Có một sự lãng phí 'không hề nhẹ' đối với ảnh nghệ thuật Việt Nam
Mỗi năm, hàng nghìn thậm chí hàng chục nghìn bức ảnh đã được các nhà nhiếp ảnh Việt Nam thực hiện. Nhưng cũng gần như ngần ấy bức ảnh 'bơ vơ' vì không có người tìm mua, tạo ra sự lãng phí 'không hề nhẹ'. Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng bà Trần Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam về vấn đề này.
PV: Thưa bà, đầu ra cho các tác phẩm nhiếp ảnh Việt Nam hiện tại như thế nào, liệu có tương xứng với số lượng ảnh tăng lên từng ngày?
Bà Trần Thu Đông: So với một số loại hình nghệ thuật như mỹ thuật chẳng hạn, thì đầu ra cho các tác phẩm nhiếp ảnh hiện nay rất hạn chế. Tác phẩm nhiếp ảnh ít khi được bán với giá trị cao, có chăng, các tác giả chỉ bán được tác phẩm của mình qua những mối quan hệ cá nhân để trang trí, làm quà tặng, đăng báo, tạp chí... và không thường xuyên. Hiện tượng các tổ chức, cá nhân xin ảnh các tác giả để sử dụng, hay thậm chí tự ý lấy trên mạng rồi vô tư dùng cho công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, hay trang trí ở gia đình, trụ sở công ty, thậm chí ở các cơ quan nhà nước vẫn diễn ra thường xuyên.
Thực trạng này làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm huyết nghề nghiệp của các tác giả, làm cho phần lớn các tác giả không dám đầu tư toàn bộ công sức, thời gian của mình cho sáng tạo tác phẩm, mà chỉ xem đây là một sân chơi và cũng không dám chọn nhiếp ảnh là nghề chính để nuôi sống gia đình.
PV: Trước đây, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam từng thử nghiệm bán giúp ảnh của hội viên. Kết quả thu về có như kỳ vọng?
Bà Trần Thu Đông: Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam từng thử nghiệm bán giúp ảnh của hội viên thông qua trang web của Hội, phải nói thật là chưa thành công. Một số tổ chức tư nhân ở Việt Nam cũng đã từng mở ngân hàng ảnh nhưng kết quả cũng không được như mong muốn. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân rất lớn là không giữ được bản quyền ảnh khi tác giả gửi file ảnh gốc và công tác quảng bá còn nhiều hạn chế.
PV: Không có đầu ra cho tác phẩm, vậy các nhà nhiếp ảnh đang chơi ảnh là chính?
Bà Trần Thu Đông: Phải nói là, việc buôn bán các tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật ở Việt Nam không hề mới, nhưng hiện nay chỉ có rất ít các nhiếp ảnh gia, gallery đang kinh doanh tác phẩm ảnh một cách chuyên nghiệp và sống chủ yếu bằng nghề ảnh. Còn lại, hầu hết các tác giả, kể cả các nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng, chủ yếu chụp ảnh để thỏa mãn đam mê nghệ thuật, còn việc bán tác phẩm ảnh rất ít. Cho nên có thể khẳng định, đa phần các nhiếp ảnh gia Việt Nam không sống được bằng việc bán tác phẩm ảnh mà phải dựa vào nguồn thu nhập khác.
Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam có hơn 1.000 hội viên. Ngoài ra, giới nhiếp ảnh cả nước còn có hàng nghìn nhiếp ảnh gia tự do khác. Số lượng ảnh hàng năm của các nhà nhiếp ảnh thực hiện rất lớn, lên đến hàng chục nghìn ảnh. Nhưng hiện ở Hà Nội, Thủ đô của cả nước chỉ có một vài gallery ảnh nhưng bán lẫn với các mặt hàng lưu niệm cho du khách và đa phần các tác phẩm nhiếp ảnh được mua bán dưới dạng hàng hóa lưu niệm.
PV: Đông đảo tác phẩm nhiếp ảnh được ra đời trong 1 năm tạo ra tiềm năng lớn. Nhưng đến nay, người mua và người bán lại chưa gặp nhau?
Bà Trần Thu Đông: Khác với nhiều loại hình nghệ thuật khác có thể định giá trị thực tế một cách tương đối, nhiếp ảnh cho đến nay vẫn thật khó định giá, cho nên ở Việt Nam chưa hề có thị trường nhiếp ảnh rõ ràng. Có thể nói, ý tưởng về một thị trường nhiếp ảnh chuyên nghiệp tại Việt Nam đến nay vẫn đang còn nhiều vấn đề cần được tháo gỡ. Với những nghệ sĩ nhiếp ảnh, ngoài việc sáng tác thỏa mãn đam mê thì việc bán tác phẩm vẫn còn rất hạn chế. Còn với công chúng đang thiếu những “kênh” thông tin để tiếp cận những giá trị nghệ thuật của các tác phẩm nhiếp ảnh. Tiềm năng của nhiếp ảnh Việt Nam rất lớn nhưng chúng ta đang thiếu một thị trường ảnh phát triển, minh bạch và chưa có đủ không gian để kích thích tiềm năng ấy.
PV: Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã và sẽ có các hoạt động góp phần hình thành thị trường nhiếp ảnh Việt Nam?
Bà Trần Thu Đông: Về phía Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, luôn tạo mọi điều kiện về đầu ra cho tác phẩm của hội viên, tuy nhiên cũng chưa được nhiều và ổn định. Hội đang xây dựng một ngân hàng ảnh làm dữ liệu cho nền nhiếp ảnh quốc gia, vừa khai thác phục vụ cộng đồng, vừa là cầu nối với người mua để giúp hội viên quảng bá rộng rãi tác phẩm của mình trong và ngoài nước, từng bước tạo thị trường ổn định, góp phần vào chiến lược công nghiệp văn hóa của quốc gia.
Để các tác giả nhiếp ảnh hết lòng sáng tạo, cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật say đắm người xem thì thiết nghĩ, tất cả mọi người trong xã hội phải nghiêm túc thực hiện đúng luật bản quyền, trân trọng sức lao động của người tạo ra tác phẩm. Có như thế thì các tác giả mới có điều kiện tái tạo sức lao động, mới có động lực để đi tìm cái đẹp phục vụ cuộc đời.