôn Đức Thắng) với hai hàng cây xanh mướt quanh năm như ôm trọn hình bóng của các nữ sinh thướt tha trong tà áo dài trắng…
Cũng trên chuyến tàu thời gian trở về một thành phố trong ký ức, bạn đọc còn gặp lại những đồ vật, vật dụng đã biến mất hoặc rất hiếm thấy ngày hôm nay.
Có thể kể đến chiếc xe La Dalat - loại xe hơi có động cơ từ xe Citroen của Pháp nhưng có hơn 70% phụ tùng xe là của Việt Nam. Hay như chiếc xe đạp máy Vélo Solex, chiếc máy may Sinco, chiếc radio Transistor, hoặc những vật dụng là hàng Mỹ ngày xưa…
Vẫn trên chuyến tàu thời gian trở về một Sài Gòn trong ký ức đó, bạn đọc lại có cơ hội thưởng thức những món ăn thức uống mà bây giờ, dù nhiều bạc tiền đến mấy cũng khó để tìm mua như bánh tay cùi, bánh dầu chá quẩy, bánh mì Lò Đầu…
Bên cạnh những địa danh hoặc những công trình kiến trúc của thành phố mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy, Chuyện kể từ Sài Gòn còn đưa bạn đọc về với cuộc sống và nền nếp sinh hoạt của Sài Gòn xưa. Đó là cuộc sống ấy bình dị, có thiếu thốn, lam lũ nhưng luôn an vui và ấm áp trong tình người nhân ái…
Cũng như những cuốn sách khác viết về thành phố này của Nguyễn Ngọc Hà, Chuyện kể từ Sài Gòn sẽ là món quà tặng đầy ý nghĩa cho những ai sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, những ai từng dừng chân ở đây và những ai đã rời bỏ Sài Gòn ra đi.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-mot-sai-gon-trong-ky-uc-post1192968.html