Có một tháng Tư không thể nào quên
Mỗi năm, cứ đến ngày 30/4, ngày trọng đại kỷ niệm thời khắc hòa bình, thống nhất đất nước, không hiểu sao trong bao nhiêu thứ ùa về từ miền ký ức, tôi lại hay nhớ về quê ngoại. Đó là một dải cù lao xanh tươi, như chiếc xuồng nhỏ xíu nằm trên con sông Tiền.
Nhà ngoại tôi ở cù lao Ngũ Hiệp thuộc Cai Lậy, Tiền Giang. Hồi nhỏ, trong cảm nhận của mình, quê ngoại tôi là một dải cù lao xanh mướt với những cánh đồng lúa đương thì mơn mởn và óng ánh vàng bởi những sóng lúa trĩu nặng hạt trong mùa gặt. Dưới sông đầy tôm cá, trên bờ cây cho trái ngọt quanh năm.
Qua mấy chục năm dời đổi, quê ngoại tôi bây giờ không còn những cánh đồng lúa mênh mông mà đã trở thành một vùng đất trồng sầu riêng nổi tiếng. Người dân quê không còn lam lũ mà cuộc sống đã trở nên giàu có.
Nhưng với tôi mỗi khi nhớ về, tôi vẫn không quên được nhiều kỷ niệm tuổi thơ đã khắc sâu trong ký ức. Nhớ nhất là thời khắc 30/4 lịch sử của đất nước. Cho tới bây giờ, tôi vẫn nhớ như in nét mặt ông ngoại tôi rạng rỡ, ánh mắt ông lung linh, giọng run run ông la lớn: “Yên rồi”, “Hòa bình rồi”, “Hết chiến tranh rồi mấy con ơi!”.
Nhà ba má tôi ở quận 8, Sài Gòn. Trước thời điểm 30/4/1975, do tình hình chiến sự đang hồi ác liệt nên tất cả trường học đều đóng cửa. Vì nhà đông con nên ba má chia chị em tôi thành hai phe: Chị hai, anh ba và hai em nhỏ của tôi ở lại Sài Gòn với ba má, còn tôi, anh tư và em kế được gửi về quê ở với ông bà ngoại.
Gần 2 tháng ở quê ngoại, tôi lờ mờ hiểu được thế nào là chiến tranh. Quê ngoại tôi lúc đó cũng không phải thật sự an toàn, yên ổn. Hằng ngày tiếng đạn pháo, tiếng người gào khóc vẫn thường xuyên xảy ra.
Nhà ngoại tôi có một cái trảng-xê lớn (hầm trú ẩn) đắp bằng đất. Mỗi khi có đạn pháo bắn, ngoại hay gọi là mooc-chê thục, ngoại dặn “Tụi con nghe một cái “tung” là bắt đầu chạy vô trảng-xê liền nghe”. Ngoại giải thích “khi mooc-chê thục, theo thứ tự sẽ có 3 tiếng động lớn. Đầu tiên đạn bắn ra nghe một cái “tung” thiệt lớn, sau đó nó bay nghe cái “chéo” thiệt rít, rồi nổ một cái “ầm” thiệt rền. Nổ xong, mảnh đạn pháo văng ra rơi loạt xoạt khắp nơi. Nhà lá mình, dễ bị mảnh ghim thủng nóc, rớt xuống rất nguy hiểm. Mảnh đạn văng trúng không mất mạng cũng bị thương. Nghe ngoại dặn, mấy anh em không dám chạy chơi xa, chỉ quanh quẩn ở sân, vườn nhà ngoại.
Về chuyện chạy vô hầm khi nghe đạn pháo bắn, tôi còn nhớ một kỷ niệm. Bây giờ kể lại thì nghe có vẻ hài hước nhưng lúc đó cả nhà sợ xanh mặt. Số là một buổi sáng sớm, anh tư tôi đang đi cầu tỏm (nhà vệ sinh bắc trên sông, hồ). Cây cầu bắc trên hầm cá vồ, cách nhà một một liếp vườn. Lúc đạn pháo nổ, không thấy anh tư tôi đâu, ngoại thất thanh réo gọi, nhưng ngoài tiếng pháo nổ, tiếng mảnh đạn rơi, chung quanh hoàn toàn im ắng khiến ngoại nóng ruột. Ngoại lo đến mức, tiếng mảnh đạn rơi loạt xoạt chưa dứt, ngoại đã lao ra tìm anh.
Vừa lúc anh tư tôi cũng đang cắm đầu chạy vào. Ông ngoại giận quá la: “Tổ cha mày, đạn pháo ì đùng mà chạy đi đâu vậy, kêu cũng không trả lời, làm ông hú vía”. Anh tư tôi gãi đầu, nhăn nhó: “Con mới rặn được một hơi, thì nghe cái “tung”, chưa kịp kéo quần lên, nó đã “chéo chéo”, sợ nó “ầm” chạy vô nhà không kịp, con núp luôn trong cầu, úp mặt xuống cây gòn khai rình. Run thấy mồ tổ có nghe ông kêu đâu”. Đang giận, nghe tới đó, ông ngoại bật cười ha hả.
Ông kéo anh tư vừa vô tới trảng-xê thì liên tiếp mấy đợt pháo nữa dội xuống, kéo dài tới xế trưa. Ngoại chui ra khỏi trảng-xê bần thần lẩm bẩm: “Khổ quá! Không biết chừng nào mới yên đây?”. Vậy rồi cuối cùng nỗi lo đạn pháo của ngoại cũng được trút bỏ.
Sáng ngày 30/4, ông ngoại cứ ra vô lầm bầm: “Sao bữa nay lạ vậy cà, êm ru hà”. Bà ngoại càm ràm: “Êm cũng không chịu, cũng không mừng, đạn pháo nã ầm ầm mới chịu ha?”. Ông nói: “Không phải. Nó im kỳ lạ lắm”. Rồi như chợt nhớ ra, ông vô mở tủ lấy cái radio ấp chiến lược lâu nay rọt rẹt quá nên ông ít xài tới. Ông dò đài, nó rè rè hoài, ông gõ tới gõ lui, đập qua đập lại, cầm lên để xuống mấy bận. Tới gần trưa, ông lại cầm lên dò tiếp. May quá cái radio rọt rẹt một hồi rồi lên tiếng. Đúng lúc ông ngoại tôi đang ngồi trên bộ ván nhảy “bịch” xuống đất. Ông cầm cái đài chạy vòng vòng quanh sân la lớn: “Giải phóng rồi. Cờ giải phóng cắm trên Dinh Độc lập rồi. Ngưng bắn rồi. Hết chiến tranh rồi. Hòa bình rồi”. Ông lại chạy vô nhà, kêu lớn “: “Yên rồi”, “Hòa bình rồi”, “Hết chiến tranh rồi mấy con ơi!”.
Lúc đó, tuy không hiểu hết mấy câu reo mừng của ngoại nhưng tôi lờ mờ hiểu ra rằng, từ đây chúng tôi sẽ không còn phải nghe tiếng mooc- chê thục tung -chéo - ầm, không phải chạy chúi nhủi vô trảng-xê tránh mảnh pháo. Và vui mừng hơn hết thảy là sắp được gặp lại ba má, anh chị em ở Sài Gòn sau mấy tháng trời xa cách.
Mấy hôm sau, ông ngoại dắt 3 anh em tụi tôi trở lên Sài Gòn. Trên đường, xe nối đuôi nhau ken dày, nhích từng chút một. Nhiều đoạn kẹt cứng. Nhiều người vừa lo sợ vừa nóng lòng, xuống xe kéo nhau đi bộ.
Vì bốn đứa cháu nhỏ, ông ngoại tôi không còn cách nào hơn là phó thác cho bác tài, hết nửa ngày ì ạch, mấy ông cháu cũng lên đến bến xe Chợ Lớn, từ đó cuốc bộ về nhà vừa mệt, vừa đói.
Sài Gòn sau 30/4/1975 mà tôi gặp lại, vừa quen, vừa lạ. Đường phố im ắng hơn, mọi người lặng lẽ hơn. Người lạ ngoài đường nhiều hơn người quen, cũng là lần đầu tiên tôi thấy chú bộ đội.
Tính từ 30/4/1975, đã trải qua 47 năm. Chiến tranh, nghèo đói đã lùi vào quá khứ. Tất nhiên, chưa phải mọi thứ đều đã hoàn hảo, chưa phải mọi người dân đều đã giàu có. Tuy nhiên, đất nước đã có những giai đoạn phát triển mới, cực kỳ ấn tượng. Mong rằng chiến tranh, nghèo đói mãi mãi là quá khứ, mãi mãi nằm trên trang sử. Mọi người luôn cố gắng góp phần mình nhân lên cái thiện cái tốt, tiêu diệt cái xấu, cái ác…
Với riêng tôi, ngày 30/4 hằng năm còn có một ý nghĩa rất riêng, đó là dịp sinh nhật của mình. Vì thế, đây luôn là ngày mang đến cho tôi nhiều hoài niệm, cảm xúc. Và trong ngồn ngộn cảm xúc khác biệt theo thời gian, tôi không bao giờ quên những ngày tháng 4/75 trên mãnh đất cù lao quê ngoại, một vùng đất phương Nam tươi đẹp, hiền hòa nay đã trở thành “cù lao tỷ phú”.
Tháng 4/2022
Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/co-mot-thang-tu-khong-the-nao-quen-117933.html